Chỉ còn vài phiên giao dịch nữa là tới tết Nguyên đán 2017, thời điểm này dòng tiền thông minh đang dần rút khỏi thị trường khiến thanh khoản càng thêm sụt giảm.
Nhưng điều làm nhà đầu tư “nuốt hận” không phải bởi vì xu thế chung là thị trường ảm đạm dịp nghỉ lễ dài ngày mà bởi vì có những cổ phiếu “bỗng dưng mất giá” dù phía doanh nghiệp liên tục trấn an cổ đông rằng đang hoạt động ổn định.
Kỷ lục “chưa từng có” của thị trường chứng khoán Việt
Đứng đầu trong danh sách những cổ phiếu “rác” là mã CDO của Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị - Đây là mã cổ phiếu lần đầu tiên ghi kỷ lục của TTCK Việt Nam khi có tới 34 phiên liên tục giảm sàn. Cụ thể, từ mức giá 37.200 đồng/CP (ngày 30.11.2016), thị giá của CDO liên tục rớt giá và đến thời điểm hiện tại giá cổ phiếu CDO chỉ còn 3.560 đồng/CP (mất hơn 90% giá trị).
Cũng “nổi đình nổi đám” không kém trong nhóm cổ phiếu “rác” là mã SGO của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn. Theo hồ sơ, SGO được thành lập năm 2010 và đến năm 2013, SGO chỉ có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Nhưng trước khi quyết định lên sàn cuối năm 2015, SGO đã nhanh chóng tăng vốn gấp 200 lần. Nhờ vậy, mức định giá SGO thời điểm lên sàn lên tới 14.500 đồng/CP, tương đương với mức vốn hóa 290 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại SGO chỉ còn 1.100 đồng/CP, tương ứng với mức vốn hóa thị trường chỉ còn 24 tỷ đồng.
Lý do khiến cổ phiếu SGO “bay hơi” gần hết giá trị là vì những thông tin đơn vị này công bố với cổ đông đều sai sự thật. Chính vì vậy, vào cuối tháng 12.2016 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán với đơn vị này với tổng số tiền 330 triệu đồng liên quan đến việc công bố thông tin sai sự thật.
Một mã cổ phiếu khác cũng khiến nhà đầu tư “ôm hận” thời gian qua là mã MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung. Sau khi cổ phiếu MTM chào sàn UPCoM ngày 15.4.2016, giá cổ phiếu này tăng trong 4 phiên liền, đóng cửa phiên 25.4.2016 tại 8.700 đồng/CP, nhưng sau đó có xu hướng giảm mạnh, hiện chỉ còn 2.600 đồng/CP. Đáng nói, chỉ sau 2 tháng lên sàn UPCoM, MTM đã bị tạm dừng giao dịch khiến nhiều nhà đầu tư “kẹp hàng”. Hiện tại, ban lãnh đạo công ty người bị tạm giam, người bị truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Ông lớn” cũng lao dốc
Không chỉ những cái tên như SGO, CDO, MTM... khiến nhà đầu tư trắng tay thời gian qua, một số “ông lớn” khác cũng gây thất vọng không kém.
Chẳng hạn, mã HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai cũng khiến nhiều nhà đầu tư “hy vọng lớn nên thất vọng nhiều”. Cụ thể, từ vùng 30.000 đồng/CP trong giai đoạn đầu năm 2016, thị giá cổ phiếu HNG hiện chỉ xoay quanh vùng giá trên dưới 6.000 đồng/CP, tương ứng mức giảm 80%. Nguyên nhần khiến mã HNG giảm sâu được lý giải là vì giá nguyên liệu cao su thế giới giảm sâu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại giá cao su, cọ dầu đã dần hồi phục trở lại nhưng giá trị mã cổ phiếu này cũng không biến động nhiều.
Một số mã cổ phiếu khác như TTF (Gỗ Trường Thành), HQC (Đại ốc Hoàng Quân),... cũng là những cái tên đáng chú ý khi “sắc đỏ” luôn chiếm ưu thế trong các phiên giao dịch.
Một số “ông lớn” mới lên sàn mới đây như MCH (Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan); FTS (Công ty CP Chứng khoán FPT),... cũng không mấy khả quan khi liên tục giảm sàn. Chẳng hạn, MCH khi mới lên sàn đã đưa ra mức giá tham chiếu lên tới 90.000 đồng/CP nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn 79.000 đồng/CP.
Anh Nguyễn Thành Trung, chuyên viên của một công ty chứng khoán tại TP.HCM đánh giá, hiện nay việc định giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khá tùy tiện. Dĩ nhiên, các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn đều muốn đều đẩy giá lên cao, chấp nhận thanh khoản thấp. Thậm chí có doanh nghiệp còn ràng buộc các cổ đông nội bộ không bán ra để “mặt bằng” giá đẹp. Tuy nhiên quy luật cung cầu trong một thời gian sẽ đưa giá cổ phiếu về đúng giá trị thực khiến nhà đầu tư “ôm quả đắng” là dễ hiểu.
“Quy định hiện tại về cách định giá tham chiếu còn chưa chặt chẽ. Bản thân công ty chứng khoán tư vấn cũng chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ, nếu không đáp ứng “yêu cầu” xây dựng phương án định giá ở mức giá mà doanh nghiệp muốn thì công ty chứng khoán cũng dễ bị mất khách, do vậy có thể giá tham chiếu mà nhiều doanh nghiệp đưa ra nhiều khi cũng bị... làm giá”, chuyên gia này bật mí.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.