Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (Bài 5): Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trên đồng ruộng

Minh Huệ (thực hiện) Thứ ba, ngày 18/05/2021 13:40 PM (GMT+7)
“Chương trình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả có tác động lớn đến việc đánh thức tiềm năng đồng ruộng, góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, tạo bước chuyển linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp...” - ông Lê Quốc Thanh-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá.
Bình luận 0

Thưa ông, những năm gần đây các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng đã tích cực chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, hoặc nuôi trồng thủy sản. Có ý kiến e ngại việc chuyển đổi rầm rộ sẽ nảy sinh phức tạp, ông nghĩ sao về điều này?

- Có thể nói Thông tư 19/2017 của Bộ NNPTNT đã góp phần tạo thuận lợi cho người nông dân trong quá trình sản xuất. Trước đây, việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác không được phép vì lo ngại sau chuyển đổi sẽ nảy sinh phức tạp, gây nguy cơ mất an ninh lương thực. Do đó, đất lúa mặc định là chỉ trồng lúa. 

Tuy nhiên khi trồng lúa không hiệu quả, càng làm càng lỗ, người dân không trồng lúa nữa và bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên rất lớn.

Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (bài 5): Đổi tư duy, sáng tạo trên đồng - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Thanh (thứ ba bên trái ảnh) cùng lãnh đạo Bộ NNPTNT, các cán bộ khuyến nông... thăm mô hình chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Ảnh: T.L

"Nhìn chung các địa phương kiểm soát tương đối tốt quá trình chuyển đổi. Với chủ trương mới, các địa phương đã xây dựng thành những khu sản xuất tập trung gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, chế biến hiệu quả".

Ông Lê Quốc Thanh

Căn cứ tình hình thực tế, Thông tư 19 ra đời và đã tạo cơ chế phù hợp với thực tiễn, là cơ sở quan trọng giúp người dân sử dụng đất lúa hiệu quả hơn, phù hợp với nhu cầu thị trường, nhu cầu xã hội. 

Thông tư cũng hàm chứa những nội dung linh hoạt, để khi cần quay lại làm đất lúa thì những diện tích chuyển đổi vẫn có thể hoàn trả.

Vừa qua vùng đồng bằng sông Hồng đã chuyển đổi rất hiệu quả, với các mô hình khá đa dạng như trồng cây ngắn ngày, cây dược liệu… Hay ở những vùng đất chân vàn cao, như Hưng Yên, Hải Dương, nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, hoa cây cảnh cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Khi đã đảm bảo an ninh lương thực thì việc chuyển đổi sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn là bình thường. Đặc biệt là bây giờ chúng ta đã có máy móc rất hiện đại, rất sẵn, khi cần đến lúa gạo, người ta vẫn có thể đưa máy móc dễ dàng vào đồng ruộng, quay lại trồng lúa bình thường.

Quá trình chuyển đổi, một số địa phương phát sinh chuyển đổi tự phát, mọc lên các công trình phụ trên đất nông nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo ông, chúng ta có cần xây các công trình phụ này không?

- Nhiều nông dân khi đã chuyển đổi thì rất muốn tích tụ diện tích lớn, đồng thời muốn xây nhà kho, hay một số công trình khác trên đất canh tác. Tôi cho rằng điều này không nên và cần tuân thủ các quy định đã có.

Chúng ta có thể học hỏi nước ngoài, cánh đồng của họ rất rộng lớn nhưng họ tính toán, quy hoạch rất khoa học, không nhất định phải xây công trình phụ trên đất nông nghiệp. Đó là điều chúng ta cần tư duy, học hỏi, khắc phục bằng những giải pháp phù hợp hơn.

Hiện, hầu hết trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố đều phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia ở nhiều góc độ trong việc triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Chúng tôi tổ chức các diễn đàn, hội thảo, mô hình trình diễn để đưa vào địa phương các mô hình chuyển đổi thích hợp.

Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả không còn là manh nha ở vài nơi mà đã trở thành phong trào rầm rộ, hiệu quả ở nhiều địa phương. 

Chúng tôi đánh giá chương trình chuyển đổi có tác động lớn đến việc đánh thức tiềm năng đồng ruộng, góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, tạo bước chuyển linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tái cơ cấu ngành và phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.

Những cuộc “cách mạng” trên đất lúa kém hiệu quả (Bài 5): Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trên đồng ruộng - Ảnh 4.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia trao đổi với các nhà báo xung quanh vấn đề chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác. Ảnh: Đ.T

Như ông nói cơ chế chính sách là một trong những động lực thúc đẩy phát triển sản xuất. Tuy nhiên, người nông dân muốn nâng cao thu nhập thì bản thân họ cũng phải chủ động mày mò, sáng tạo trên chính thửa ruộng của mình?

- Đúng như vậy. Chúng ta có cơ chế chính sách phù hợp, nhưng quan trọng là người nông dân cũng phải chủ động thay đổi tư duy, thay đổi phương thức làm ăn trên đồng đất của mình thì quá trình chuyển đổi mới phát huy hiệu quả.

Chưa bao giờ chúng ta có được những tiến bộ kỹ thuật, máy móc, bộ giống cây trồng tốt như hiện nay. Đặc biệt là chúng ta đang cơ bản đi theo định hướng thị trường, ở đâu cũng có sự vào cuộc từ các ban ngành đến doanh nghiệp, kết nối được giữa thị trường với sản xuất. Những yếu tố cộng dồn như thế đã tạo nên thành công trong chuyển đổi. 

"Chính sách gì thì khi vào thực tế các địa phương cũng phải triển khai phù hợp với tình hình, đặc thù mỗi vùng. Tiếp cận dựa theo quy hoạch, phù hợp với tầm nhìn, định hướng của địa phương đó chứ không thể áp dụng máy móc được…

Ví dụ như ở Hải Dương, các vùng chuyển đổi gắn với nhà sơ chế, chợ đầu mối, điều này giúp bà con khắc phục được sự manh mún cả trong ý thức lẫn quá trình tiếp cận của người dân...” – ông Lê Quốc Thanh


Tuy nhiên, tôi cho rằng các địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn những diện tích chuyển đổi, không làm thay đổi bản chất kết cấu, hạ tầng... Đặc biệt là quản lý tốt công trình trên đất canh tác. Nếu để xảy ra thì sẽ rất khó xử lý.

Chúng ta hiểu rằng, mỗi mét đất phù sa vùng đồng bằng sông Hồng đều là tài nguyên quý, cần sử dụng và quản lý tốt. Có thể nay trồng cây này, mai trồng cây khác, nhưng nếu thành công trình hoá, đi kèm với những mục đích sử dụng khác thì sẽ dẫn tới nguy cơ mất an ninh lương thực, thực phẩm, gây ra những vấn đề phức tạp khác.

Thời gian qua, tôi được biết Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai nhiều mô hình trên đất lúa kém hiệu quả. Vậy chúng ta có tổng kết, hay có công thức gì cho những vùng chuyển đổi không?

Vừa rồi Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp với các tỉnh thực hiện nhiều mô hình trình diễn, nhưng chúng tôi đưa ra các giải pháp linh hoạt để người dân lựa chọn cách làm phù hợp, chứ không phải là công thức “cứng”.

Trước khi triển khai mô hình, chúng tôi đều có khảo sát, tìm hiểu tình hình thực tế tại địa phương, thậm chí mời gọi doanh nghiệp tham gia để “lo” trước về đầu ra cho sản phẩm. Phần lớn chúng tôi cung cấp cho bà con giải pháp, bộ kỹ thuật, hướng dẫn bà con chuyển đổi đúng hướng, phù hợp với các nội dung quy định tại Thông tư 19. Còn việc lựa chọn mô hình trồng cây gì, khai thác tiềm năng đất đai, nguồn nước như thế nào thì phải là do nông dân.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem