Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, ngôi đền Nhà Bà tại xóm Động Cầu, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành đã tồn tại hằng trăm đến nay hiện đã được tu sửa nhiều lần. Xung quanh ngôi đền linh thiêng này, người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau về những câu chuyện kỳ bí nhưng lại khiến cho họ phải kính trọng bởi vị thần được thờ là 1 trong 5 vị thành hoàng của làng.
Từ trung tâm xã miền núi Lăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vượt qua quảng đường gần 5 km theo hướng Tây Bắc với đường đồi núi rậm rạp, sau đó vượt qua con dốc Cầu với những đường cua gấp tay áo thì đến xóm Động Cầu. Lăng Thành là xã trung du, chỉ riêng xóm Động Cầu nằm cách biệt với trung tâm xã, nơi đây vốn được xem là chốn “khỉ ho cò gáy”.
Ông Nguyễn Đình Thụ, hậu duệ thứ 9 của dòng họ Nguyễn Đình hiện vẫn còn giữ sắc phong thần của ngôi đền Nhà Bà.
Ngôi đền giữ làng Xóm Động Cầu gắn cho mình với những nét đặc trưng riêng biệt về địa lý, tự nhiên của một vùng rừng núi rậm rạp. Đặc biệt tại đây có nhiều ngôi đền thiêng nhưng qua thời gian hiện đền không còn giữ được nguyên hiện trạng. Chỉ duy nhất ngôi đền Nhà Bà linh thiêng vẫn được người dân nơi đây tôn tạo và thờ phụng với mong muốn đem đến sự yên bình cho ngôi làng vốn được xem là nơi “rừng thiêng nước độc”.
Ông Đào Sơn đang kể những câu chuyên kì bí quanh ngôi đền linh thiêng.
Đền Nhà Bà nằm trên một khu đất khá bằng phẳng có khuôn viên khoảng hơn 200 m2. Không ai biết đền được xây dựng vào năm nào, chỉ biết vào năm 1996, khi ngôi đền bị mối mọt hư hỏng nặng nên người dân địa phương đã dỡ ra để tôn tạo lại thì phát hiện trên xà nhà của ngôi đền có ghi một dòng chữ Nho.
Sau đó, các vị cao niên đã dịch ra là đền được xây dựng vào năm “Bính Tý”. Tuy nhiên, ngôi đền cũng không để lại tư liệu gì khác nên không rõ đền được xậy dựng vào thời kỳ nào cả. Đến năm 2008, do bị mối mọt ăn hư hỏng lần nữa nên đền được tôn tạo lại với kinh phí gần 50 triệu đồng do nhân dân địa phương tự nguyện cúng công đức và có hiện trạng như bây giờ.
Đền có Thượng điện là nơi thờ Bạch y công chúa; Hạ điện để làm bàn thờ thắp hương cho bà con và du khách thập phương đến cúng viếng; ngoài ra còn có sân vào ghế ngồi xung quanh sân và vườn.
Anh Trần Văn Truyền, người đã tận mắt nhìn thấy “rắn thần”.
Ông Nguyễn Đình Thụ (64 tuổi) cho biết: Ông là hậu duệ thứ 9 của dòng họ sinh sống ở đây và hiện ông vẫn còn giữ được sắc phong thần của ngôi đền và chỉ có dòng họ Nguyễn Đình được giữ bản sắc phong ấy. Hiện trên bàn thờ dòng họ đặt tại nhà ông Thụ vẫn còn lưu giữ bản gốc sắc phong ấy bằng chữ Nho.
Hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng ông Thụ đều có nhiệm vụ đưa bản dịch tiếng việt từ bản gốc ấy ra để tế lễ thần linh. Từ ngày còn nhỏ, ông đã nghe nội kể lại ngôi đền Nhà Bà vốn linh thiêng và có nhiều câu chuyện mang tính tâm linh nên đám trẻ con trong làng không ai dám tới gần.
Lúc bấy giờ, ngôi đền Nhà Bà vẫn được làm bằng gỗ và mái được lợp bằng tranh. Ngồi đền không chỉ là nơi cầu phúc, cầu tài, cầu lộc giữ bình yên cho người dân địa phương mà có rất nhiều du khách thập phương khi nghe tin sự linh thiêng của ngôi đền cũng đã đến đây để cúng viếng.
Cây lim bị chặt bỏ để làm cầu vào năm 1918.
Những câu chuyện linh thiêngÔng Đào Sơn (66 tuổi) là hậu duệ đời thứ 25 của dòng họ Đào, một trong 4 dòng họ đầu tiên (Nguyễn, Đào, Hoàng, Thái) lên vùng đất này khai hoang lập dân cho biết: Hiện không có tư liệu nào ghi chép cụ thể về sự hình thành của ngồi đền tuy nhiên dựa vào lịch sử vùng đất này thì khoảng trên 500 năm trước đã có người lên đây khai phá, lập dân. Như vậy, ngôi đền có thể cũng được xây dựng vào thời gian này để mong sự bình an, yên ấm nơi vùng đất vốn được xem là chốn “rừng thiêng nước độc” này.
Sắc phong thần cho ngôi đền đang được dòng họ Nguyễn Đình lưu giữ.
Mặc dầu không có những tư liệu ghi chép lại nhưng những câu chuyện về ngôi đền thiêng này vẫn được người dân nơi đây truyền miệng từ đời này qua đời khác. Qua hàng trăm năm, trải qua nhiều mưa nắng, gió bão thiên nhiên nhưng ngôi đền vẫn không hề hấn gì. Có những trận bão sau khi qua đi thì phát hiện có rất nhiều nhánh, cây cối ngã đổ rạp ra xung quanh mà không ngã đè lên ngôi đền.
Chính điều này, người dân địa phương cho rằng đó là một sự trùng lặp ngẫu nhiên hay có sức mạnh siêu nhiên nào đó(?). Hiện xung quanh ngôi đền có rất nhiều cây cổ thụ 2-3 người ôm nhưng không một người dân nào dám đụng đến.
Ngôi đền cũng là vị cứu tinh của nhiều người dân địa phương nơi đây. Với tính chất địa hình đồi núi nên trâu bò được thả rông trên các sườn đồi và thường xuyên bị mất lạc. Khi đó, người dân thường đến đền Nhà Bà để thắp hương cầu khấn và lạ kỳ là không lâu sau đó đều tìm thấy. Nhiều người đi qua đây, vạ miệng văng tục đều bị “thánh” quở trách, có người méo miệng, có người bị ốm, bệnh tật không rõ nguyên nhân.
đó, người nhà phải đến đền Nhà Bà xin dược mới khỏi bệnh. Hay như trẻ con trong làng bị đau yếu, bị quấy khóc ban đêm thì đều đến ngôi để khấn làm lễ. Mặc dầu với y học hiện đại nhưng người dân nơi đây vẫn quen với việc này. Việc đi lại khó khăn, đường xá cách trở, ngồi đền giường như là vị cứu tinh của dân làng nơi đây.
Rất nhiều người dân và du khách thập phương đến đền Nhà Bà làm lễ nhờ thánh thần phụ hộ.
Một câu chuyện truyền miệng về sự linh thiêng của ngôi đền mà người dân ở đây vẫn truyền tai nhau đó là sự mất đi của 2 cây lim to 3-4 người ôm vốn là 2 cột cổng của ngôi đền bỗng nhiên bị chặt bỏ.
Ông Đào Sơn kể lại: “Tôi được ông tôi kể lại rằng, vào năm 1918 xã Lăng Thành có chủ trương làm một số cầu trên địa bàn và quyết định chặt 2 cây lim trước cổng đền cưa ra làm ván đóng cầu. Hôm chặt cây, chỉ có 3 người tham gia và rất đông người dân đến xem nhưng không ai dám phụ giúp bởi họ sợ “thần linh” quở phạt.
Không hiểu là một điều trùng lặp ngẫu nhiên hay sự quở phạt của thần linh mà không lâu sau đó, 2 trong 3 người trực tiếp vào chặt cây lim đã bị gặp nạn. Một người bị chết tức tưởi khi tuổi đời còn trẻ, một người khác bị mù mắt, không lâu sau đó cũng chết, còn người kia chỉ phụ giúp nên may mắn không gặp nạn”, ông Sơn kể lại.
Rất nhiều cây lim, ngút diều cổ thụ quanh ngôi đền mà không một người dân nào dám chặt phá.
Bên cạnh câu chuyện linh thiêng xung quanh 2 cây lim bị chặt bỏ thì gần đây, người dân địa phương lại xôn xao về chuyện “rắn thần” bỗng nhiên xuất hiện với tần suất nhiều hơn quanh khu vực đền. Anh Trần Văn Truyền, người đã tận mắt nhìn thấy “rắn thần” kể lại: Vào sáng ngày 4/5 năm 2012, anh cùng với 7 người khác (đều là anh em trai) đi vào đền Nhà Bà để dọn dẹp và phát quang chuẩn bị cúng ngày 5-5 âm lịch.
Khi vừa bước vào cửa thượng điện thì hốt hoảng phát hiện một con rắn hổ mang đang nằm khoảng tròn bên góc cửa. Khi thấy người, con rắn liền ngóc đầu lên nhìn và không di chuyển. Con rắn dài khoảng 3-4 m nặng khoảng 5-6kg và nhiều người khẳng định đây là con “rắn thần” đã gặp trước đó quanh khu vực ngôi đền.
“Con rắn này xuất hiện nhiều lần rồi nhưng vì là “rắn thần” của ngôi đền Nhà Bà nên không ai dám bắt. Mấy anh em chúng tôi vốn là những người chuyên đi bắt rắn, nếu hôm đó không phải là gặp ở đền Nhà Bà chúng tôi đã tóm ngay. Khi chúng tôi thay nhau vào thắp hương ở thượng điện, con rắn vẫn nằm dưới chân. Hổ mang là loài rắn ác và hiếu chiến, nếu là rắn bình thường khi thấy người nó sẽ lao vào căn ngay” anh Truyền khẳng định.
Nhiều câu chuyện kì bí xung quanh ngôi đền Nhà Bà vẫn được người dân nơi đây truyền tai nhau. Những câu chuyện ly kỳ trùng lặp không ai có thể cắt nghĩa được và cũng không chứng minh được có thật hay không. Tuy nhiên, họ xem ngôi đền như là một vị cứu tinh mỗi khi xảy ra chuyện chẳng lành. Và mỗi lần như thế họ lại ra đây làm lễ cúng viếng mong đem đến sự bình an hạnh phúc cho gia đình và cả ngôi làng. Đứng về mặt này, đó là điều tốt cho dân làng giữ gìn gia phong, loại bỏ những điều mê tín...
Xuân Lê (Dòng Đời) (Xuân Lê (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.