Nhớ lần đầu gặp “thần tượng” của mình
Đúng 4h41 sáng 4/7 (mồng 2 tháng 6 năm Kỷ Hợi), chị Phan Thị Quyên, người vợ cũ của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã về cõi vĩnh hằng tại nhà riêng, hưởng thọ 75 tuổi. Nhưng những kỷ niệm thân thương về chị sẽ theo tôi suốt cuộc đời.
Hồi còn học phổ thông, tôi cùng đám bạn học đã đọc đi đọc lại tác phẩm “Sống như anh” của nhà báo, nhà văn Trần Đình Vân. Cũng từ đó, chúng tôi biết về chị, biết về người vợ nhưng cũng là người đồng chí của anh Nguyễn Văn Trỗi và cũng chính anh Trỗi đã tuyên truyền, giác ngộ một cô công nhân của Hãng bông Bạch Tuyết như chị đi theo cách mạng.
Biết là như vậy, cảm phục quý mến chị là vậy, nhưng do hoàn cảnh, điều kiện không cho phép, mãi đến ngày 8/6/2006, tôi mới quyết tâm vào TP.HCM tìm gặp chị, gặp thần tượng của mình. Thú thật hồi đó, tôi cũng chưa biết nhà chị ở đâu, chỉ biết gia đình chị ở TP.HCM. Do đó, tôi đã mạnh dạn vào Thành ủy TP.HCM để hỏi thăm về chị, được Văn phòng Thành ủy đón tiếp, hướng dẫn tận tình, tôi đã đến được nhà chị, số 60 Trần Ngọc Diện, phường Thảo Điền, quận 2.
Gặp được thần tượng của mình, tôi mừng lắm. Sau khi giới thiệu là một cán bộ từ Nghệ An, quê hương Bác Hồ vào thăm chị, chị cảm động vô cùng và từ đó câu chuyện về chị về mối tình của chị với anh Trỗi được chị kể một cách say sưa.
Chị Quyên tại nhà riêng, tháng 6/2006. (Ảnh: L.V.B)
Chị kể, quê chị ở xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội, nhưng bố mẹ chị vào Nam làm công nhân đồn điền cao su, rồi sang tận Campuchia làm ăn. Năm 1944, chị sinh ra ở đó, sau một thời gian thì gia đình về nước.
Năm 16 tuổi, chị vào làm việc tại Hãng bông Bạch Tuyết ở đường Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ, TP.HCM). Trong thời gian này, chị được người quen mai mối giới thiệu với anh thợ điện quê Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là Nguyễn Văn Trỗi, lúc đó đang làm việc tại Nhà máy điện Chợ Quán.
Một thời gian quen và yêu nhau, ngày 21/4/1964, chị và chàng trai xứ Quảng Nguyễn Văn Trỗi tổ chức đám cưới. Nhưng chưa đầy 20 ngày sau, chính xác hơn là 22h ngày 9/5/1964, anh Trỗi bị bắt khi đang đặt mìn tại cầu Công Lý để ám sát phái đoàn quân sự, chính trị cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng McNamara dẫn đầu.
Sau 4 tháng giam giữ, không lay chuyển được ý chí của người thanh niên kiên trung, chính quyền Sài Gòn đã kết án tử hình anh Trỗi. Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn hồi 9h45 ngày 15/10/1964 tại sân sau Khám Chí Hòa.
Anh Nguyễn Văn Trỗi (người lái xe đạp) khi làm biệt động trước khi bị địch bắt. (Ảnh: Tư liệu gia đình)
Kể từ lần gặp đầu tiên đó, chị em tôi trở nên thân thiết. Cứ vài ba năm một lần, hễ có điều kiện công tác tại TP.HCM, tôi lại đến thăm gia đình chị. Đặc biệt, năm 2008, tôi cùng con gái lớn đến thăm chị, chị đã đưa bố con tôi tới thắp hương viếng mộ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.
Sự ra đời của tác phẩm “Sống như Anh”
Chị kể tiếp, sau đau thương, mất mát quá lớn đó, chị quyết tâm vào chiến khu theo cách mạng để chiến đấu trả thù cho chồng, đền nợ nước. Tháng 2/1965, chị tham gia đội biệt động 65 đóng tại Long An, sau đó được điều chuyển về R (Trung ương Cục miền Nam).
Một tháng sau, chị vinh dự được đoàn thể cử đi dự Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam và cũng tại Đại hội đó, chị được gặp nhà báo, nhà văn Trần Đình Vân, phóng viên báo Giải phóng. Chị đã kể lại câu chuyện về anh Nguyễn Văn Trỗi, sự hy sinh anh dũng, cũng như cuộc tình của anh chị và cũng từ đó tác phẩm “Sống như Anh” ra đời, nổi tiếng sau này.
Chị Phan Thị Quyên và anh Nguyễn Văn Trỗi trong ngày cưới. (Ảnh: Tư liệu gia đình)
Có thể nói, "Sống như Anh" từng là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Chị Quyên cùng nhiều đồng đội đã kể chuyện về liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi cho nhà báo Thái Duy (nhà văn Trần Đình Vân) chấp bút cho tác phẩm. Và cho đến gần đây, "Sống như Anh" được tái bản, trở thành cuốn sách được bạn đọc bình chọn là một trong 3 cuốn sách có nội dung hay nhất năm 2002, đồng thời đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, mới đây là tiếng Tây Ban Nha.
Tháng 5/1969, chị được ra Bắc học tập. Năm 1973 tức là 9 năm sau khi anh Trỗi hy sinh, chị Phan Thị Quyên tái hôn với anh Tư Dũng - một người con của quê hương đồng khởi Bến Tre và cũng là một đồng chí, đồng đội với chị (về sau này trước khi nghỉ hưu theo chế độ, anh Tư Dũng là Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM).
Đến năm 1980, chị về công tác tại Công ty Du lịch TP.HCM cho tới khi nghỉ hưu theo chế độ.
Thật hạnh phúc khi gia đình anh chị đã có một con trai, một con gái và cháu nội, cháu ngoại, con cháu chăm ngoan, học giỏi, thành đạt. Với chị - một đảng viên mẫu mực – chị đã vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Vì tuổi cao sức yếu, cộng với một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư, mặc dù được gia đình, bạn bè, đồng chí tận tình chăm sóc, nhưng chị không thể vượt qua quy luật sinh tử của cuộc đời. Xin trân trọng kính chuyển đến gia đình chị lời chia buồn sâu sắc nhất. Cầu chúc cho chị luôn bình an.
Nhà văn Trần Đình Vân từng nhận xét về chị Phan Thị Quyên như sau: "Đó là một người phụ nữ yêu nước. Qua tiếp xúc với chị Quyên lúc đó, tôi có cảm giác, ở tuổi 19, là công nhân của Xí nghiệp Bông Bạch Tuyết, khi yêu và lấy anh Trỗi, cô gái ấy hiểu về cách mạng và "Việt Cộng" chưa nhiều. Khi anh Trỗi bị bắt và biết anh là "Việt Cộng", hàng ngày đến thăm nuôi chồng, chị không một lời thuyết phục anh khai báo tổ chức để rồi hy vọng chồng mình sẽ được trả tự do. Chưa hết, sau khi anh Trỗi hy sinh, các chiến sĩ biệt động đến đón chị ra vùng giải phóng, chị không một chút ngần ngại và luyến tiếc cuộc sống đô thành mà tự nguyện trở về với cách mạng ở khu căn cứ”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.