Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (Bài cuối): Phải gắn với kế hoạch và tín hiệu thị trường

Minh Huệ (thực hiện) Thứ tư, ngày 19/05/2021 12:16 PM (GMT+7)
Với việc ban hành những quy định, thông tư tạo thuận lợi cho chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, các địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi, tạo ra luồng gió mới trên những vùng đất lúa bị bỏ hoang, đem lại kết quả tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Bình luận 0

"Với việc ban hành những quy định, thông tư tạo thuận lợi cho chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, các địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi, tạo ra luồng gió mới trên những vùng đất lúa bị bỏ hoang, đem lại kết quả tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân" – ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định như vậy khi trao đổi với PV NTNN.

Nhằm góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian gần đây các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã tích cực chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác. Xin ông cho biết việc chuyển đổi này đang được thực hiện thế nào?

- Trước đây, việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa ở vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, cả nước nói chung sang cây trồng khác đều phải tuân thủ quy định tại Nghị định số 35/2015; Nghị định số 01/2017 về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Trong đó, với diện tích chuyển đổi từ 10ha trở lên, phải do tỉnh quyết định.

Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (bài cuối): Phải gắn với kế hoạch và tín hiệu thị trường  - Ảnh 1.

Chuyển đổi từ lúa sang trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Thái Thụy (Thái Bình). Ảnh: Trần Quang.

Năm 2017, Bộ NNPTNT ban hành Thông tư 19 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 về việc hướng dẫn chi tiết Điều 4, Nghị định số 35/2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm theo quy định tại Nghị định số 01/2017.

Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 62/2019 sửa đổi, bổ sung điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. 

Trong đó, quy định việc chuyển đổi phải được chính quyền xã cấp phép, tập trung theo vùng, không được "xôi đỗ"; đảm bảo cơ sở hạ tầng theo nguyên tắc hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung, và không làm mất đi các điều kiện phù hợp để có thể quay lại làm đất lúa.

Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (Bài cuối): Phải gắn với kế hoạch và tín hiệu thị trường  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt trao đổi với PV. Ảnh: Minh Huệ

Trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa.

Để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai, Bộ NNPTNT cũng ban hành Quyết định 586/2018 về ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến năm 2020 cho các tỉnh. Với những hành lang pháp lý đó, các địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi, tạo ra luồng gió mới trên những vùng đất lúa bị bỏ hoang, đem lại kết quả khá tốt.

Trên các vùng đất chuyển đổi đã xuất hiện các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc giúp nông dân gắn bó với đồng ruộng, giảm diện tích đất bị bỏ hoang, thưa ông?

- Rất nhiều tỉnh đã xây dựng chương trình, đề án hỗ trợ chuyển đổi, từ đầu vào đến đầu ra, theo đó tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rau màu, cây ăn quả cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa trước đó. 

Thậm chí có những diện tích cho thu nhập 500-700 triệu đồng/ha/năm.

Vấn đề ở đây, bà con không chỉ chuyển đổi từ cây lúa sang cây hàng năm, mà cả nuôi trồng thuỷ sản, cây lâu năm. Một số loại cây trồng phải sau 2-3 năm mới cho sản phẩm nên các địa phương còn có chính sách hỗ trợ bà con. 

Nếu cứ chuyển đổi mà không có kế hoạch, không gắn với thị trường, tiêu thụ sản phẩm thì sẽ dẫn tới dư thừa. Nhiều địa phương đã tích cực thành lập các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương…

Theo đánh giá của chúng tôi, việc chuyển đổi này đã góp phần thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, sử dụng nước tiết kiệm hơn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành.

Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (Bài cuối): Phải gắn với kế hoạch và tín hiệu thị trường  - Ảnh 4.

Một số kết quả về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả tại vùng đồng bằng sông Hồng. Nguồn: Cục Trồng trọt

Việc chuyển đổi hiện nay không còn là manh mún nữa, ở nhiều địa phương đã trở thành phong trào rộng khắp. Liệu điều này có ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực, thưa ông?

- Chúng tôi luôn khuyến cáo chỉ thực hiện ở những nơi trồng lúa kém hiệu quả. Bộ NNPTNT cũng đã có Văn bản 628 ngày 21/1/2020, đề nghị các địa phương theo dõi sát sao, lưu ý đảm bảo diện tích trồng lúa. Chúng ta giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa theo Nghị quyết số 34 ngày 25/3/2021 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

"Tôi cho rằng, trước khi chuyển đổi, bà con cần tìm hiểu quy định pháp luật, lựa chọn mô hình phù hợp để không làm ảnh hưởng đất trồng lúa. Nhất là phải căn cứ tín hiệu thị trường để sản phẩm làm ra bán được".

Ông Nguyễn Như Cường

Qua đánh giá thực tế, tôi cho rằng việc chuyển đổi hiện nay chưa làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực, và việc chuyển đổi tại các địa phương cơ bản đảm bảo yêu cầu có thể quay trở lại trồng lúa. 

Chúng ta có lợi thế đất trồng lúa, dân số hiện giờ gần 100 triệu người, và trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo được an ninh lương thực. Nếu chúng ta thành một nước nhập khẩu gạo thì rất bất lợi, phải phụ thuộc vào thị trường thế giới. Ví dụ như Philippines, Indonesia…, các nước này cũng có đất trồng lúa như nước ta nhưng hàng năm phải nhập khẩu rất nhiều lúa gạo.

Do đó, các địa phương cần bám sát các quy định, cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa song phải hiểu bản chất đó vẫn là đất lúa. Khi có yêu cầu về an ninh lương thực, phải đảm bảo đủ điều kiện quay lại trồng lúa.

Cục Trồng trọt có đưa ra khuyến cáo hay công thức gì để giúp bà con nông dân chuyển đổi đất lúa hiệu quả?

- Khuyến cáo, định hướng mô hình nào có hiệu quả hay không thì rất khó vì còn phụ thuộc điều kiện từng địa phương, nhu cầu thị trường. 

Bộ NNPTNT không định hướng chuyển đổi cụ thể đối tượng cây trồng, không chỉ đạo bằng mệnh lệnh hành chính mà chỉ đưa ra trình tự thủ tục chuyển đổi, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, hướng dẫn bà con thực hiện các thủ tục hành chính để chuyển đổi đúng hướng, hiệu quả.

Tôi cho rằng, trước khi chuyển đổi, bà con cần tìm hiểu quy định pháp luật, lựa chọn mô hình phù hợp để không làm ảnh hưởng đất trồng lúa. Nhất là phải căn cứ tín hiệu của thị trường để sản phẩm làm ra bán được.

Cục Trồng trọt khuyến khích bà con sản xuất theo mô hình liên kết, tập trung theo vùng, theo kế hoạch của địa phương. Vì chuyển đổi mà thất bại thì bà con bị ảnh hưởng đầu tiên.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem