Những chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 12/2023

Mộc An Chủ nhật, ngày 03/12/2023 07:41 AM (GMT+7)
Từ tháng 12/2023, một số chính sách giáo dục quan trọng bắt đầu có hiệu lực.
Bình luận 0

Bỏ quy định đào tạo chất lượng cao trình độ đại học

Ngày 15/6/2023, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học

Đối với các khóa đã tuyển sinh Chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học trước ngày 1/12/2023 (là ngày Thông tư 11 có hiệu lực) được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học.

Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với các chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của các chương trình đào tạo này, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội.

Theo Bộ GDĐT, việc bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học 2018. Việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các "chương trình chất lượng cao", tức là các trường vẫn được đào tạo các chương trình có chất lượng. Việc xây dựng và thực hiện các "chương trình chất lượng cao" (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, về các điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2023.

Quy định vị trí việc làm trong trường mầm non công lập

Ngày 30/10/2023, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Theo Thông tư, việc xác định vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 106/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập phải bảo đảm: Đủ số lượng người làm việc theo định mức quy định tại Thông tư này để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ GDĐT ban hành và để thực hiện các công việc chuyên môn dùng chung, công việc hỗ trợ, phục vụ của cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Những vị trí việc làm không đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian quy định của một người làm việc thì bố trí thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. Những vị trí việc làm chưa bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc kiêm nhiệm.

Định mức số lượng người làm lãnh đạo, quản lý được quy định mỗi cơ sở giáo dục mầm non công lập được bố trí 1 hiệu trưởng. Số lượng phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định về số lượng cấp phó tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tư cũng nêu rõ về định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành.

Về giáo viên mầm non thì đối với nhóm trẻ: Cứ 15 trẻ em/nhóm trẻ từ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi; 20 trẻ em/nhóm trẻ từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi; 25 trẻ em/nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ; đối với lớp mẫu giáo: Cứ 25 trẻ em/lớp từ 3 tuổi đến 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 4 tuổi đến 5 tuổi; 35 trẻ em/lớp từ 5 tuổi đến 6 tuổi được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp.

Những cơ sở giáo dục mầm non không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định nêu trên hoặc sau khi bố trí nhóm trẻ, lớp mẫu giáo theo quy định mà còn dư số trẻ thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo như sau: Cứ 6 trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi hoặc 8 trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi, 11 trẻ từ 3 đến 4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4 đến 5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5 đến 6 tuổi thì được bố trí thêm 1,0 giáo viên.

Về vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, đối với cơ sở giáo dục mầm non có trẻ khuyết tật học hòa nhập: Cơ sở giáo dục có dưới 20 trẻ khuyết tật học hòa nhập thì được bố trí 1 người; cơ sở giáo dục có từ 20 trẻ khuyết tật học hòa nhập trở lên thì được bố trí tối đa 2 người. Khi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có 1 trẻ khuyết tật học hòa nhập thì sĩ số của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được tính giảm 5 trẻ. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo không có quá 2 trẻ khuyết tật học hòa nhập.

Những chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 12/2023  - Ảnh 1.

Cô trò tại Làng Hữu Nghị Việt Nam. Ảnh minh họa: Ngọc Tân

Trường hợp không bố trí được biên chế để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thì bố trí hợp đồng lao động hoặc giáo viên kiêm nhiệm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2023.

Quy định mới nhất về định mức giáo viên tại cơ sở giáo dục công lập

Theo Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, quy định về định mức giáo viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập mới nhất là:

Đối với giáo viên tại các trường tiểu học công lập, trường tiểu học được bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp đối với lớp học 2 buổi/ngày, bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp đối với lớp học 1 buổi/ngày.

Đối với giáo viên tại các trường trung học cơ sở công lập, trường trung học cơ sở được bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp.

Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí tối đa 2,20 giáo viên/lớp.

Đối với giáo viên tại các trường trung học phổ thông công lập: Trường THPT được bố trí tối đa 2,25 giáo viên/lớp; trường phổ thông dân tộc nội trú được bố trí tối đa 2,4 giáo viên/lớp; trường trung học phổ thông chuyên: Lớp chuyên được bố trí tối đa 3,1 giáo viên/lớp.

Ngoài ra, quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên mới nhất cụ thể như sau:

Vùng 1: Các xã khu vực II, khu vực III theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.

Vùng 2: Các xã khu vực I (trừ các phường, thị trấn) theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Vùng 3: Các phường, thị trấn thuộc khu vực I theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các xã, phường, thị trấn còn lại.

Số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông như sau:

Vùng 1: Bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Vùng 2: Bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 40 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Vùng 3: Bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Số lượng học sinh/lớp của trường phổ thông dân tộc nội trú và trường trung học phổ thông chuyên thực hiện theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động.

Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem