Những ngôi làng sau “cơn sóng cả”: Lối rẽ của “làng nóng”

Thứ hai, ngày 21/10/2013 06:45 AM (GMT+7)
Năm 2001 khi xảy ra sự kiện biểu tình gây rối tại một số buôn làng ở Tây Nguyên, điều trăn trở “bao giờ Tây Nguyên trở lại yên bình” với bao người không ngờ lại thành xưa cũ nhanh đến thế...
Bình luận 0
LTS. Năm 2001 khi xảy ra sự kiện biểu tình gây rối tại một số buôn làng ở Tây Nguyên, điều trăn trở “bao giờ Tây Nguyên trở lại yên bình” với bao người không ngờ lại thành xưa cũ nhanh đến thế... Cầm trong tay bản danh sách làm ăn giỏi được các địa phương biểu dương- tên người, tên làng nơi từng là “điểm nóng”, mới nhận thấy mảnh đất này đang thay đổi nhanh đến ngỡ ngàng.

Tôi chọn làng Rắc (xã Ia Xier, huyện Sa Thầy, Kon Tum ) mở đầu cho chuyến “du ký”. Lý do là ngôi làng nhỏ chỉ hơn 250 hộ với gần 1.000 khẩu này– nói như già làng A Dót “không dưng được cả nước biết đến. Chẳng phải vì thành tích gì đặc biệt mà bởi chuyện… vượt biên”.

Cả hai thời điểm 2001, 2004 làng Rắc đều là “điểm nóng” với những cuộc vượt biên tập thể có lúc cả trăm người. “Miền đất hứa” hấp dẫn dân làng Rắc đến mức không chỉ bất chấp mọi sự ngăn cản của chính quyền, họ còn tìm cách vô hiệu hóa bằng những chiêu rất nghệ: Trước mỗi chuyến vượt biên, họ vờ rậm rịch chuẩn bị rồi tung tin giả. Chờ các ban ngành chạy ngược chạy xuôi đến mệt phờ, bấy giờ mới cất lẻn ra đi…

Gần 6 năm ròng, làng Rắc cứ âm ỉ như một kho thuốc súng, ủ dột, ngơ ngác dưới cái nhìn của các làng trong xã. Trẻ em bỏ học, ruộng rẫy tiêu điều… Nghĩ đến một ngày làng Rắc phục thiện, không ít người chỉ biết thở dài…

Có làm mới có ăn


Ngôi nhà của già làng A Dót chỉ là một trong vài nhà sàn gỗ hiếm hoi còn sót lại của làng Rắc. Suốt con đường nhựa xuyên làng bây giờ là những căn nhà xây mới, kề sát bên nhau nom như một phố thị nhỏ… Thời điểm năm 2004 khi làng Rắc nóng lại chuyện vượt biên, con đường trước mặt tôi hãy còn là một lối mòn lút cỏ đuôi chồn. Bám hờ bên vệ đường là những căn nhà mái tranh tã tượi nắng gió.

Làng nghèo quá. Những thửa ruộng bao năm là mạch sống đã chìm dưới đáy hồ thủy điện. Ruộng mới đất chưa thuần, dân làng lại không quen làm lúa nước nên chỉ trông chờ vào cây sắn. Tài sản đáng giá nhất làng là 4 chiếc xe máy “liên hiệp quốc” sòng sọc như người lên cơn hen suyễn…

Đành là có sự kích động, lôi kéo của kẻ xấu nhưng cái chính vẫn là đời sống người dân quá khó khăn. Rơi vào ảo giác về một “miền đất hứa”, họ đã mất niềm tin rằng có thể thay đổi được số phận trên miền đất cha ông từng sống bao đời…

Già làng A Dót và vườn cao su xóa đói giảm nghèo của làng Rắc.
Già làng A Dót và vườn cao su xóa đói giảm nghèo của làng Rắc.

Và thật sự thì chẳng dễ dàng khơi lại niềm tin ngỡ như đã chết. A Dót đã trầm tư kể cho tôi nghe những ngày “khổ tận” của làng… Sau hai sự biến, một kế hoạch giúp đỡ làng Rắc được vạch ra – trong đó cao su và lúa nước được chọn là cây đột phá. Đội công tác 323 được giao trực tiếp nằm làng vận động. Ai đăng ký trồng cao su được vay vốn ưu đãi; hộ nghèo còn được cấp không cây giống, bò sinh sản…

Điều không ngờ là cái phao cứu sinh ấy, người ta lại nhìn nó bằng con mắt lãnh đạm. Thời điểm ấy làng Rắc có gần 70 người vượt biên được định cư ở nước ngoài. Mỗi đồng đôla họ gửi về biết “đẻ” gần gấp đôi tiền Việt khiến làng Rắc lóa cả mắt. Nhà có người vượt biên đắc ý. Hàng quán cứ mỗi chiều lại om sòm những cuộc nhậu. Còn tiền trả, hết thì ký nợ. Nợ một triệu cuối năm trả triệu rưỡi.

“Cũng chẳng ăn thua gì đâu. Ở nước ngoài tiền như lá cây, rụng hết lớp này lại có lứa khác mọc ra ấy mà”– họ ngật ngưỡng nửa đùa nửa thật. Nhìn cảnh ấy nhiều người lại buồn rầu trách “vía” mình xui. Thôi thì cứ làm ăn cầm chừng chờ dịp…

Giấc mơ “đất hứa” nào ngờ bị giội bầu nước lạnh. Bắt đầu từ năm 2007, người gửi tiền về mỗi ngày mỗi ít mà thư kể khổ thì nhiều. Đầu tiên là A Lơng vượt biên năm 2001. Thư Lơng kể với vợ: Cả mấy tháng nay phải ở trong cái hộp bằng giấy vì không tìm thấy việc. Nhiều hôm đói quá phải đi xin đồ ăn thừa của người ta. Còn A Hiết vượt biên cùng năm thì kể: Hồi mới sang còn có việc để chọn, bây giờ thì ai kêu hót bùn dưới cống, thông nhà cầu cũng tranh nhau đi; khuyên ở nhà hãy lo làm ăn, đừng có vượt biên nữa.

Thì ra bên đó đang “khủng hoảng”, người xứ họ còn không có việc nữa là… Một cái gì như vỡ ra trong lòng đắng ngắt, nhưng chính miệng người làng nói, không tin làm sao. Nhìn sang các làng bên làm cao su, làm mì giờ có nhà to, trong khi làng mình đã chẳng ai làm được nhà nhờ tiền vượt biên thì chớ - lại còn ôm nợ vì sự huênh hoang vô lối. Cái lý “có làm mới có ăn” hóa ra ở xứ nào thì cũng vậy mà giờ mới ngộ ra…

Từ cái lý tự thân

Cái nắng như chụp lửa xuống đầu giữa trưa đứng bóng nhưng nghe tôi ngỏ ý muốn gặp vài người từng cố chí vượt biên xem dạo này họ làm ăn thế nào, A Dót vẫn sốt sắng: “Giờ này có ra vườn cao su mới gặp. Đừng ngại, đường đã tới đầu lô rồi mà”. Quả thật nếu không có A Dót, có lẽ tôi sẽ nhầm cao su làng Rắc với nông trường nào đó…

Hàng hàng sóng cây thẳng tắp dựng thành những bức tường xanh như được xắn ra từ dáng núi. Đây là lứa cao su đầu tiên của làng. Nếu cộng thêm khoảng xanh chưa khép bên kia, tổng diện tích cao su của làng Rắc bây giờ đã gần 100ha. 254 hộ đã làm nên cái mảng xanh này.

“Làng Rắc đứng đầu xã về phong trào trồng cao su đấy” – giọng A Dót đầy hứng khởi: Người ta cứ than cao su xuống giá nhưng rẻ gì thì mỗi ha cao su ngày cũng kiếm được 600 ngàn đồng. Trừ đầu tư hay thuê người khai thác, tháng cũng có 7–8 triệu bạc, sống khỏe”. “Ai thế?” tiếng hỏi phía sau làm chúng tôi cùng quay lại. “Ô, thì ra là A Pếch”, A Dót quay sang tôi giới thiệu: “Vua cao su” của làng Rắc đây”.

A Pếch gãi đầu “có 5 “héc”, vua gì”. – “Mày mới khai thác có 2ha, ngày đã bỏ túi cả triệu bạc rồi. Mai mốt cả 5ha, không làm vua làng này là gì ?” - “Thì cũng nhờ ông vận động vợ con chớ tôi… – A Pếch cười ngượng. Thì ra “vua cao su” cũng từng là “vua vượt biên”. A Pếch kể: Mình đi vượt biên 2 lần đấy. Lần thứ nhất đến được biên giới thì bị bắt trả về. Cán bộ gặp khuyên bảo nhưng mình không nghe. “Ở nước ngoài không sướng sao bọn nó vừa làm vừa chơi mà có tiền “đô” gửi về cho vợ con kia ?”.

Chợt có cảm giác cái quá khứ buồn nẫu ruột của ngôi làng này chỉ là những lời đồn đoán hay là câu chuyện cổ tích đã quá xa xăm nào…

Nghĩ thế mình quyết đi nữa. Lại bị bắt trả về. “Thế này là sống không yên với chính quyền rồi. Thôi đã hỏng đời thì cho hỏng nốt”. A Dót đến vận động trồng cao su, mình cứ ì ra như khúc gỗ.

Thấy vậy ông ấy quay sang vận động vợ con mình… Thế rồi tình cờ mình được đọc thư mấy đứa vượt biên gửi về. Đứa kể phải chui xuống ống cống móc bùn thối hoắc, đứa kể phải đi chùi nhà xí công cộng. Có được ít tiền gửi về chẳng qua là gom góp nhau lại để làm oai.

Ở bên này gặp bãi phân giữa đường, chúng nó khạc nhổ tránh cho xa, vậy mà sang bên đó lại còng lưng đi dọn cho người ta. Nhục thế thì thôi ! Từ hôm đó chuyện nhà lầu, xe hơi trong đầu mình bay biến. Thấy mình suốt ngày hùng hục làm, vợ con cứ ngớ người, tưởng đâu Yang đã thay cho mình cái “vía” khác rồi !

Lời kể hóm hỉnh của A Pếch khiến tôi và A Dót phải phá lên cười. Trong những hộ nhiều cao su nhất làng mà A Dót kể, điều khiến tôi ngạc nhiên hầu hết lại là những người bắt đầu từ lối rẽ như A Pếch. Chính những “liều thuốc đắng” này đã góp phần giúp làng Rắc đoạn tuyệt với tâm tưởng mơ cơm xứ người. Dẫu hãy còn gần một nửa số hộ nghèo nhưng con đường thoát nghèo của làng Rắc từ “dòng vàng trắng” nghe đã rất gần…

Mặt trời chìm nghỉm trong những đám mây màu khói đèn, nhịp điệu ngày thường của làng Rắc mới trở lại. “Xa lộ làng” tiếng xe máy, công nông đan nhau hối hả. Tình cờ sao tôi lại gặp Y Yêu đón con đi học về. Cậu bé còi cọc, ghẻ lở đầy mình vất vưởng sau lưng người mẹ ốm yếu với cặp mắt mở to vô hồn sau chuyến vượt biên hút chết dạo 2004 giờ như lột xác. A Dót ghé tai tôi nói khẽ: “Con người cùng cực nhất làng này giờ cũng có 1ha cao su, 1ha bời lời; sắp thoát nghèo rồi!”.

Chợt có cảm giác cái quá khứ buồn nẫu ruột của ngôi làng này chỉ là những lời đồn đoán hay là câu chuyện cổ tích đã quá xa xăm nào…

Ngọc Tấn (Ngọc Tấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem