Trong quá trình xây dựng, thực hiện các mô hình đảm bảo an ninh, trật tự khu vực nông thôn, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Công an tỉnh Đồng Nai đã tham mưu, chỉ đạo thực hiện, xây dựng nhiều mô hình tự quản hiệu quả.
Xác định vị trí, tầm quan trọng của mô hình tổ chức quần chúng trong đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, phục vụ cho mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Công an Đồng Nai trong những năm qua đã tham mưu cho các đơn vị đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong đó, chú trọng công tác xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào, nhằm phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được 42 mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự ở khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học do lực lượng công an, các ngành, chính quyền địa phương xây dựng.
Đồng Nai đã có 132/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới. (Ảnh minh họa)
Những mô hình này đã góp phần đảm bảo tốt an ninh, trật tự, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Mô hình tổ chức các đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với công tác dân vận, chung sức xây dựng nông thôn mới là mô hình tiêu biểu được lực lượng công an Đồng Nai thực hiện tốt.
Để duy trì và thực hiện tốt mô hình này, hàng năm Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, hoạt động cụ thể.
Từ năm 2016 đến nay, lực lượng công an tỉnh này đã tổ chức 50 đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với công tác dân vận ở địa bàn cơ sở; xây dựng, sửa chữa và tặng nhà tình thương, nghĩa tình đồng đội…
Các kết quả thực tiễn từ mô hình này mang lại khẳng định, đây là cầu nối gắn kết với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dụng nông thôn mới” tại địa phương.
Đặc biệt, theo Công an Đồng Nai, qua công tác dân vận ở cơ sở đã khơi dậy được tình cảm gắn bó, tốt đẹp của nhân dân đối với lực lượng công an tỉnh.
Mô hình tiêu biểu thứ 2 được Công an Đồng Nai thực hiện hiệu quả, sáng tạo, tạo sự lan tỏa và ý nghĩa, đó là mô hình “Quỹ doanh nhân với an ninh, trật tự” tỉnh Đồng Nai.
Quỹ này là công tác xã hội hóa về phòng chống tội phạm, vận động các doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp xây dựng quỹ, góp phần xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lực lượng Công an Đồng Nai đã và đang đóng góp một phần không nhỏ cho thành công của xây dựng nông thôn mới tại tỉnh này.
Chính thức đi vào hoạt động tư tháng 10.2010, đến nay quỹ đã vận động được 466 lượt doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ủng hộ, với số tiền hơn 19 tỷ đồng. Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh Đồng Nai đã tổ chức trên 100 đợt trao vốn vay cho hơn 1 nghìn đối tượng vay, gia hạn vốn với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.
Theo Công an Đồng Nai, nhiều trường hợp được vay vốn đã làm ăn ổn định, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần ngăn chặn tình trạng tái phạm tội, trong đó có người đã vươn lên làm giàu và có điều kiện quan tâm giúp đỡ người khác.
Mô hình tiêu biểu thứ 3 nhận được sự đánh giá cao của Công an tỉnh Đồng Nai là mô hình “Câu lạc bộ thắp sáng niềm tin”.
Đây là mô hình do lực lượng công an tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập theo địa bàn cấp xã, phường, thị trấn nhằm mục đích quản lý, giúp đỡ, tạo điều kiện cho những người chấp hành xong hình phạt tù, người được đặc xá trở về địa phương nhanh chóng ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, rất nhiều mô hình khác ở địa bàn cơ sở tại Đồng Nai cũng đang được nhân rộng, thực hiện hiệu quả như Camera an ninh, Tiếng kẻng an ninh, Đội nữ dân phòng… Các mô hình này đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an cơ sở trong việc đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.