Tháp giáo đường ở Jam, Afghanistan. Toà tháp này cùng các di chỉ khảo cổ xung quanh được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2002. Tháp cao 65m, được xây dựng vào thế kỷ 12 sau công nguyên, xây bằng gạch với phần chữ Ả Rập cổ chạm màu xanh ở trên đỉnh, mang đầy đủ những đặc điểm về kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật của thời kỳ và vùng đất xây dựng.
Tòa tháp giáo đường ở Jam đã bắt đầu xuống cấp và được UNESCO đưa vào danh sách các di sản "lâm nguy" năm 2005. Do nằm ở vị trí xa xôi, hẻo lánh, nên công trình này đang phải đối mặt với sự xuống cấp mà không được kịp thời tu sửa, nâng cấp. Công tác trùng tu mở rộng là yêu cầu cấp thiết để bảo tồn kiến trúc cổ bởi sự xói mòn xảy ra ở một con sông gần đó khiến tháp dần bị nghiêng.
Thành phố cổ Samarra, Iraq. Di sản văn hóa thế giới nằm ở miền Bắc Iraq là dấu tích về sự phát triển cực thịnh của nền văn hóa đạo Hồi từ hồi thế kỷ thứ 9. Đây là di tích giàu giá trị văn hóa, lịch sử, nhưng đang phải đối mặt nguy cơ biến mất vĩnh viễn do nằm trong vùng chiến sự, thường xuyên có các xung đột giữa chính quyền với phiến quân IS gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thành phố cổ Aleppo, Syria. Đây là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử và văn hóa độc nhất vô nhị, có rất nhiều những công trình lịch sử, những thánh đường, cung điện Hồi giáo… của nền văn minh tồn tại từ thế kỷ 10 trước Công nguyên.
Thành phố cổ Aleppo đang bị hủy hoại nghiêm trọng do nơi đây là chiến trường ác liệt giữa quân Chính phủ Syria với phe nổi dậy trong suốt thời gian vừa qua. Thánh đường Hồi giáo Umayyad nghìn năm tuổi ở phía bắc thành phố Aleppo, Syria đã bị phá hủy trong cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ và phe đối lập.
Nhà thờ Giáng sinh, thành phố Bethlehem, Palestine. Di sản này được các tín đồ Thiên Chúa tin rằng là nơi Thiên Chúa đã giáng sinh, được xem như một trong những nhà thờ cổ nhất thế giới, mang đậm giá trị tôn giáo.
Bethlehem là khu vực vẫn đang nằm trong vùng căng thẳng chính trị gây ảnh hưởng nhiều đến lượng khách du lịch và kiến trúc nhà thờ Giáng sinh. Nhà thờ Giáng sinh cũng đang phải đối diện với sự xuống cấp trầm trọng với cấu trúc phần mái rất yếu, nhưng không được sửa chữa, tu bổ. Những bức tường cổ xung quanh nhà thờ cũng bị hư hại nhiều.
Thành phố Timbuktu, Mali. Timbuktu là một thành phố cổ, từng là trung tâm của học vấn và tôn giáo ở Châu Phi hồi thế kỷ 15-16. Thành phố cổ được hình thành từ thế kỷ 5, từng một thời có nền kinh tế - văn hóa phát triển rực rỡ.
Thành phố cổ Timbuktu, Mali với rất nhiều thánh đường, đền thờ Hồi giáo nằm trong vùng khá biệt lập, hẻo lánh, nhiều công trình xuống cấp do khí hậu thay đổi, ảnh hưởng của sa mạc hóa, sự bất ổn chính trị nên việc trùng tu cũng gặp nhiều khó khăn.
Vườn quốc gia Kahuzi-Biega, Cộng hòa Dân chủ Congo. Vườn quốc gia này là một khu vực rừng mưa nhiệt đới rộng lớn bị chi phối bởi hai ngọn núi lửa không hoạt động - Kahuzi và Biega. Hệ thực vật và động vật đa dạng của vườn quốc gia là yếu tố biến nó thành một trong những hệ sinh thái phong phú nhất trên thế giới. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực bảo tồn của người dân, chỉ còn 250 cá thể khỉ đột ở lại đây hiện nay, nạn săn bắn trộm và mất ổn định chính trị trong khu vực là nguy cơ khiến vườn quốc gia này đối mặt với nguy cơ biến mất.
Rạn san hô Great Barrier, Belize, Australia Đây là hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất thế giới, bao gồm khoảng chừng 3.000 tảng đá ngầm riêng rẽ và 900 hòn đảo. Nơi đây nổi tiếng với các rạn san hô nguyên sơ, nước trong vắt và những bãi biển cát trắng. Là nhà của nhiều loài động vật quý hiếm như lợn biển Tây Ấn Độ, rùa đồi mồi và cá sấu Mỹ. Sự sinh tồn của rạn san hô ở Belize đang bị đe dọa do sự thay đổi khí hậu, nạn tẩy trắng san hô và các cơn bão. Sự phát triển du lịch ven biển cũng gây áp lực lên hệ sinh thái.
Vương quốc Chimu, Peru. Vương quốc Chimu nằm trong khu di chỉ khảo cổ Chan Chan từng cực kỳ phát triển ở thế kỷ 15. Nơi đây được công nhận di sản thế giới với những công trình kiến trúc cổ xây bằng đất, những đền đài, nhà ở, kênh mương, nghĩa trang… chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử.
Khu di tích vương quốc Chimu hiện đang phải đối mặt với sự bào mòn khắc nghiệt của thời gian và khí hậu nên có nhiều nguy cơ sẽ biến mất trong tương lai gần.
Thành phố cảng Liverpool, Anh. Thành phố cảng Liverpool là một di sản thế giới được UNESCO công nhận ở thành phố Liverpool, Anh. Nó gồm các tòa nhà và công trình lịch sử nổi tiếng nhất nằm ở sáu khu vực trung tâm thành phố Liverpool, được UNESCO công nhận bởi đây là "ví dụ tiêu biểu nhất của một thương cảng tại có ảnh hưởng toàn cầu của nước Anh”. Di sản đang bị đe dọa do sự phát triển đô thị, đặc biệt là việc đề xuất xây dựng dự án Liverpool Waters của thành phố.
Vườn quốc gia Los Katíos, Colombia. Los Katíos chỉ chiếm chưa đầy 1% diện tích của Colombia nhưng chiếm 25% số loài chim của cả quốc gia này cùng rất nhiều các loài động thực vật tạo thành sự đa dạng sinh học rất lớn. Đây là nơi sinh sống của dân tộc Kuna, một nhóm người bản xứ nhưng buộc phải chuyển đến Panama vì các cuộc giao tranh của bộ tộc với nhóm Katío-Embera.
Các tàn tích khảo cổ tại vườn quốc gia Los Katíos được phát hiện là minh chứng về lịch sử khu vực cách đây 20.000 năm về những người dân đầu tiên di cư từ Bắc Mỹ đến sống ở khu vực này. Di sản đang đối mặt với các nguy cơ ô nhiễm, săn bắn bất hợp pháp và sự mở rộng của nông nghiệp.
Rừng nhiệt đới Sumatra, Indonesia. Năm 2004, UNESCO đưa các khu vực rừng mưa nhiệt đới này vào danh mục di sản thế giới. Đây là nhà của khoảng 10.000 loài thực vật, 200 loài động vật có vú. Sự rộng lớn của rừng nhiệt đới đã bị thu hẹp đáng kể trong 50 năm qua do nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, nông nghiệp lấn chiếm và săn trộm tàn phá
Minh Khánh (theo Dailymail)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.