Những điểm đặc biệt chỉ có ở thị xã duy nhất của Hà Nội

Vũ Đắk Chủ nhật, ngày 17/04/2022 13:10 PM (GMT+7)
Sơn Tây với diện tích tự nhiên là 113,46 km2, dân số khoảng 24 vạn người, được chia làm 15 đơn vị hành chính là thị xã duy nhất của Hà Nội.
Bình luận 0

Thị xã duy nhất của Hà Nội trở thành cửa ngõ phía Tây của Thủ đô

Theo Cổng TTĐT thị xã Sơn Tây, thị xã này là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội với toạ độ địa lý 210 vĩ bắc và 1050 kinh đông, cách trung tâm Hà Nội 42 km về phía Tây bắc, nằm trong vùng đồng bằng trung du bắc bộ.

Thị xã Sơn Tây có nhiều đường giao thông thuỷ, bộ nối với trung tâm Thủ đô Hà Nội, các vùng đồng bằng Bắc Bộ, với vùng Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc như: Sông Hồng - Sông Tích, đường Quốc lộ 32, Quốc lộ 21A, đường tỉnh lộ 414, 413… 

thi-xa-duy-nhat-cua-ha-noi.jpg

Sơn Tây với diện tích tự nhiên là 113,46 km2, dân số khoảng 24 vạn người, được chia làm 15 đơn vị hành chính là thị xã duy nhất của Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh.

Địa phương có tổng diện tích tự nhiên là 113,46 km2, dân số khoảng 24 vạn người, được chia làm 15 đơn vị hành chính gồm 9 phường, 6 xã; có 53 cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học và 30 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.

Thị xã này phía Đông giáp huyện Phúc Thọ, phía Tây giáp huyện Ba Vì, phía Nam giáp huyện Thạch Thất, phía Bắc giáp huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với sông Hồng là ranh giới tự nhiên. 

Thị xã duy nhất của Hà Nội xuất hiện cách đây hơn 500 năm 

Theo "Thư tịch cổ" (Đại Nam nhất thống chí, lịch triều hiến chương loại chí), Sơn Tây xuất hiện cách đây hơn 500 năm. Năm 1469 (thời vua Lê Thánh Tông), Trấn sở Sơn Tây đóng tại xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, Phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội), thời kỳ đó gọi là Sơn Tây Thừa Tuyên.

Đến thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786), Trấn sở được dời về xã Mông Phụ, huyện Phú Lộc, Phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây), năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Trấn sở dời về thôn Thuần Nghệ - Huyện Minh Nghĩa (nay là nội thành Sơn Tây).

Năm 1831, Trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây và trấn lỵ trở thành tỉnh lỵ. Năm 1942, Thực dân Pháp đổi tỉnh lỵ thành thị xã Sơn Tây.

thi-xa-duy-nhat-cua-ha-noi2.jpg

Ngày 8/5/2009, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chuyển thành phố Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây thuộc TP Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh.

Thị xã Sơn Tây là thủ phủ của tỉnh Sơn Tây (bao gồm 6 huyện: Quốc Oai, Quảng Oai, Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất, Bất Bạt) với diện tích 150 mẫu bắc bộ và số dân là 6.116 người.

Tháng 6/1965, thực hiện Quyết định của Chính phủ, thị xã Sơn Tây cùng với các huyện của tỉnh Sơn Tây sát nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây.

Năm 1979, thực hiện Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, thị xã Sơn Tây cùng một số huyện của tỉnh Hà Sơn Bình chuyển về thành phố Hà Nội.

Tháng 10 năm 1991, thị xã Sơn Tây được tách và chuyển về trực thuộc tỉnh Hà Tây.

Ngày 13/4/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 655/QĐ-BXD công nhận thị xã Sơn Tây là đô thị loại III.

Đặc biệt, ngày 02/8/2007, Chính phủ đã có Nghị định số 130/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Tây.

Ngày 01/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thành phố Sơn Tây trở về với Thủ đô Hà Nội.

Ngày 8/5/2009, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chuyển thành phố Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây thuộc TP Hà Nội.

Thị xã duy nhất của Hà Nội có gần 200 di tích, 300 ngôi nhà cổ

Cách trung tâm Thủ đô khoảng 40 km, Sơn Tây trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.

Với truyền thống văn hóa được bồi đắp qua nhiều thế hệ, mảnh đất của trung tâm xứ Đoài hiện có 193 di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, di tích lưu niệm cách mạng, kháng chiến và hơn 300 ngôi nhà cổ.

Trong đó, đã có 68 di tích được xếp hạng (gồm 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố).

Nhiều di tích nổi tiếng mà tên gọi gắn liền với tên đất và con người Sơn Tây như: Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây...

thi-xa-duy-nhat-cua-ha-noi4.jpg

Làng cổ Đường Lâm hiện có 350 ngôi nhà được bảo tồn nguyên vẹn và hàng nghìn ngôi nhà truyền thống. Ảnh: HNM.

Làng cổ Đường Lâm: Ngôi làng này hiện có 350 ngôi nhà được bảo tồn nguyên vẹn và hàng nghìn ngôi nhà truyền thống. Nét độc đáo nhất ở đây là những ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi với vật liệu xây dựng chủ yếu là đá ong.

Sau Hội An, phố cổ Hà Nội - những phố cổ nơi đô thị, thì Đường Lâm là ngôi làng cổ điển hình hiện còn bảo tồn được khá nguyên vẹn những dấu tích của làng Việt cổ ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Đây còn là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi duy nhất "một ấp sinh hai vua": Vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Đường Lâm cũng là nơi có Văn Miếu trấn Sơn Tây - biểu tượng của truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo được thể hiện qua hai tấm bia đá ghi tên 288 vị khoa giáp từ thời nhà Lý đến cuối thời nhà Mạc ở Trấn Sơn Tây xưa.

thi-xa-duy-nhat-cua-ha-noi1.jpg

Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Ảnh: Nhật Minh

Thành cổ Sơn Tây: Đến với xứ Đoài, du khách không thể bỏ qua Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn.

Thành cổ Sơn Tây vốn được xem là tòa thành đá ong độc đáo nhất Việt Nam. Hiện nay tòa thành này còn gần như nguyên vẹn hệ thống tường thành. Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây chính thức được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Bên cạnh đó còn có Đền Và (Đông cung) - một trong hệ thống tứ cung nổi tiếng của xứ Đoài; đền Măng Sơn (Nam cung điện)... và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc.

Thành cổ 200 năm tuổi được xây dựng bằng đá ong "độc nhất vô nhị" ở Hà Nội. Clip Nhật Minh.

Ngoài ra, thị xã Sơn Tây còn có hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và di tích cách mạng kháng chiến, trong đó có 6 địa điểm đã được gắn biển. Cùng với đó là những khu, quần thể du lịch đã và đang thu hút các nguồn lực đầu tư.

Điển hình là Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam - trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia, nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Không chỉ quan tâm đầu tư, hoàn thiện các khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tín ngưỡng, từ nhiều năm trở lại đây, Sơn Tây chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể mà văn hóa lễ hội là minh chứng điển hình. Hằng năm, trên địa bàn thị xã có 73 lễ hội.

Phần lớn là các lễ hội làng, tổ dân phố, riêng lễ hội Đền Và (phường Trung Hưng) là lễ hội vùng. Các lễ hội làng có nghi thức, phong tục gắn liền với việc thờ thành hoàng làng và sự tích vị thần được thờ, tạo thành những sắc thái, đặc điểm riêng biệt, hấp dẫn khách du lịch.

Thị xã duy nhất của Hà Nội thu ngân sách thế nào?

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất của thị xã Sơn Tây đạt 4,5%; Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 4.995 tỷ đồng; Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ đạt 5.259 tỷ đồng; Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 1.227 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 478,8 tỷ đồng...

Trước đó, năm 2020, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thị xã Sơn Tây ước đạt 9,9% (đạt 100% so với kế hoạch); giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước thực hiện 4.915 tỷ đồng (giá so sánh), đạt 99,4% kế hoạch năm, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn thị xã ước thực hiện 4.818 tỷ đồng (giá so sánh), đạt 99,7% kế hoạch, tăng 8,1%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước thực hiện 1.163 tỷ đồng (giá so sánh), đạt 103,4% kế hoạch, tăng 6,5%.

Thu ngân sách thị xã và các xã phường ước thực hiện 1.414,328 tỷ đồng đạt 133,3% dự toán thành phố giao, đạt 126,2% dự toán thị xã giao, tăng 2,7%. Chi ngân sách thị xã và các xã phường ước thực hiện cả năm 1.414,328 tỷ đồng đạt 133,3% dự toán thành phố giao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem