Cây mít 500 quả chi chít từ gốc đến ngọn
Với giống mít sai quả như mít tố nữ, nhiều nhất cũng chỉ cho thu hoạch đến 300 trái/cây, còn loại mít thường, cây sai cũng chỉ cho vài chục quả. Tuy nhiên, một cây mít được gia đình ở phường Lê Hồng Phong (Quảng Ngãi) lại khá đặc biệt vì mỗi mùa, chúng cho ra tới 500 trái, mọc chi chít từ gốc đến ngọn.
Theo chủ nhân cây mít này, cây có nguồn gốc từ Malaysia, được gia đình trồng khoảng 13 năm. Khi mới trồng khoảng 4 năm, cây mít đã ra trái với số lượng khủng, từ 40-50 quả, chủ yếu ở phần gốc. Nhưng những năm kế tiếp thì số lượng tăng dần theo cấp số nhân, quả ra ở cả phần ngọn.
Cây mít chi chít quả từ gốc đến ngọn gây kinh ngạc.
Hiện tại, số lượng trái mít đã tăng đến 500 quả, với trọng lượng từ 0,5-1kg/trái, nằm chen chúc khắp cây. Đặc biệt, dù sai quả nhưng quả mít nào cũng mập mạp, căng đầy, chỉ trong vài tuần nữa mít chín, thịt quả ăn ngọt và thơm không thua gì mít tố nữ.
Cây bưởi gần nghìn quả của tiên ông U90 ở Hòa Bình
Tán rộng 6m, dài 6m, cây bưởi của cụ ông Trần Hùng (83 tuổi, Tân Lạc, Hòa Bình) không chỉ làm bóng mát phủ kín sân vườn mà còn cho ra 800 quả bưởi lúc lỉu, trĩu trịt trên cây. Nhiều chùm có tới 5, 6 quả, đặc biệt có chùm lên đến 8 quả bưởi to, tròn đều, chen chúc nhau trên cành rất thích mắt.
Trong khi, những cây bưởi thuộc giống sai quả cho thu hoạch khoảng 100-150 trái/cây thì từ năm 2014, cây bưởi của ông đã cho tới 700 trái.
Lý giải về việc bưởi có nhiều quả khác thường, ông Hùng cho biết: “Không chỉ năm nay bưởi nhiều quả, mà các năm trước như năm 2014, tôi cũng có cây bưởi ra đến hơn 700 quả đều, đẹp bán rất được giá”.
“Để trồng được bưởi ai cũng có thể trồng, nhưng để bưởi ra nhiều quả đều, đẹp thì không phải ai cũng trồng được mà còn phải có kinh nghiệm và bí quyết riêng mới có thể thành công được. Ví như, khi trồng phải trồng kép (2 cây trong hố, các hố phải cách nhau 7m). Đặc biệt, người trồng phải kiên trì vì bưởi này trồng sau 3 năm mới ra quả…”- ông Hùng chia sẻ.
Cây bơ “vàng ròng” hơn 40 năm tuổi
Từng là cây duy nhất sống sót giữa vườn bơ giống quý, cây bơ nổi tiếng của ông Nguyễn Ngọc Đức (Đắk Lắk) ngày càng phát triển tươi tốt, xum xuê và liên tục cho ra trái.
Do quả to, chất lượng, hương vị thơm ngon, cơm vàng dẻo, đặc biệt cây ra trái vụ nên bơ của ông Đức luôn được mua với giá cao hơn gấp đôi so với thị trường. Hiện mỗi năm, cây bơ cho đến 7 tạ quả, đem về thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm.
Không những vậy, cách đây vài năm, lo sợ cây bơ quý mất giống, ông Đức đã cắt ngọn bơ để nhân giống, ghép đến đâu được người mua hết đến đó. Mỗi năm, ông Đức ghép được 2.000 cây giống, thu về hơn 100 triệu đồng.
Cây bơ của ông Đức cho quả to, thơm ngon, cơm vàng dẻo
"Cụ cây vải tổ" được xác lập Kỷ lục Việt Nam
Cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã được công nhận là “Cây vải thiều lâu năm nhất (cây vải tổ)” và được công bố đạt danh hiệu Kỷ lục Việt Nam.
Cây vải tổ thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn có cách đây gần 200 năm, do cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự Phúc Thành) sinh ngày 10 tháng 5 năm Mậu Thân (1848) trồng được.
Thời trai trẻ cụ chuyên buôn bán hoa trái ra Hải Phòng, năm 1870 trong một lần dự tiệc với người Hoa Kiều tại Hải Phòng, cụ được ăn loại vải ngon nên mang về ba hạt ươm thử tại vườn nhà. Do thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, ba hạt đều nảy mầm thành cây, kết quả, có một cây cho quả có hương vị thơm ngon đặc biệt.
Do quả vải này được hái từ cây vải có nguồn gốc ở Thiều Châu - Trung Quốc, do vậy được gọi tên là vải thiều. Từ cây vải quý đó, cụ Hoàng Văn Cơm đã chiết cành nhân rộng ra vườn nhà và tặng cho người thân trong và ngoài xã.
Năm nào cây vải tổ cũng cho quả. Năm nhiều khoảng hơn tạ, năm ít cũng một vài chục cân. Quả của cây vải tổ vỏ đỏ hơn các cây khác, nhỏ nhưng cùi dày, bóc ráo nước. Ăn thấy giòn và ngọt, vị đậm đà đọng mãi nơi đầu lưỡi “Mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn vào thấy hương thơm, tưởng chừng như thứ rượu tiên trên đời”.
Cây nhãn tổ gần 130 tuổi truyền 5 đời ở Thủ đô
Cây nhãn của gia đình bà Nguyễn Thị Cước (83 tuổi) ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đến nay đã gần 130 tuổi. Cây thuộc loại nhãn quả méo, luôn sai trĩu khi tới vụ.
Người chủ sở hữu cây nhãn tổ đặc biệt cho biết bà là hậu duệ thứ 3 của gia đình. Đường kính thân cây hơn 1 m, cao 20 m, tán phủ kín cả một khoảng vườn lớn.
Bà Nguyễn Thị Cước ngày ngày vẫn ra vườn vuốt ve cây. Với bà, cây nhãn như người bạn tâm giao, gắn với ký ức và cuộc đời 5 thế hệ trong gia đình.
Cụ bà ngoài 80 cho biết bà rất vui khi nhiều người biết đến cây, cũng như được xã hội công nhận là cây nhãn có tuổi đời lâu nhất. Cây còn sản sinh ra giống nhãn đặc biệt khắp các miền.
Mấy chục năm nay, năm nào cũng có người đến hỏi mua cây nhãn tổ nhưng gia đình không bán cả gốc. Biết nhiều người mong có giống cây nhãn tổ, gia đình cho họ chiết các cành nhỏ để mang về trồng.
Cây nhãn tổ cho quả không quá to nhưng sai trĩu quả như lứa nhãn tơ (nhãn trồng 3-4 năm), vụ nào nào cũng 6-8 tạ.
Do có quả chín muộn nên cuối mùa nhiều người thường tới mua với giá cao. Quả cây nhãn tổ thường méo, vỏ mỏng, phần cùi phía trong trắng ngần, dày, hạt lại nhỏ nên nhiều người ưa chuộng. Quả có vị ngọt thanh, thơm bùi đặc biệt.
"Cụ cây" nhãn tổ hơn 400 năm tuổi ở Phố Hiến, Hưng Yên
Cây nhãn tổ có tuổi thọ hơn 400 năm, tọa lạc tại chùa Hiến (Phố Hiến, Hưng Yên) chính là minh chứng chứng hùng hồn cho nguồn gốc của giống nhãn lồng đặc sản Hưng Yên ngày nay.
Tương truyền rằng, cây nhãn tổ (Hưng Yên) là đặc sản quý của vùng, vì thế, hàng năm cứ vào tháng bảy (âm lịch) hàng năm, khi quả nhãn đã chín, các vị quan dân địa phương cùng các vị tiền bối trong làng liền chọn các chàng trai trẻ khôi ngô, tuấn tú trong làng để trèo cây hái nhãn.
Cây nhãn có cùi dày, múi thơm, mọng và ngọt nhất trong vùng nên được lựa chọn lựa để cúng thành hoàng làng, dâng lên Đức Phật và làm sản vật tiến Vua nên giống nhãn này bây giờ còn gọi là giống nhãn tiến.
Ông Nguyễn Diễm, người gốc Phố Hiến kể lại: “Chúng tôi lớn lên thì cây nhãn tổ đã có từ rất lâu rồi. Xưa cây nhãn to và quả sai lắm. Mỗi khi làng có hội họp thì đều tổ chức tại đình (chùa Hiến) nên ký ức của chúng tôi đều gắn chặt với cây nhãn tổ. Mỗi dịp như vậy, chúng tôi đều được các bô lão trong làng kể về sự tích cây nhãn tổ. (Ảnh: CAND)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.