Những món ăn nặng mùi nổi danh khắp 3 miền đất nước

Huyền Thanh (Tổng hợp) Thứ năm, ngày 09/11/2017 10:14 AM (GMT+7)
Bún mắm, bún đậu mắm tôm, bún giả cầy, nậm pịa... là những món ăn dân dã, nặng mùi nhưng khi đã thử, thực khách sẽ bị hấp dẫn.
Bình luận 0

Bún đậu mắm tôm

Nổi tiếng khắp cả nước, món ăn này được chế biến với các nguyên liệu đơn giản nhưng lại có hương vị đặc trưng, luôn gây thương nhớ cho những ai đã trót mê mẩn. Suất bún đậu mắm tôm ngày nay được biến tấu, ngoài đậu rán vàng nóng hổi, bún trắng, mắm tôm còn có rất nhiều thứ đi kèm để lựa chọn gồm thịt chân giò, thịt ba chỉ, chả cốm, giò tai, dồi chiên, rau sống đa dạng cho khách đến ăn.

img

Bún đậu mắm tôm rất nặng mùi nhưng luôn "gây thương nhớ" cho bất kỳ ai đã trót mê. Ảnh: Foody

Thứ không thể thiếu được trong món ăn này là bát mắm tôm dậy mùi được pha cùng chanh ớt với cách pha chế theo những công thức riêng của mỗi nơi, quyết định đến sự thành công của món ăn. Sau khi vắt quất và đảo đều lên, người ăn sẽ rất ấn tượng với mùi thơm đặc trưng và vị cay quyện cùng vị ngọt mặn của mắm.

Bún mắm

img

Bún mắm là món ăn trứ danh ở miền Tây Nam Bộ. Tùy mỗi nơi mà có những nguyên liệu khác nhau.

Bún mắm từ lâu được xem là đặc sản của Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... Bún mắm với mùi hương đặc trưng kết hợp cùng nhiều loại đặc sản của vùng sông nước đã mang đến một món ngon giản dị mà ấn tượng. Trong món bún đặc sản miền Tây Nam bộ, nước lèo được nấu từ mắm cá linh và mắm cá sặc nên có mùi rất đặc trưng.

Tùy mỗi nơi mà khi ăn có những nguyên liệu khác nhau. Khi ăn thì cho bún ra tô, cho thêm thịt quay thái mỏng có lớp bì óng ánh, giòn rụm, tôm, mực, cá thác lác nhồi ớt... rồi múc từng vá nước lèo đang sôi, đồng thời cho thêm vài lát cà tím đã nấu chín. Bún được dọn kèm dĩa rau ghém và thêm chén nước mắm mặn vắt chanh pha với ớt sả bằm là vừa ngon.

Khi trộn đều lên, bạn sẽ thấy những lá rau sống, rau thơm dần xuất hiện. Khi đó, hương vị bún mắm mới là toàn vẹn nhất. Cái tanh tanh của mắm biến mất giữa rừng hương thơm dịu dàng của lá rau húng, rau bạc hà, rồi cái mềm mại của sợi bún quyện thật đều với cái sần sật, giòn tan của thịt quay... mang lại những trải nghiệm rất thú vị.

Bún giả cầy

Nguyên liệu chính làm bún giả cầy là chân giò lợn, bao gồm cả phần thịt chân giò và phần móng giò. Móng được làm sạch lông rồi thui trên lửa đến khi đạt độ vàng sậm màu cánh gián rồi mang rửa lại, chặt thành miếng kích thước cỡ hai ngón tay. Thịt chân giò cũng thái miếng to hơn quân cờ một chút rồi cho tất cả vào nồi ướp cùng với các loại giềng mẻ, mắm tôm, cho thêm măng chua ninh đến khi sền sệt.

img

Bún giả cầy có mùi vị rất đặc trưng, rất thích hợp khi ăn trời lạnh. Ảnh: Lozi

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận miếng thịt vàng ươm đượm mùi lửa, mùi bì cháy thơm quyện lẫn trong mùi riềng mẻ, chua chua của măng rất kích thích vị giác. Giả cầy ăn cùng với bún, nước sóng sánh dậy mùi thơm của riềng mẻ và hương vị mắm tôm, là món ăn được dân văn phòng rất thích.

Thắng cố

Nhiều người ví, lên vùng cao nguyên cực Bắc mà chưa thưởng thức món thắng cố thì coi như vẫn chưa thấy được nét đặc trưng của văn hóa và con người nơi đây.

Thắng cố được chế biến tương đối đơn giản, nhưng để nấu cho ngon và đúng vị thì người đầu bếp vẫn cần có những bí quyết riêng. Nguyên liệu chính để làm thắng cố là toàn bộ phần nội tạng, xương, phần đầu và tứ chi của trâu, bò, ngựa hay dê được làm sạch, cắt miếng, ướp gia vị, hạt tiêu, ớt, thảo quả. Sau đó, đem cho tất cả vào chảo xào qua lửa rồi đổ nước, ninh kĩ trong nhiều giờ.

img

Thắng cố là món ăn không thể thiếu của người Tây Bắc. Ảnh: Dân trí

Tuy là một đặc sản của vùng Tây Bắc nhưng không phải du khách nào cũng có thể thưởng thức được món ăn này, bởi ngay từ hương vị, màu sắc cho đến cách các nguyên liệu kết hợp với nhau đều không tạo sự hấp dẫn hay khơi gợi trí tò mò. Nhiều người còn tỏ ra ngần ngại khi ngửi thấy mùi “đặc biệt” của thắng cố.

Nậm pịa

Xét về độ khó ăn và mùi khó ngửi thì nậm pịa còn hơn cả thắng cố. Là đặc sản của người Thái ở Tây Bắc, món ăn này được làm từ tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò gọi là “pịa”.

Người ta chọn một đoạn ruột non ngon để lấy pịa, ninh xương và lục phủ ngũ tạng lên để lấy nước, sau đó họ đổ pịa vào, có nơi còn cho thêm chút mật bò. Phần ruột non sau khi lấy phải buộc chặt hai đầu, sau đó cắt thành khúc, trộn kèm rau thơm, bột mắc khén (hạt tiêu rừng), tỏi, ớt, mùi tàu…tất cả được băm nhỏ rồi đun sôi lên đến khi sánh, sền sệt lại là được.

Xem thêm: Điểm mặt những món bún nặng mùi nhưng "ăn là mê" khắp 3 miền

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem