Những mảnh đời lay lắt trong “trại” mồ côi

Thứ hai, ngày 24/06/2013 08:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mỗi bé trong Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam (đóng tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) có một số phận nghiệt ngã khác nhau.
Bình luận 0

Có cháu bị dị tật bẩm sinh, có cháu kém may mắn không còn cha mẹ, cũng có cháu là “nạn nhân” của nhiều cuộc tình dang dở, sau khi sinh ra bị mẹ ruồng bỏ nơi “đầu đường xó chợ” được trung tâm nhận về nuôi dưỡng…

Đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam vào một ngày đầu hè, những đứa trẻ chạy lon ton ra đầu cổng hát hát mừng mừng đón chúng tôi với những khuôn mặt thơ dại và những cái nhìn, nụ cười hồn nhiên, nhưng đằng sau đó lại là những số phận đáng buồn bởi cuộc đời gắn với hai chữ “mồ côi”. Có trẻ vẫn còn người thân, có gia đình. Nhưng cũng có nhiều lắm những trẻ chẳng bao giờ biết được cha mẹ mình là ai? Cuộc đời chúng mãi mãi gắn với những tháng ngày mồ côi, không cha, không mẹ, không người thân thích.

 img
Những nét mặt ngây thơ, hồn nhiên của những đứa trẻ trong trung tâm

Phận mồ côi và những câu chuyện nghe mà “tê tái lòng”

Chúng tôi đến Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Namvào một buổi trưa khi những đứa trẻ đang ngon giấc sau bữa ăn. Nhìn các cháu ngủ, gương mặt ngây thơ, thánh thiện, khó ngờ rằng ẩn sau nó là những hoàn cảnh éo le không dễ tưởng tượng. Một cô giáo trung tâm kể: “Từ khi nhận công việc ở đây, tôi không ít lần chứng kiến những đứa trẻ bị bỏ lại ven đường. Nhiều đêm đang ngủ, nghe tiếng xe rồ ga ngay cạnh phòng bảo vệ, tôi chạy ra thì thấy một đứa trẻ... Có lần nghe tiếng đập cổng, bật điện lên thì người ta đã bỏ đi, chỉ còn lại đứa bé khóc oe oe. Thương trào nước mắt!”.

Cũng theo các cô giáo này cho hay, thông thường người ta bỏ lại trẻ sơ sinh vào lúc nửa đêm về sáng, đập cửa báo hiệu, cốt cho người trung tâm biết để ra “nhận”.

Các cháu bị bỏ rơi hầu hết đều chưa rụng rốn (khoảng 3 ngày tuổi hoặc một tuần tuổi) nên nguy cơ nhiễm trùng rốn rất cao, do bị bỏ ngoài trời lạnh nên bị sốt, đặc biệt là đối mặt với các loại côn trùng, hay những yếu tố thời tiết khác.

Cứ mỗi lần “nhận” được một trẻ, các cô lại phải tường trình cụ thể về thời gian, địa điểm, đặc điểm nhân dạng, cân nặng, tình trạng sức khỏe... để báo cáo với các cơ quan chức năng làm thủ tục nhận các cháu vào trung tâm.

 img

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Võ Thị Hồng Hạnh, giám đốc trung tâm, cho biết: “Trung tâm từ rất lâu là một gia đình lớn, các cháu gọi các cô bảo mẫu là mẹ, còn các cô bảo mẫu gọi các cháu là con… Thương lắm! Lũ trẻ có tội tình gì đâu mà đang tâm vứt bỏ nó! Nếu may mắn được mọi người phát hiện thì chúng có cơ hội để được làm người, còn không thì...”.

Trong những lời kể đứt quãng của bà Hạnh, có những câu chuyện như dao cắt lòng. Như trường hợp một bé trai bị bỏ rơi tại Trường mẫu giáo Hòa Hương, khi người dân phát hiện được thì cháu đã quá yếu sức, lại bị côn trùng bu khắp người. Dù các bác sĩ đã cấp cứu và tích cực điều trị nhưng chỉ một tuần sau cháu không qua khỏi.

Bà Hồng tâm sự: “Có lẽ thương số phận hẩm hiu của chúng nên trời đất cũng ưu ái! Có nhiều cháu bị bệnh nặng trước khi đến đây tưởng không qua khỏi, nay phát triển bình thường! Để bù đắp những tổn thất, chúng tôi chọn những tên hay, đẹp, đặt cho các cháu, mong chúng có một tương lai tốt đẹp, hạnh phúc”.

Những vết hằn tinh thần trên “thịt da”…

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia nghiên cứu tâm lý, một đứa trẻ được cha mẹ yêu thương, được sống cùng gia đình bao giờ cũng tốt hơn ở trong một môi trường khác. Việc bị cha mẹ bỏ rơi cũng đồng nghĩa với việc trẻ không có gia đình. Khi nhận biết được bản thân bị gia đình chối bỏ, trẻ sẽ có những mặc cảm, tự ti về bản thân. Những ảnh hưởng tâm lý đó sẽ trở thành những khuyết tật về tâm hồn. Các em có nguy cơ bị lạm dụng, vi phạm pháp luật...

 img

Ở một khía cạnh nào đó, trẻ bị bỏ rơi phải gánh thêm những sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng. “Ở đây không ai dám nhắc đến hoàn cảnh của các em, sợ các em nhận biết được sẽ cảm thấy đau khổ, có những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập. Nhưng hình như các em cũng cảm nhận được. Có những lúc các em ngồi tư lự. Có những câu hỏi mà chúng tôi ngại nhất, bởi chẳng biết phải trả lời ra sao”- bà Nga, một người dân sống gần trung tâm cho biết.

Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam là mái ấm của những đứa trẻ sơ sinh từ nhiều địa phương trong tỉnh, hiện đang nuôi dưỡng 75 cháu với những phận đời lay lắt, hẩm hiu khác nhau.

Nhờ bàn tay chăm sóc của các cô bảo mẫu, các cháu không cảm thấy lạc loài, cô đơn trong mái nhà của trung tâm. Bà Hạnh còn kể thêm: “Có cháu bị di tật mù cả hai mắt nên người mẹ đã vứt bỏ cháu tại cổng bệnh viện. Nhìn khuôn mặt ngây thơ này có ai biết rằng suốt quãng đời còn lại là tháng ngày tối tăm, bế tắc của phận mù lòa.

Nhiều cháu vẫn bị ám ảnh nên cho dù đã được đưa về trung tâm được 2-3 tháng nhưng vẫn thường khóc lóc, gào thét gọi mẹ gọi cha ầm ĩ mỗi khi nhìn thấy người lạ. Rồi những căn bệnh bại não bẩm sinh đã tước đi ở các em nhiều quyền mà một đứa trẻ sinh ra đương nhiên được hưởng. Có cháu suốt cả đời phải sống đời thực vật, đặt đâu nằm đó.

Chưa hết, còn có cháu được mệnh danh là bé “đầu voi” vì đầu bé có kích thích to hơn bình thường nên dù đã 3 tuổi nhưng cháu không thể ngồi dậy, bò lết chứ không nói đến việc có thể đi lại. Thành ra từng miếng ăn giấc ngủ của các cháu đều nhờ vào các cô bảo mẫu tại trung tâm chăm lo chu toàn… Tuổi thơ của các cháu tại trung tâm lớn lên trong cũi gỗ nên dường như sẽ khó mà cảm nhận được mọi vật xung quanh…

Số lượng trẻ ngày càng đông nhưng khả năng đáp ứng của trung tâm thì có hạn. Mặc dầu trung tâm đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm, nhưng nguồn này không ổn định nên rất khó cân đối thu chi. Không những thế, việc thiếu thốn trang thiết bị, phòng ở cũng như các thiết bị, đồ chơi cũng làm giảm sự phát triển của trẻ. Mặt khác, trung tâm được xây dựng đã 12 năm, đang xuống cấp nặng nề...

Chia tay trung tâm, chia tay những đưa trẻ mà chúng tôi cảm thấy chạnh lòng trước những phận đời nhỏ bé! Nhìn chúng mà nghĩ lại thấy mình may mắn và hạnh phúc vì còn có những người thân yêu xung quanh… Chúng sẽ lớn khôn, trưởng thành để bước vào đời. Rồi cuộc đời chúng sẽ đi về đâu khi phía trước là quãng đường đầy bế tắc, đầy chông chênh…

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem