Những cây chè cổ thụ trên đỉnh Hoàng Liên Sơn kì bí

Thứ bảy, ngày 25/06/2011 15:51 PM (GMT+7)
Cây chè có đường kính khoảng hai người ôm, cao tít tắp. Dù đã nhìn qua nhiều cây chè cổ thụ, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy những thân chè cao lớn đến thế, những gốc chè bám đầy địa y mọc san sát nhau...
Bình luận 0

Đỉnh Phanxipăng xưa nay không có gì xa lạ với những người đam mê khám phá, chinh phục, thêm nữa, hàng ngày vẫn có nhiều đoàn du khách từ khắp nơi trên thế giới rảo bước trên dải núi này nhưng không phải ai cũng biết hành trình của mình lại qua rừng chè cổ. Lượng thông tin về cây chè cổ tuy ít ỏi nhưng đầy hấp dẫn đã khiến chúng tôi quyết tâm đi tìm bằng được cây chè cổ trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Từ một sự tình cờ

img
Nhóm phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị gặp gỡ những du khách Hong Kong trên rừng Hoàng Liên Sơn.

Đúng như phó giáo sư Đỗ Ngọc Quỹ đã viết, ngay các nhà khoa học về chè của Trung Quốc, nơi vẫn tự hào với những vùng chè cổ nổi tiếng ở Vân Nam, cũng phải ngạc nhiên khi nhìn thấy bức ảnh chụp những cây chè cổ thụ thân to mấy người ôm mọc ở vùng núi tây bắc Việt Nam. Ngay những người Việt am hiểu về chè thực ra cũng chưa có được những thông tin đầy đủ về vùng chè cổ thụ của mình, thậm chí chưa từng được đặt chân tới.

Vậy mà năm 2003, một chàng kỹ sư Nhật vì yêu chè nên đã may mắn được Trần Ngọc Lâm, người có duyên với cây chè cổ, và có lẽ cũng là người đầu tiên biết những rừng chè cổ thụ ở Hoàng Liên Sơn, dẫn đường vào khu rừng có một không hai này. Quá hạnh phúc và sung sướng, vị khách Nhật quyết định hạ trại, ở hẳn trong rừng chè một tuần liền để mỗi ngày được cảm thụ vị ngon của các búp chè nguyên sinh trên vùng núi cao mà chắc chắn ở xứ Phù Tang chẳng thể có được.

Tuy nhiên, cho tới nay, những cánh rừng chè cổ trên dãy Hoàng Liên Sơn vẫn còn đầy bí ẩn và xa lạ. Và vùng chè cổ nằm trong vườn quốc gia Hoàng Liên, một vùng rừng được bảo vệ cẩn trọng nên dấu tích về vùng chè trên dãy Hoàng Liên Sơn may ra chỉ có giới kiểm lâm mới biết rõ.

Đi tìm cây chè cổ

Sau một số thủ tục hành chính cộng với hơn hai ngày chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng được cấp phép vào vườn quốc gia Hoàng Liên để đi tìm vùng chè cổ thụ. Khởi hành từ Trạm Tôn, con đường đi tìm cây chè cổ của chúng tôi cũng chính là đường mòn mà du khách sử dụng để chinh phục đỉnh Phanxipăng, và đích đến của hành trình sẽ là cao độ 2.200m so với mực nước biển, nơi mà chúng tôi hy vọng sẽ gặp được vùng chè cổ thụ.

Những con đường mòn dốc đứng, những vạt rừng đẹp như tranh dần lùi lại phía sau lưng, hơn hai giờ băng rừng, dấu tích về cây chè cổ vẫn chỉ là đâu đó còn xa lắm trong lời kể của người dẫn đường. Trên đường đi, tình cờ chúng tôi gặp lại Nam, một hướng dẫn viên kỳ cựu của dân leo Phanxipăng. Khi biết chúng tôi đi tìm cây chè cổ thụ trong rừng Hoàng Liên, Nam không khỏi ngạc nhiên vì anh chưa từng nghe tới điều này.

