Đó là các mẹ tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ tàn tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội).
Sống cuộc đời của con
Chị Đinh Thị Bình (phường Hữu Nghị, TP.Hòa Bình) có con năm nay 12 tuổi. Khi sinh ra, cháu cũng khôi ngô, bụ bẫm, khoẻ mạnh. Nhưng cơn sốt ác tính đã khiến cháu bị cứng cơ, bại não, vừa liệt, vừa ngơ ngẩn. Người chồng thấy con ốm đau đã bỏ đi khi con mới 2 tuổi.
Chị Bình đã chật vật kiếm sống để vừa chăm sóc, vừa lo thuốc thang cho con. 4 năm trước, chị đưa con đến Trung tâm Thụy An để bác sĩ khám chữa, luyện tập phục hồi chức năng. Giờ cháu đã nhúc nhắc được cánh tay, cũng nhanh nhẹn lên chút ít, chị cho con ở lại hẳn trung tâm.
|
Chị Đinh Thị Bình đang chăm sóc trẻ tại trung tâm. |
Bỏ việc lên sống với con chị cũng có chút thù lao từ việc chăm sóc những đứa trẻ khác do bố mẹ chúng không thể sống cùng con ở trung tâm. Cơm con ăn thừa thì chị ăn, còn tiền kiếm được chị mua thuốc thang bồi bổ cho con. Chị bảo: “Cho dù con chị tàn tật nhưng nó vẫn là hy vọng sống, là niềm an ủi và tình yêu của cả đời chị”.
Con chị Nguyễn Thị Phúc (phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái) cũng đã 10 tuổi, cũng nằm liệt giường sau một trận xuất huyết não. Chị đã sống xa nhà 3 năm, cùng con tìm lại chút hy vọng có thể vận động trở lại.
Tại trung tâm còn có hơn 20 ông bố, bà mẹ đã quên phần đời của mình để gắn chặt với các con từ 2-7 năm, là chân, là tay, là mắt, là tiếng nói của các con. Theo ông Đào Xuân Quyền – Trưởng phòng Tổ chức, trung tâm thường xuyên nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho khoảng 170-200 em khuyết tật đến từ 26 tỉnh, thành phía Bắc.
Có tận mắt nhìn thấy mới thấu hiểu được nỗi đau của các em. Những gương mặt ngây dại và nụ cười ngờ nghệch, những cái đầu không tròn, những cái miệng méo xệch, những đôi tay co cứng và những đôi chân hoặc mềm nhũn, hoặc cong vẹo thành 3-4 khúc. Các em chỉ có thể sống dựa vào người khác.
Chăm con người khác
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Vĩnh đã làm ở đây 11 năm. Chị trông nom 10 đứa trẻ bị bệnh nặng, nằm liệt hoặc ngồi trên xe lăn. Các em đều nhận biết kém, khó nuốt, hay quậy phá. Mỗi bữa, chị phải dành 2-3 tiếng để đút cho chúng ăn. Đứa thì la hét, quấy khóc, đứa phun phì phì đồ ăn vào mặt, đứa cứ đút cháo lại chảy hết ra cổ. Nhiều lúc, chị bị các con bôi cả phân vào mặt. Những đứa trẻ dậy thì cứ đến tháng thì phát cuồng, lao vào cấu xé.
Đa số các em mắc cùng lúc nhiều dạng khuyết tật như câm điếc, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động, vì thế việc chăm sóc, nuôi dưỡng, khám chữa bệnh cho các em rất khó khăn, tốn kém.
Mỗi ngày chị dành 15 giờ ở trung tâm để chăm trẻ, còn con chị đành gửi cho người khác trông. "Mệt lắm, nản lắm. Nhưng từ khi mình có con lại càng xót thương những đứa trẻ không may mắn. Chúng cũng chỉ biết trông cậy vào mình" - chị Vĩnh bùi ngùi. Tuy vất vả nhưng lương chị chỉ chưa đầy 2 triệu đồng/tháng.
Chị Đỗ Thị Tĩnh cũng đã sống ở trung tâm gần 30 năm. Dưới đôi bàn tay chị, có rất nhiều đứa trẻ đã được nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi. Có nhiều đứa trẻ bị cha mẹ đưa vào trung tâm, mỗi năm chỉ tạt qua một lần cho gói kẹo, bộ quần áo rồi vội vã đi. Thậm chí còn kinh sợ không dám bế con. Chị bảo, ngày còn trẻ, vào trung tâm, nhìn những hình hài dị dạng, vẹo vọ, chị cũng ngại lắm, nhưng càng gắn bó, chị càng thương cảm, xót xa.
Đa số các em mắc cùng lúc nhiều dạng khuyết tật như câm điếc, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động, vì thế việc chăm sóc, nuôi dưỡng, khám chữa bệnh cho các em rất khó khăn, tốn kém. Ông Quyền cho biết, 3 tháng gần đây, chế độ sinh hoạt phí của các em đã tăng từ 450.000 đồng lên 720.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện có đến 85 em đang cần học chuyên biệt (câm điếc, tự kỷ, thiểu năng) nhưng chỉ có 7 giáo viên. Các trang thiết bị dùng cho phục hồi chức năng, dạy nghề cũng đã quá cũ, lạc hậu nên việc phục hồi và dạy nghề cho các cháu chưa đạt được hiệu quả cao.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.