Những người Syria sống nhờ rác của quân đội Mỹ

Thứ tư, ngày 01/02/2023 16:49 PM (GMT+7)
Nhiều người dân nghèo Syria đang phải tìm kiếm thức ăn thừa trong bãi rác của quân đội Mỹ để sống qua ngày trong bối cảnh điều kiện kinh tế ở đây khó khăn.
Bình luận 0

 

Những người Syria sống nhờ rác của quân đội Mỹ - Ảnh 1.

Đó không phải là cuộc sống mà Alia, 25 tuổi, mong muốn các con sẽ trải qua. Trong ba năm qua, mỗi ngày cô đều khởi hành từ 7h và đi bộ hai tiếng cùng con gái Walaa, 12 tuổi, đến bãi rác ở Tell Beydar, phía Đông Bắc Syria.

Walaa chào đời khi mẹ mới ở tuổi thiếu niên. Là con gái lớn trong nhà, cô bé không được đi học và phải chăm sóc các em. Mỗi ngày khi họ trở về vào lúc Mặt Trời lặn, gia đình họ gần như sắp chết đói.

“Tôi luôn mơ ước các con gái sẽ được học hành như những đứa trẻ khác. Nhưng bây giờ chúng cũng như tôi, không biết đọc hay biết viết”, cô nghẹn ngào.

Gia đình Alia nằm trong số khoảng 15,3 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo, cần viện trợ nhân đạo sau hơn một thập kỷ nội chiến ở Syria. Số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc cho thấy 4/5 số người này không có đủ lương thực, theo BBC.

Nguồn thức ăn duy nhất

Bãi rác của quân đội Mỹ là nguồn thực phẩm và thu nhập duy nhất của gia đình Alia. “Mọi người khiến chúng tôi xấu hổ, họ gọi chúng tôi là những kẻ rác rưởi”, cô chia sẻ.

"Chúng tôi ở đây để tìm thịt, thức ăn vì chúng tôi đói", cô bé Walaa nói.

Tại vùng Đông Bắc Syria hiện do lực lượng người Kurd kiểm soát, cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tàn phá nền kinh tế địa phương.

Tình trạng hạn hán trầm trọng và điều kiện kinh tế khó khăn càng khiến Alia trở nên tuyệt vọng. Chồng cô từng làm thuê trong một nông trại. Nhưng khi anh qua đời 10 năm trước, gia đình đã kiệt quệ.

Những người Syria sống nhờ rác của quân đội Mỹ - Ảnh 2.

Một thiếu niên tìm thức ăn sót lại trong bãi rác ở khu vực phía đông bắc Syria. Ảnh: BBC.

Mỗi khi xe tải đến bãi rác, bọn trẻ sẽ lao đến. Amer, 15 tuổi, cũng là một trong số đó. Cậu lục lọi đống túi rác màu đen để tìm những miếng thịt gà còn sót lại. Một tay gặm xương, tay còn lại không ngừng bới đống rác.

"Nếu có công việc, tôi sẽ đi làm ở nơi khác. Nhưng tôi chẳng còn gì để làm", Amer nói.

Cậu thiếu niên này là trụ cột duy nhất trong gia đình 11 người. Mỗi ngày cậu kiếm được khoảng 3.000-5.000 bảng Syria (tương đương 1-2 USD) từ việc bán rác thải nhựa, nhưng số tiền này không đủ để nuôi sống gia đình.

"Mọi thứ trở nên khó khăn sau cuộc chiến. Chúng tôi thậm chí không đủ tiền mua bánh mì", Amer trải lòng. Anh trai của Amer từng chiến đấu cho quân đội Mỹ chống lại lực lượng IS trong khu vực.

Gần đây, người anh trai bị thương khi tuần tra và hầu như không thể kiếm đủ tiền chu cấp cho gia đình. “Người Mỹ nên làm nhiều hơn nữa để giúp chúng tôi”, Amer nói thêm.

Nhiều trở ngại

Quân đội Mỹ lần đầu tiên mở các cuộc không kích tại Syria vào tháng 9/2014, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Khi ấy, IS đang trên đà mở rộng nhanh chóng tại Iraq và Syria, theo CNN.

Tại Syria, đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - tổ chức do người Kurd lãnh đạo và hoạt động mạnh mẽ ở khu vực Đông Bắc đất nước. Đến năm 2019, Mỹ tuyên bố chiến thắng nhóm thánh chiến ở nước này.

Khu vực này hiện được quản lý bởi chính quyền đa sắc tộc do người Kurd lãnh đạo, nhưng cuộc sống khác xa bình thường.

Những người Syria sống nhờ rác của quân đội Mỹ - Ảnh 3.

Walaa, 12 tuổi, nhặt rác ở Tell Beydar, Đông Bắc Syria. Ảnh: BBC.

“Những gì đang xảy ra ở vùng Đông Bắc là kết quả hiển nhiên từ các điều kiện ngày càng xấu đi trong nước”, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ phụ trách các dự án phát triển trong khu vực, cho biết và yêu cầu giấu tên để đảm bảo an toàn.

Các vùng đất nông nghiệp và mỏ dầu rộng lớn ở Đông Bắc từng là nguồn thu nhập chính của Syria. Giờ đây, giá lương thực tăng chóng mặt, các mối đe dọa an ninh và dân số tăng gấp đôi do hàng trăm nghìn người di dời đến khu vực này đã làm tăng tỷ lệ nghèo đói.

Nhiều người hiện sống phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, nguồn tài trợ khan hiếm và những hạn chế về hậu cần đồng nghĩa họ không thể tiếp cận hàng hóa viện trợ.

Liên Hợp Quốc đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa viện trợ vào khu vực này, đặc biệt là sau khi không thể thông qua nghị quyết cho phép chuyển hàng qua cửa khẩu biên giới Iraq vào năm 2020. Điều đó có nghĩa người dân Đông Bắc Syria phải sống dựa vào các chuyến hàng thông qua chính phủ.

Nhưng ngay cả khi đến Syria, phần lớn hàng viện trợ đều được gửi đến các trại dành cho người di cư và những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến sự, chẳng hạn Raqqa và Deir al-Zour. Các khu vực nông thôn ở giữa, chẳng hạn những ngôi làng xung quanh Tell Bayda, đều bị bỏ qua.

Trong bối cảnh đó, nhà báo Hamza Hamki, từ thành phố Qamishli, cho biết ngày càng có nhiều người phải đến các bãi rác để kiếm thức ăn. "Mọi người cần các dự án phát triển. Họ cần tái thiết. Nhưng những dự án này không thể triển khai, khiến tỷ lệ nghèo đói gia tăng", ông nói.

Các mối đe dọa an ninh liên tục cản trở mọi kế hoạch tài trợ cho các dự án tái thiết. Vào năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động cuộc tấn công quân sự nhằm đánh bật lực lượng SDF khỏi dải lãnh thổ dọc biên giới Syria ở phía Tây Tell Baydar.

Vào tháng 11/2022, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng bất ngờ để ngỏ khả năng đưa lực lượng trên bộ vào lãnh thổ Syria để đối đầu với dân quân người Kurd, theo Reuters.

Lực lượng SDF - do Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) lãnh đạo - bị Ankara liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là cánh tay kéo dài của đảng Công nhân người Kurd (PKK) và nói rằng sự hiện diện của dân quân ở các khu vực biên giới tạo ra mối đe dọa an ninh.

Các dự án tái thiết ở Syria cũng đối mặt với nguy cơ IS trỗi dậy. Sự hiện diện của khoảng 900 lính Mỹ ở Syria giúp chống lại những mối đe dọa này nhưng vẫn chưa rõ các căn cứ của Mỹ sẽ duy trì hoạt động trong bao lâu.

"Nếu Mỹ rút quân, toàn bộ khu vực này sẽ rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ hoặc chính phủ Syria trong không quá 24 giờ", ông Hamki nói, đồng thời khẳng định cả hai kịch bản sẽ có tác động nghiêm trọng đối với người dân trong khu vực.

Trong khi đó, những đứa trẻ như Amer và Walaa vẫn không biết gì ngoài chiến tranh và tuyệt vọng. "Tôi ước chúng tôi có nhiều tiền hơn một chút để có thể đi học và làm việc. Đó là tất cả những gì tôi muốn", Amer chia sẻ.

 

Hải Linh (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem