Có đường mới buôn làng đổi mới
Gia đình chị H’Ai Ông (buôn Liêng Ông, xã Đăk Phơi, huyện Lăk) là một hộ nghèo. Chị sống trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng, kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn thu từ 4 hàng cà phê dài 200m. Thế nhưng khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, chị đã không ngần ngại phá bỏ hàng chục cây cà phê và hiến 200m2 đất để làm đường.
Được hỏi về việc này, chị H’Ai nói: "Có đường mới thì buôn làng sẽ mới, đời sống sẽ đổi thay. Anh thấy đấy, giờ xe cộ có thể vào tận buôn để chở nông sản ra ngoài, dân không còn phải khổ sở trên con đường lầy lội để chở từng bao cà phê đi bán. Mất mấy chục cây cà phê nhưng từ nay trở về sau, gia đình tôi và cả những gia đình khác trong buôn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại, giá cả nông sản cũng nhờ thế mà tăng cao hơn”.
Nhiều tuyến đường ở huyện Cư M'Gar được người dân trồng hoa để trang trí rất đẹp mắt. ảnh: Duy Hậu
Tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tuyến đường trong các thôn buôn đã được bê tông hóa. Theo lãnh đạo xã Cư Suê, có được kết quả này là nhờ phần lớn đóng góp của nhân dân. Ở thôn 2, người dân đã tự nguyện phá bỏ cây trồng, hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường.
Ông Nguyễn Tấn Phát (75 tuổi) nói với chúng tôi: "Gia đình tôi đã phá bỏ hàng chục trụ tiêu, đóng góp thêm 4 triệu đồng để làm đường. Với tôi, số tiền ấy không hề nhỏ, song nếu so với con đường khang trang, sạch sẽ vừa được làm xong thì nó chẳng đáng giá gì. Người dân và chính gia đình tôi đang được hưởng rất nhiều lợi ích mà con đường mang lại".
Bà Lê Thị Xuân (cùng thôn với ông Phát) là một hộ vừa mới thoát nghèo, nhưng thấy được lợi ích to lớn từ việc làm đường nên khi chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, bà cũng sẵn sàng đóng góp gần 4 triệu đồng và phá bỏ một hàng tiêu trước nhà.
“Con đường này trước đây nhỏ hẹp lắm. Mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi bay mịt mù, dân khổ vô cùng. Thế nên, khi nghe Nhà nước có chủ trương làm đường tôi đã vui mừng lắm. Bởi việc mở mang đường sá sẽ giúp việc đi lại thuận lợi dễ dàng, tạo cơ hội để người dân phát triển kinh tế" - bà Xuân nói.
Không chỉ ở xã Cư Suê hay xã Đăk Phơi, mà ở nhiều địa phương của tỉnh Đăk Lăk, việc hiến đất, góp tiền của và công sức để xây dựng đường giao thông nông thôn đã lan tỏa thành một phong trào. Ở hầu khắp các địa phương, những tấm gương trong phong trào này xuất hiện ngày càng nhiều, như: ông Nguyễn Thiện (thôn Ea Sir A, xã Ea Nam, huyện Ea H'Leo) hiến 700m2 đất, đóng góp 17 triệu đồng; hàng chục hộ dân ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp hiến từ vài trăm đến vài ngàn mét vuông đất để làm đường; ông Nguyễn Mạnh Hùng (thôn 1, xã Hòa Xuân, TP.Buôn Ma Thuột) hiến 200m2 đất và 50 triệu đồng…
Không chỉ ở những địa phương có điều kiện kinh tế thuận lợi mà hầu khắp các nơi, hầu hết người dân đều đồng tình ủng hộ chủ trương này của nhà nước. Điển hình như ở xã Đăk Nuê, huyện Lăk, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2017, đã có 4km đường trong các thôn buôn được xây dựng khang trang. Trong đó, ngoài số tiền đóng góp, người dân đã hiến hơn 2.300m2 đất cùng hơn 1.000 ngày công để làm đường.
Giao thông là động lực để phát triển kinh tế
Theo số liệu từ Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đăk Lăk, toàn
Ở một số địa phương, ngoài việc góp công, của để làm đường, người dân còn trang trí cho những con đường thêm đẹp. Tại các xã Ea Kpam, Ea Tul, Ea M'nang (thuộc huyện Cư M'gar), dọc các tuyến đường, người dân đã tự tay trồng và chăm sóc những khóm hoa rực rỡ. Nhờ thế mà những con đường đã "sáng", giúp bộ mặt nông thôn ở Đăk Lăk "sáng" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. |
tỉnh có hơn 13.000km đường giao thông nông thôn (bao gồm: Đường xã, đường thôn buôn, đường ngõ xóm) và 4.466km đường nội đồng.
Trong đó đường xã, liên xã là 3.129km, đã nhựa hóa và bê tông xi măng 1.709km (đạt 54,6%); đường thôn, buôn là 4.400km, đã nhựa hóa và bê tông xi măng 1.741km (đạt 39,56%); đường ngõ, xóm là 5.474km, đã cứng hóa 1.543km (đạt 28,18%); đường nội đồng là 4.466km, đã cứng hóa 856km (đạt 19,16%).
Đến nay, toàn tỉnh đã có 42/152 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, chiếm tỷ lệ 28,3%, tăng 30 xã so với cuối năm 2015.
Cùng với các yếu tố khác, việc chú trọng đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đã góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, tỉnh Đăk Lăk đã có 80 xã đạt tiêu chí về thu nhập (thu nhập bình quân đầu người đạt từ 31 triệu đồng trở lên), tăng 6 xã so với năm 2015.
Giai đoạn 2016 - 2017, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm hơn 4,1% (từ 19,37% xuống còn 15,24%), số hộ nghèo giảm 15.212 hộ (từ 81.592 hộ xuống còn 66.380 hộ). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh từ 37,17% xuống còn 29,83% (giảm 7,34%); tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn cũng giảm nhanh từ 58,55% xuống còn 48,36% (giảm 10,19%). Dự kiến đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn 12,53%.
Ưu tiên làm giao thông ở vùng sâu, vùng xa
Ông Vũ Văn Đông - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Đăk Lăk khẳng định, những năm qua, hệ thống hạ tầng nông thôn ở Đăk Lăk đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn.
Điều kiện sống được cải thiện cả về vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.
Ông Đồng cũng cho biết, trong thời gian tới, việc phát triển hệ thống giao thông vẫn là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đăk Lăk. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền, ngoài việc tập trung huy động những nguồn lực của nhà nước, tỉnh sẽ huy động thêm các nguồn lực khác và sức dân để thực hiện tốt tiêu chí này.
Trong đó, đặc biệt ưu tiên, chú trọng xây dựng hệ thống giao thông nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: M'Đrăk, Ea Súp, Lăk, Krông Bông… để người dân đi lại thuận lợi và phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Đông, do đặc thù là tỉnh miền núi địa hình phức tạp, địa bàn rộng, diện tích bình quân mỗi xã của tỉnh là hơn 8.300ha, dân cư phân tán nên việc thực hiện tiêu chí về giao thông nói riêng và cơ sở hạ tầng nông thôn nói chung ở nhiều xã gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, để thực hiện tốt việc này thì rất cần sự hỗ trợ, đầu tư hơn nữa của Trung ương và sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị ở các địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, sự đồng thuận, đồng lòng của người dân.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.