Tiếp tục băng rừng lên đến cao độ 2.200m, gối bắt đầu mỏi, chân run, chúng tôi phải vào trạm dừng chân để nghỉ tạm. Người dẫn đường cho biết, từ trạm dừng chân này còn hơn một giờ đi bộ theo con đường mòn xuống một thung lũng sâu và đó chính là nơi có rừng chè cổ thụ. Chúng tôi đi tiếp về vùng chè cổ trong lời cảnh báo đầy đe doạ của người dẫn đường: “Các anh chú ý bước chân nhé, vì vùng chè có khí hậu khá ẩm nên cũng là vùng sinh sống tập trung của nhiều loại rắn, lần trước lên khảo sát cây chè, anh em gặp phải cả chục con rắn độc trên suốt đường đi”.

Từ đoạn rẽ hướng vào vùng chè cổ, đường mòn không còn rõ dấu như lối lên đỉnh Phanxipăng, chúng tôi dò dẫm cất từng bước chân nặng trĩu đi theo người dẫn đường, đối mặt với hiểm nguy ở những vực dốc đứng, sườn đá phủ đầy rêu phong ẩm ướt. Sau một đoạn xuôi theo vách đá xuống khe sâu, rừng trở nên rậm rạp, âm u hơn. Đang mệt mỏi, mọi người như bừng tỉnh hẳn khi nghe người dẫn đường cho biết đã đến vùng chè cổ thụ.

Cây chè đầu tiên chúng tôi chạm mặt có đường kính khoảng hai người ôm, cao tít tắp. Thật khó để nhận biết đó là chè bởi nhìn khắp vạt rừng, tán lá nào cũng một màu xanh thẫm, gốc cây nào nhìn sơ qua cũng phủ đầy rêu mốc xanh rì, dưới tán cây là vạt rừng dương xỉ dày đặc. Dù đã nhìn qua nhiều cây chè cổ thụ, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy những thân chè cao lớn đến thế, những gốc chè bám đầy địa y mọc san sát nhau.

Người dẫn đường cho biết thêm: “Từ độ cao 2.200 – 2.800m quanh đỉnh Phanxipăng đều có cây chè cổ, nhưng càng lên cao, cây chè càng nhỏ và thấp dần đi chứ không cao vút như những cây chè ở độ cao 2.200m”.

img
Những gốc chè đại thụ giữa rừng Hoàng Liên Sơn ở độ cao 2.200m. Ảnh: Lam Phong

Cả một rừng chè xen giữa những thân cây cổ thụ của rừng nguyên sinh, các cây chè phát triển một cách tự nhiên, thân cành thẳng tắp, chưa một dấu hiệu gì cho thấy chè ở đây đã từng được khai thác như các vùng chè cổ khác. Chưa có một nghiên cứu hay thống kê cụ thể nào về vùng chè cổ, và giống chè quý hiếm này vẫn đang là một báu vật của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Tạm biệt rừng chè cổ thụ, chúng tôi hái một ít lá chè đem về lán trại ở độ cao 2.200m nấu một nồi nước pha chè. Kỳ lạ là giống chè chỉ cho ra màu nước xanh rất lợt, nhưng khi uống lại cho vị đậm đà, ngọt thanh cứ nấn ná mãi nơi cuống họng.

Cũng có mặt trong lán trại nghỉ chân hôm ấy, Catherine – du khách Hong Kong – khi nghe tôi kể về những lá chè mới hái về từ rừng chè cổ thụ đã nếm thử vị chè cổ và không giấu vẻ ngạc nhiên: “Chè xanh của Việt Nam thường có vị đắng chát khá đậm, hơi khó uống, còn giống chè này uống không bị chát mà lại thanh nhẹ. Tôi vừa trên đỉnh Phanxipăng xuống, uống hớp chè thấy thật sảng khoái, dễ chịu. Nếu không nói thì tôi không thể ngờ rằng ở vùng núi này lại có cây chè độc đáo đến vậy”.

Dù chưa có nghiên cứu và khảo sát cụ thể về vùng chè cổ thụ trong dãy Hoàng Liên Sơn nhưng có thể khẳng định rằng đây là một nguồn chè quý, xứng đáng được bảo vệ và khai thác một cách khoa học.

Theo Sài Gòn tiếp thị
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem