Màn ảnh nhỏ năm 2010 rộn ràng với những cuộc thi hát khiến khán giả háo hức đón xem và nhắn tin ủng hộ thần tượng của mình, những bộ phim truyền hình thu hút khán giả ngồi xem hàng đêm... Truyền hình “phát” tín hiệu vui, những chương trình đáng xem, những gương mặt đáng nhớ... nhưng cũng không ít những dấu lặng buồn.
|
Nhiều đêm Sao Mai điểm hẹn có phần cuối kéo dài gây mệt mỏi và sốt ruột cho người xem |
"Phí sóng"
Trước hết, sóng "nhà đài" bị xài hoang phí một cách không cần thiết. Hàng loạt buổi tường thuật trực tiếp các cuộc thi siêu mẫu, người đẹp hay thi hát ngốn biết bao thời giờ một cách oan uổng. Đêm 16-10-2010, cuộc thi Siêu mẫu 2010 trên VTV3, kéo dài gần 2 tiếng rưỡi. Phần thi quá nhanh trong khi lại có phần dành cho những chuyên gia trang điểm, những nhà nhiếp ảnh, nhà tài trợ lần lượt… xếp hàng trên sân khấu để vinh danh mà đáng ra chỉ cần xướng tên hay chạy chữ trên màn hình cũng đủ.
Cũng có khi thời gian kéo dài do chính điều lệ cuộc thi tạo nên. Chẳng hạn, Sao Mai điểm hẹn những mùa giải trước chọn 12 thí sinh vào chung kết toàn quốc thì năm nay… tăng thêm 4 thí sinh. 16 thí sinh trình diễn xong, đến lượt MC nói, rồi 3 vị giám khảo nhận xét, thế là các chương trình thường kéo dài hơn 3 giờ ròng rã, khiến Sao mai điểm hẹn năm nay có thể giữ kỷ lục về... ngốn thời gian nhất so với các kỳ trước.
Tự tin quá không tốt!
Liên quan đến chuyện tác nghiệp của những người nhà đài có rất nhiều vụ lùm xùm. Chuyện nói sai, nói hớ của một vài MC, thôi thì coi như là những tai nạn nghề nghiệp (dù rằng đáng lẽ tai nạn như thế càng ít xảy ra càng tốt). Thế nhưng việc MC kỳ cựu Lại Văn Sâm "nhanh nhảu" dịch lời diễn viên Ngô Ngạn Tổ tại LHP Quốc tế VN vừa qua (và đã dịch sai), vẫn bị không ít người quy kết là hậu quả của lối làm nghề coi thường khán giả.
|
MC Lại Văn Sâm gây thất vọng cho nhiều khán giả tại lễ bế mạc Liên hoan phim quốc tế |
Có điều, chương trình truyền hình trực tiếp nên những lỗi như vậy mới lộ ra, chứ nếu cứ thu hình rồi biên tập và phát sóng thì… không có gì. Phổ biến hơn cả là những lỗi kiểu như truyền hình trực tiếp mà micro tậm tịt nhưng chả ai lên tiếng xin lỗi khán giả. Các chương trình truyền hình trực tiếp đến đoạn phát quảng cáo thì để khán giả ngồi tại sân khấu… ngơ ngác nhìn nhau khi sân khấu tối thui.
Ấy là những gì thấy được trên màn hình và ít nhiều khán giả được chứng kiến. Còn hậu trường nhân sự "nhà đài" bấy lâu ngỡ đâu chỉ gồm những thị phi thì nay có thêm những bằng chứng thuyết phục. Những cuộc chia tay không hẹn trước của rất nhiều, nhiều người có năng lực thật sự phần nào cho thấy môi trường làm việc ở một số đài không trọng dụng tài năng.
Nhân sự cũng chỉ là một trong những chuyện bùng nhùng ở các đài. Những dự án đầu tư bị ngừng trệ. Những kênh sóng bị "thổi còi" vì vi phạm giấy phép. Qua công tác thanh tra tại Đài Truyền hình TP.HCM về quy trình thẩm định, phê duyệt nội dung phát sóng 16 kênh truyền hình của HTV và HTVC cho thấy, lãnh đạo đài này chỉ duyệt lịch phát sóng và duyệt lịch phát sóng không phải là duyệt nội dung chương trình. Điều này phần nào cho thấy sự tùy tiện và lỏng lẻo trong quản lý của các "nhà đài" hiện nay. Cho nên, khi các cơ quan chức năng "đụng" đến đâu là "lạnh" đến đó.
Lê Vọng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.