Những kỳ thi nhiều nước mắt

Chiến Văn Chủ nhật, ngày 01/07/2018 13:18 PM (GMT+7)
Không ít lo lắng, hoang mang, không ít nước mắt đã rơi quanh 2 kỳ thi cấp THPT - thi vào lớp 10 và thi THPT quốc gia, của cả học sinh và phụ huynh, vì những đề thi quá khó, đánh đố, vì những cú sốc đầu đời trong cuộc chiến thi cử đầy cam go, áp lực.
Bình luận 0

Chiều 29.6, Sở GDĐT thành phố Hà Nội đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT khối không chuyên. Những ghi nhận bước đầu cho thấy, năm nay, điểm chuẩn nhiều trường đã giảm từ 1-3 điểm so với năm trước. Đây có lẽ là điều hợp lý, đã được dự báo trước. Bởi ngay khi kết thúc kỳ thi, nhiều thí sinh và phụ huynh đã “than trời”, “muốn khóc” vì đề khó.

Sau bao ngày lo âu chờ đợi, đến khi “Biết điểm chuẩn vào lớp 10 Hà Nội, nhiều phụ huynh bật khóc” – như tiêu đề của một bài báo. Có những giọt nước mắt hạnh phúc, nhưng nhiều hơn là những giọt nước mắt tiếc nuối, ân hận với chính con mình, vì đã tính “nước cờ sai” trong cuộc chiến thi cử, chọn trường, chọn lớp đầy căng thẳng, áp lực.

img

Thí sinh thi vào lớp 10 tại TP.HCM tiếc nuối khi làm bài thi không tốt vì đề khó.

Do đó, ngay khi nhận được kết quả điểm thi, nhiều bậc phụ huynh đã vội vàng “tìm phương án” cho con mình vào các trường dân lập, quốc tế, thậm chí đành phải cố cho con đi… du học.

Tất nhiên, đó chỉ là một trong các phương án, bởi trong hệ thống các trường THPT của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, sẽ vẫn có rất nhiều sự lựa chọn để gần như tuyệt đối các học sinh “không bị bỏ lại phía sau”. Nói một cách nôm na như khi trà dư tửu hậu, giờ chúng ta sắp “phổ cập” đến bậc THPT rồi, nên kiểu gì các em chẳng được… học, dù kết quả thi có như thế nào?!?

Nghe thì đơn giản thế, nhưng có theo dõi, chứng kiến, hoặc trực tiếp tham gia vào “guồng quay” của công cuộc thi cử mới thấy, áp lực của việc chọn trường cho các em, một việc lẽ ra không đến mức phải gây ầm ĩ, kéo theo sự quan tâm của cả xã hội, lại đầy cam go, vất vả, căng thẳng đến thế.

Chỉ cần nhìn hình ảnh các em đến phòng thi với cặp mặt đầy lo âu, ám ảnh, sợ hãi, là đủ hiểu. Gây ra những điều đó, chắc hẳn lỗi không nhỏ thuộc về những người làm giáo dục - chủ thể của những kỳ thi gây nhiều dư luận trái chiều vừa qua.

Nói về “nước mắt thi cử”, sẽ là rất thiếu nếu không kể đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa diễn ra. Mở màn là đề thi môn Văn, được cho là “sáng tạo”, “đề mở”, nhưng với nhiều phụ huynh và học sinh, đó là sự “đánh đố”, gây “áp lực” không hề nhỏ cho giám khảo.

Sau đó là quá nhiều lời than vãn, kêu trời về cách ra đề năm nay, khi hầu hết đề thi các môn đều được đánh giá là ở mức khó, đến mức khiến không ít thí sinh “bật khóc” khi ra khỏi phòng thi. Trong đó, đặc biệt là đề thi môn Toán, có những vị giáo sư, hoặc giáo viên trường chuyên nổi tiếng của tỉnh đã phải “khóc thét” vì không thể giải được hết trong thời gian chính thức. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng, có cho thời gian lên gấp đôi, ở trạng thái thoải mái, không bị áp lực, nhiều thầy cũng… bó tay?!?

img

Thí sinh thi THPT Quốc gia bật khóc, than trời vì đề thi khó.

Tôi không nghĩ trình độ các học sinh hiện nay quá giỏi so với cách đây vài năm, đến mức đề dành cho các em mà các thầy còn “toát mồ hôi”. Còn phải đợi điểm thi mới biết đề có quá khó như người ta than vãn hay không, nhưng thực tế, nhìn các em lắc đầu, lè lưỡi, bật khóc khi ra khỏi phòng thi, ít nhiều đã có thể hiểu được.

Bây giờ là lúc cần phải đặt câu hỏi: Vậy thì Bộ GDĐT ra đề khó quá như vậy để làm gì? Trong khi, chủ trương của ngành giáo dục nhiều năm qua là học gì thi nấy, chỉ cần học đủ trong chương trình sách giáo khoa trên lớp là có thể làm tốt bài thi.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc ra “đề thi khó là hiển nhiên” - như ý kiến của Cục phó Cục quản lý chất lượng - Bộ GDĐT, để phân loại tốt học sinh, giúp các trường dễ dàng trong khâu tuyển sinh. Nhưng, ở phía ngược lại, nếu ra đề khó đến mức mà điểm trung bình thấp quá, sẽ càng gây khó hơn trong khâu tuyển sinh của các trường. Lúc đó, nhiều trường lại phải hạ điểm chuẩn xuống thấp hơn nhiều so với các mùa tuyển sinh trước mới lấy đủ được học sinh. Và, vô hình trung, nhìn về hình thức, đó là sự “đi xuống” trong việc tuyển đầu vào.

Một điều nữa, về tâm lý, chắc chắn không học sinh nào thấy vui và thoải mái khi đi thi lại bị điểm kém, vì gặp phải đề thi quá khó. Điều đó sẽ gây tâm lý chán nản, vừa không động viên được học sinh mà còn khiến các em coi kỳ thi như một “con ngáo ộp”, chỉ cần nghe đến thôi đã kinh hồn bạt vía.

Tôi còn nhớ, năm trước, một vị thứ trưởng của Bộ GDĐT trước khi công bố điểm tuyển sinh đã tuyên bố, với cách ra đề hiện nay, sẽ không có chuyện thí sinh dễ dàng đạt được điểm 10. Vậy nhưng, kỳ thi THPT năm ấy đã được gọi là kỳ thi “mưa điểm 10” với tổng số điểm 10 lên tới 4.200, gấp 10 lần so với năm trước đó.

Liệu sự tăng vọt ấy có thể hiện được chất lượng của học sinh năm sau đã cao hơn nhiều lần năm trước? Và có phải, chính vì sự ra đề “thả cửa” khiến cơn mưa điểm 10 xuất hiện năm 2017 đã khiến cho năm nay Bộ “dè chừng” hơn và cố “thắt chặt” lại, để dư luận phải “khóc thét”, than trời?!?

img

Thí sinh lo lắng, hoang mang sau khi ra khỏi phòng thi môn văn THPT quốc gia 2018.

Với thực trạng hơn 200.000 cử nhân tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm hiện nay, thì tôi cho rằng, cách “nới lỏng” hay “thắt chặt” ở các kỳ thi dưới chẳng mang nhiều ý nghĩa. Khâu quan trọng nhất là ứng xử, giải quyết thế nào với lượng cử nhân “đầu ra” cuối cùng của hệ thống giáo dục còn chưa được quan tâm, thì chặt chẽ quá mức cần thiết với những bậc thềm đầu vào để làm gì?

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần mạnh dạn bỏ bớt các kỳ thi vốn chứa đầy sự tốn kém và gây áp lực rất lớn lên toàn xã hội. Đừng biến các cuộc thi thành “cuộc đua sinh tử”; hãy giảm nhẹ nó, bằng việc tổ chức xét tuyển, dựa theo học lực, học bạ trên lớp, sau đó, chú trọng đặc biệt vào khâu đầu ra. Cần mạnh dạn giao quyền tự chủ chọn người học cho các trường, bởi mỗi trường có đặc thù, nhu cầu riêng, quan điểm riêng về đào tạo. Bộ chỉ nên giám sát, quản lý chặt chẽ việc sát hạch, cấp bằng chứng nhận đầu ra.

Như vậy, sẽ vừa giảm được gánh nặng thi cử, lại có được chất lượng đào tạo như mong muốn, để không còn cảnh những sinh viên dưới điểm trung bình vẫn được vào đại học, rồi sau đó khi ra trường các nhà sử dụng phải đào tạo lại từ đầu.

Tất nhiên, để làm được điều đó, cần một quá trình và sự đột phá. Nhưng tôi tin rằng, nó sẽ được dư luận ủng hộ hơn là việc tổ chức những kỳ thi như hiện nay, khiến không chỉ phụ huynh, các em học sinh, mà ngay cả các thầy cô giáo cũng lắc đầu, ngán ngẩm, “không phục”. Cứ “tít mù rồi lại vòng quanh mãi”, cuối cùng, khiến nhiều người căng thẳng, mệt mỏi, rơi nước mắt hơn, vậy cải cách thi cử để làm gì?!?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem