Những lớp học mái đỏ giữa bản làng "toàn không"

Bảo Yến Thứ tư, ngày 10/02/2021 08:00 AM (GMT+7)
Những cây mơ, mận, đào đang hé nụ báo hiệu mùa xuân về. Cùng với niềm vui đón xuân, vui tết, năm nay cô trò vùng cao ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Giang… còn có thêm niềm vui được dạy và học trong những phòng học kiên cố, khang trang, ấm áp do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt trao tặng.
Bình luận 0

Rơi nước mắt "cõng chữ" vào điểm trường "ốc đảo"

Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) là một xã biên giới giáp với nước CHDCND Lào. Xã có 533 hộ dân, trong đó, 78,6% là hộ nghèo. Nơi đây có 8 dân tộc anh em sinh sống và đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 98%. Nậm Chua 1 là bản đặc biệt khó khăn của xã Nậm Nhừ. Bản bị bao quanh và chia tách bởi những ngọn núi cao sừng sững, nên từng nhóm bản đều trở thành một "ốc đảo" giữa rừng xanh. Muốn đến đó chỉ có cách phải men theo hơn 6km dốc thẳng đứng, rồi lò dò theo con đường rộng chừng 2-3 gang tay xoáy hình trôn ốc của nhiều ngọn núi.

Nậm Chua 1 có 5 nhóm bản, trong đó nhóm bản thứ 5 ở nơi xa nhất, khó khăn nhất. Nhóm bản chỉ có 18 hộ dân người Mông, nghèo đói quanh năm. Nơi đây không có điện, không tivi, không có sóng điện thoại, không có nước sạch. Cả nhóm bản này, số lượng người bập bẹ được tiếng phổ thông đếm ra chưa đủ 1 bàn tay.

Tatnien/ Những lớp học mái đỏ giữa bản làng “toàn không" - Ảnh 1.

Lễ khánh thành điểm trường Mường An, Trường Mầm non Xuân Nha, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: N.C

Chương trình "Điểm trường mơ ước" còn tổ chức xây dựng, khánh thành 5 điểm trường khác: Điểm trường Ktol (thuộc Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum); Điểm trường bản Hang Mon (thuộc Trường Mầm non Hoa Mai, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La); Điểm trường Mường An (thuộc Trường Mầm non Xuân Nha, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La); Điểm trường Tiểu học Yên Thắng (xã Yên Thắng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An); Điểm trường Lũng Khỏe A, Trường PTDTBT Tiểu học A (xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, Hà Giang).

Để đưa con chữ về với "ốc đảo", có một điểm trường lẻ thuộc Trường Mầm non Nậm Nhừ được dựng lên. Nhớ lại ngày đầu cầm quyết định nhận công tác tại đây, cô Quàng Thị Mai Thương - người 2 năm liền là giáo viên cắm bản điểm Nậm Chua nhóm 5, nói: "Lần đầu mình vào bản, cứ hết quả đồi này đến quả đồi khác mà vẫn chưa thấy điểm trường ở đâu cả, vừa mệt, tủi thân, vừa sợ thế là bật khóc giữa đường. Lúc đó vừa khóc vừa nghĩ không lẽ bỏ về, nhưng rồi tự động viên rằng mọi người làm được mình cũng làm được, thế là mình đi tiếp".

Hồi đầu, điểm trường được dựng lên trên một khoảng đất nhỏ gần ngay nhà dân, không có sân chơi. Tấm biển điểm trường được làm bằng sắt bị đổ xiêu vẹo. Mái bị dột, các cột, xà nhà bị mục, vách hở toang hoác, nền nhà nổ lớp xi măng… Căn nhà gỗ tạm với cơ sở vật chất chỉ là con số "0", vào ngày mưa gió, trở thành nỗi sợ hãi với cô trò.

Cách đó khoảng 20km là bản Huổi Lụ 2. Nơi đây có 1 điểm trường lẻ thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Nhừ. Thầy Lường Văn Tươi - giáo viên cắm bản tại điểm Huổi Lụ 2 cho biết, điểm trường có 23 học sinh lớp ghép 1-2 là con em đồng bào Mông, trong đó 22 em thuộc hộ nghèo, 1 em của hộ cận nghèo.

Tatnien/ Những lớp học mái đỏ giữa bản làng “toàn không" - Ảnh 3.

Cô Quàng Thị Mai Thương và học sinh tại điểm trường Nậm Chua 1 nhóm 5 trong lớp học mới. Ảnh: Bảo Yến

Giống như điểm Nậm Chua 1 nhóm 5, lớp học điểm Huổi Lụ 2 chỉ là lớp tạm. Mấy thầy trò chen chúc nhau trong một phòng nhỏ, mưa thì dột, nắng thì rọi thẳng vào đầu. Đường xa, cơ sở vật chất chẳng có gì, nên để đảm bảo sĩ số học sinh với thầy cô cắm bản nơi đây là một cuộc vật lộn đúng nghĩa.

Dựng điểm trường khang trang cho bản khó

Sau hơn 2 tháng xây dựng, 2 điểm trường khang trang được hoàn thiện. Mỗi điểm trường có 2 phòng học kiên cố, sân chơi, ngoài ra còn được trang bị thêm tivi, tủ sách, tặng quà cho thầy trò…

Thấu hiểu được nỗi vất vả đó, cuối tháng 5/2020, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt tổ chức chương trình "Điểm trường ước mơ", xây tặng những điểm trường kiên cố tại các bản vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Điểm trường Nậm Chua 1 nhóm 5 và điểm Huổi Lụ 2 là các điểm trường được báo lựa chọn. Sau hơn 2 tháng xây dựng, 2 điểm trường khang trang được hoàn thiện. Mỗi điểm trường có 2 phòng học kiên cố, sân chơi, ngoài ra còn được trang bị thêm tivi, tủ sách, tặng quà cho thầy trò… đúng dịp bước vào năm học mới 2020 - 2021.

Tatnien/ Những lớp học mái đỏ giữa bản làng “toàn không" - Ảnh 5.

Ngày làm lễ khánh thành tại 2 điểm trường, bản làng rộn ràng như ngày hội. Cả khoảng sân nhỏ chật kín người, tiếng vỗ tay, tiếng cười nói rộn ràng. "Giờ có trường đẹp, thầy cô về tận bản khó để dạy chữ thì phải cho con đi học thôi, không để nó như mình được. Lớp học mới đẹp như vậy, rộng như vậy, nó cũng sẽ thích đi học hơn" - anh Sùng A Súa, dân bản Huổi Lụ 2 chia sẻ.

Tatnien/ Những lớp học mái đỏ giữa bản làng “toàn không" - Ảnh 6.

Niềm vui của các em học sinh trong buổi lễ khánh thành điểm trường. Ảnh: Ngọc Vũ

"Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và các nhà thiện nguyện mong rằng phần công sức nhỏ bé của mình sẽ hỗ trợ phần nào cho các thầy cô, học trò những nơi khó khăn nhất. Để mai đây, từ những điểm trường này có những em nhỏ học thành tài, quay trở lại giúp đỡ quê hương ngày càng phát triển hơn" - nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phát biểu trong lễ khánh thành điểm trường.

Mùa xuân đang về với núi rừng Tây Bắc, xuân này thêm vui tươi và phấn khởi với cô Thương, thầy Tươi và các thầy cô, học trò vùng cao vì được dạy và học trong những lớp học mái ngói đỏ tươi, khang trang, an toàn... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem