Làm xiếc trên cầu Cà Thiêu
"Mấy chục năm nay cả thôn Ba Cẳng chúng tôi cậy nhờ vào cây cầu mục treo trên cây để qua sông canh tác. Cây cầu nguy hiểm này đã làm không ít người phải nhập viện vì lộn cổ xuống sông…". Từ dấu thư bạn đọc này, chúng tôi đã tìm đến cây cầu treo Cà Thêu ở thôn Ba Cẳng, xã Khánh Hiệp, huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hoà).
|
Cầu treo Cà Thêu ở thôn Ba Cẳng. |
"Phải lột tả đầy đủ hiện trạng của cây cầu, sinh hoạt của người dân gắn liền với cầu, nỗi khổ và cả sự đồng cảm của NTNN với người dân qua phóng sự ảnh này nhé!" Tiếng người phụ trách văng vẳng trong điện thoại… Dân thôn Ba Cẳng, chủ yếu là người Rắc Lây, đi rẫy từ sáng sớm và tắt ánh mặt trời mới về. Nghĩa là, chúng tôi phải lên đường từ tờ mờ sáng, vượt đường lên núi hơn 60 cây số trước khi người dân vượt cầu qua sông. Tang tảng sáng nhưng đường vẫn rất tối và ổ voi chi chít đã như cố cản chúng tôi đến nơi đúng thời khắc. Nhưng mặc cho cú ngã xe làm sứt môi đồng nghiệp, chảy máu đầu gối người ngồi sau, chúng tôi vẫn… lết đến đích đúng lúc người dân qua cầu lúc bình minh.
Cây cầu được treo lên hai cây chò cao gần chục mét, mặt cầu đan bằng cành cây nhỏ đã rơi rụng, để lại những khoảng trống rộng hoác. Mỗi bước chân làm cho cây cầu chao lắc như chiếc võng mục trên không. Hai cây chò dường như cũng rùng rùng chuyển động… Vậy mà, để thực hiện xong bộ ảnh ưng ý, chúng tôi đã "lăn lê bò toài" trên chiếc võng mục ấy cả ngày trời. "Làm báo mà cưc khô (cực khổ) vậy à!" - tiếng những người Rắc Lây từ rẫy về lúc chiều muộn…
Về đến nhà lúc phố đã tắt đèn đi ngủ, tôi nhức từng thớ thịt vì cả ngày nỗ lực bám vào cầu treo chao lắc trên… mây, vậy mà, tiếng người phụ trách lại văng vẳng: "Sao cô không ăn ngủ với dân!!!".
Phóng sự ảnh "Cầu treo "trên mây" ở thôn Ba Cẳng" lên báo, nhiều báo khác cũng vào cuộc làm nóng dư luận trong nước về chiếc cầu treo có một không hai này. Những bức ảnh, dù được thực hiện bằng cái máy "củ chuối" nhưng đã "gặt" được giải Nhì giải báo chí cấp tỉnh. Cây cầu đã được cấp tốc sửa chữa và được "ghi vốn" 1,4 tỷ đồng để kiên cố hóa. Đây mới chính là điều làm chúng tôi sung sướng nhất.
Ngư dân đã được… "cưng chiều"
"Chưa bao giờ ngư dân được "cưng" như bây giờ, mọi thủ tục hành chính đã được sốt sắng thực hiện, chẳng còn bị o ép gì nữa…" - ông Chủ tịch Hội ND phường Vĩnh Thọ (Khánh Hoà) vui vẻ nói. Đó là hiệu quả của một lần chúng tôi đã thay nhau giả dạng ngư dân để xác minh và viết bài về việc họ bị ép mua áo phao giá "cắt cổ" khi đi gia hạn hồ sơ đăng kiểm tàu cá. Người thì giả giọng ngư dân điện thoại cho nhân viên kiểm ngư xác minh lại địa chỉ bắt buộc phải đến mua áo phao giá đắt. Còn người có nước da đen cháy như… ngư dân thì tìm đến địa chỉ đặc biệt đó và các cửa hàng khác trên thị trường để trực tiếp khảo giá áo phao…
Một năm qua, đã nhiều lần chúng tôi nhận được những thông báo vui như reo lên của độc giả khi những phản ảnh của họ thông qua các bài báo đã nhanh chóng mang lại hiệu quả. Ví như việc hàng ngàn giáo viên bị giam hơn 7,5 tỷ đồng tiền đứng lớp phổ cập giáo dục (PCGD) suốt 3 năm liền. Sau khi NTNN đăng bài, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa giải trình ngay vụ việc.
Ngày 16.2, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các địa phương tạm sử dụng kinh phí sự nghiệp giáo dục trả ngay tiền nợ PCGD cho giáo viên. Hay việc hàng trăm hộ nuôi heo ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị nợ 7 tỷ đồng tiền tiêu hủy heo tai xanh, làm cho dân không có vốn tái đàn... Sau khi báo nêu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, xử lý và chỉ 2 tuần sau ngày báo đăng bài, người nuôi heo ở đây đã nhận được tiền…
Chưa viết bài, chưa biết sợ !
Trên những nẻo đường theo dấu thư bạn đọc, có những vụ việc mà nếu báo chí không lên tiếng thì không thể “thấu” tới chính quyền. Tôi nhớ nhất vụ việc năm 2009, ông Nguyễn Đình Hoàn - cán bộ Trại giam Ngọc Lý (huyện Tân Yên, Bắc Giang) khi tranh chấp đất đai với bà Hoàng Thị Vân (thôn Hưng Thịnh, xã Đức Thắng, Hiệp Hòa), đã đánh anh Nguyễn Tuấn Đạt (bệnh nhân tâm thần – con trai bà Vân) gây thương tích. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình bị hại đã làm đơn khiếu nại tới xã, huyện và cơ quan công an… Nhưng sau 2 năm, sự việc vẫn rơi vào im lặng…
Tôi đã lên đường về vùng quê Bắc Giang tìm hiểu vụ việc. Thật khó khăn khi gặp lãnh đạo Công an huyện và họ yêu cầu tôi phải gửi công văn chứ nhất định không chịu trả lời trực tiếp. Sau gần hai tháng gửi công văn, với nhiều cuộc điện thoại tôi vẫn chỉ nhận một lời hứa suông. Bằng những chứng cứ chắc chắn có trong tay, tôi viết bài “Bắc Giang - một công an đánh người tâm thần” đăng trên NTNN số ra ngày 18.2.2011.
Vẫn có những chuyến đi với đầy nhiệt huyết, rồi để lại cho những người làm báo chúng tôi nỗi day dứt, khi tiếng nói của người dân đã được đăng tải mà không hiệu quả. Năm Mão qua đi như “vó câu qua cửa”, chúng tôi cảm thấy như có lỗi với bạn đọc khi đơn thư gửi về nhiều, nhưng xử lý có kết quả chưa được bao nhiêu. Quả thật, trong nhiều đơn thư gửi về tòa soạn, đa phần là những sự việc liên quan đến tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng. Những việc báo chí khó lòng tháo gỡ… Tuy nhiên bên cạnh “những tồn tại mang yếu tố khách quan”, bằng những bài viết trên Tiếng Dân, một số sự việc đã được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm; đem lại những niềm vui nho nhỏ cho người dân.
Sau đó, Công an huyện Hiệp Hòa đã vào cuộc và xử lý phạt hành chính đối với ông Nguyễn Đình Hoàn, buộc ông Hoàn phải đền bù cho anh Nguyễn Tuấn Đạt số tiền 15 triệu đồng chi phí thuốc men. Sau khi sự việc kết thúc, bà Hoàng Thị Vân cho biết: “Phải công bằng mà nói, nếu không có Báo NTNN lên tiếng, sự việc của con tôi không biết đến bao giờ mới được Công an huyện Hiệp Hòa để mắt tới. Họ sợ “cái uy” của báo chí, chứ dân đen chúng tôi mà kêu thì khó lắm…”.
Vụ việc vùng đệm của Thành nhà Hồ bị một số tập thể cá nhân khai thác đá làm biến dạng cũng tương tự. Bao nhiêu năm trời, nhiều lần UBND huyện Vĩnh Lộc hứa với UBND tỉnh và Ban Quản lý di tích, sẽ dẹp hết những cơ sở làm ảnh hưởng đến di tích. Tuy nhiên, 3 công ty khai thác đá vẫn ngang nhiên hoạt động. Bí nước, ông Trưởng ban Quản lý di tích Thành nhà Hồ - Đỗ Quang Trọng, đã cầu cứu báo chí.
Theo dấu đơn thư của ông, tôi đã điều tra vụ việc và NTNN ra ngày 24.1.2011 đã có bài điều tra: “Thanh Hóa: Khai thác đá – Phá di tích”. Sau khi báo phản ánh sự việc, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu UBND huyện Vĩnh Lộc phải kiên quyết “dẹp” ngay 3 công ty khai thác đá đang xâm phạm vùng đệm di tích Thành nhà Hồ.
Tiếng nói của NTNN đã góp phần nho nhỏ vào việc bảo vệ di tích, để sau đó, ngày 27.6.2011, UNESCO đã công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa Thế giới. Người đầu tiên nhận được tin cát tường trên chính là PV NTNN!
Mai Khuê - Trần Thụ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.