Những người nhận lãi ngoài tiền tỷ từ OceanBank có vi phạm hình sự?

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 13/09/2017 07:00 AM (GMT+7)
“Cùng là hành vi nhận tiền chi lãi ngoài từ OceanBank nhưng có nhiều hình thức. Người nhận tiền với tư cách là đại diện cho tổ chức đã mang tiền đi gửi, khi đem khoản tiền được hưởng từ chi lãi ngoài về nhập vào quỹ cơ quan và sử dụng cho mục đích chung thì hành vi này không có tội”, một chuyên gia pháp luật kỳ cựu nói với Dân Việt.
Bình luận 0

img

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai đem tiền tỷ đi chăm sóc các khách hàng lớn của OceanBank. (Ảnh: P.V)

Chối không có nghĩa là xong

Phiên tòa sơ thẩm xử Hà Văn Thắm và đồng phạm, sau 11 ngày xét xử đã kết thúc phần xét hỏi. HĐXX nghỉ 2,5 ngày, đến ngày 14.9, phiên xử sẽ tiếp tục. Điều đáng chú ý trong phiên tòa này là có hàng nghìn tỷ đồng của OceanBank được dùng để chi lãi ngoài cho khách hàng cho nhiều cá nhân và tổ chức gửi tiền.

Qua phần thẩm vấn của Tòa đến nay chỉ có trường hợp ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai nhận khoảng 20 tỷ đồng từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng GĐ OceanBank, còn nhiều trường hợp được Tòa thẩm vấn, cho đối chất với bị cáo nhưng họ đều khẳng định không hề nhận tiền.

Như trường hợp lãnh đạo của Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro, được triệu tập tới Tòa để đối chất với lời khai của các bị cáo nhưng cả Tổng GĐ đương nhiệm cũng như người vừa nghỉ hưu, Kế toán trưởng của Vietsovpetro đều phủ nhận chuyện nhận tiền.

Tương tự là trường hợp của những lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Ngoài việc phủ nhận chuyện nhận 19 tỷ đồng tiền chi lãi ngoài (lời khai của bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng GĐ OceanBank), họ còn cho rằng lời khai của bị cáo là bịa đặt.

img

Bị cáo Nguyễn Minh Thu khai chi 19 tỷ đồng tiền lãi ngoài cho lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. (Ảnh: P.V)

Trao đổi với Dân Việt, một chuyên gia pháp luật ở Hà Nội (người tham gia tố tụng trong vụ án OceanBank) cho rằng: Những người liên quan đến vụ án khi bị Tòa thẩm vấn họ từ chối hoặc khai có lợi cho mình đó là quyền của họ, pháp luật tôn trọng quyền đó, nghĩa là người đó không có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ buộc tội mình cho cơ quan tố tụng.

“Anh cứ việc từ chối vì đó là quyền của anh. Tuy nhiên nếu diễn biến cho thấy không phải chỉ có một bị cáo mà nhiều bị cáo cùng khai chi tiền lãi ngoài cho anh, bên cạnh đó không chỉ có lời khai mà còn có nhiều mối quan hệ khác có khả năng giúp cơ quan tố tụng chứng minh được có việc nhận tiền thì chắc chắn sự việc không chỉ dừng lại vì người liên quan đã chối không nhận”, vị chuyên gia này phân tích.

Nhận tiền chi lãi ngoài có vi phạm?

"Nếu người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn đem tiền của cơ quan đi gửi vào OceanBank nhằm lấy lãi suất ngoài, rồi đem khoản tiền đó sử dụng cho mục đích cá nhân thì đó là hành vi tội phạm”.

Cũng theo chuyên gia này, đối với khách hàng là cá nhân hoặc tổ chức đã gửi tiền vào OceanBank, khi họ nhận khoản tiền chi lãi ngoài, đó không phải là hành vi phạm pháp. 

"Thứ nhất, họ có thể nghĩ đó là chính sách của OceanBank. Thứ hai, đôi khi trong quan hệ dân sự có những cái không hợp lý nhưng ngay tình thì không phải là có lỗi. Ví dụ tôi gửi tiền vào ngân hàng, nhân viên mang tiền lãi ngoài đến thưởng, tôi không có nghĩa vụ phải so sánh mức thưởng, tỷ lệ thưởng bao nhiêu là hợp lý hay không để nhận, Pháp luật không bắt buộc phải làm điều đó”, vị chuyên gia nói.

Vẫn theo chuyên gia này, trường hợp cơ quan chức năng chứng minh được khách hàng là cá nhân hoặc tổ chức nhận tiền chi lãi ngoài của OceanBank thì phải có trách nhiệm hoàn lại.

“Cùng là hành vi nhận tiền chi lãi ngoài từ OceanBank nhưng có nhiều hình thức. Người nhận tiền với tư cách là đại diện cho tổ chức đã mang tiền đi gửi, khi đem khoản tiền được hưởng từ chi lãi ngoài về lại nhập vào quỹ cơ quan và sử dụng cho mục đích chung thì hành vi nhận tiền này không có tội. Nhưng nếu như người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn đem tiền của cơ quan đi gửi vào OceanBank nhằm lấy lãi suất ngoài, rồi đem khoản tiền đó sử dụng cho mục đích cá nhân thì đó là hành vi tội phạm”, vị chuyên gia phân tích.

Về trường hợp của ông Ninh Văn Quỳnh khai đã nhận khoảng 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng GĐ OceanBank để dùng cho việc riêng, vị chuyên gia khẳng định đó là hành vi vi phạm pháp luật, còn xử lý thế nào là câu chuyện sau.

Căn cứ để xác định điều này là ông Quỳnh sau khi nhận khoản tiền lãi ngoài từ OceanBank (do Nguyễn Xuân Sơn đưa - PV) đã biển thủ đi chứ không phải đem về cho tập thể.

Ông Quỳnh khai trước Tòa, trong khoảng 20 tỷ đồng nhận từ Nguyễn Xuân Sơn, đã dùng vào việc cá nhân như dùng 4,5 tỷ đồng cho con đi học, mua nhà ở TP.HCM hơn 3 tỷ đồng, mua xe ô tô 800 triệu đồng, mua cổ phần, cổ phiếu hết khoản 2 tỷ đồng, còn 9 tỷ đông gửi tiết kiệm.

“Nếu như nhận khoản tiền lãi ngoài từ OceanBank rồi coi đó như tiền thưởng, nhập vào quỹ của cơ quan, sử dụng đúng mục đích thì việc nhận tiền là không có tội. Còn biển thủ tiêu cho mục đích riêng như vậy là chiếm hữu cá nhân”, vị chuyên gia giải thích.

Theo cáo trạng, từ năm 2011 đến năm 2014, có hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại OceanBank và nhận các khoản chi lãi ngoài. Trong đó nhiều khách hàng gửi số tiền lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có vốn Nhà nước (chủ yếu thuộc PVN và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam).

Đến thời điểm phiên toà sơ thẩm được mở lần hai, mới có 19 tổ chức kinh tế thừa nhận hưởng hơn 3 tỷ tiền lãi ngoài của OceanBank. 124 tổ chức kinh tế không thừa nhận. Còn lại 249 tổ chức không có hồi âm với nhiều lý do như đã giải thể, ngừng hoạt động, đổi trụ sở, lãnh đạo là người nước ngoài đã về nước...

Số lượng khách hàng cá nhân nhiều người đã chuyển chỗ ở, hoặc đã chết gây khó khăn cho quá trình điều tra. Trong 105 người được triệu tập, chỉ 47 người khai nhận quà tặng của OceanBank nhưng ít người nộp lại tiền. Nhiều người không nộp lại tiền với lý do việc chi trả tiền đúng hay sai là trách nhiệm của ngân hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem