Những nhân viên y tế không dám nghỉ ngơi trong khu điều trị Covid-19

PV (Bộ Y tế) Thứ hai, ngày 26/07/2021 18:38 PM (GMT+7)
Tại khu điều trị Covid-19, nếu bên ngoài khẩn trương 1 thì bên trong các Khu Hồi sức tích cực còn khẩn trương gấp 10 lần, 100 lần.
Bình luận 0

Cuộc chiến thầm lặng trong khu Hồi sức Covid-19

Ở Khu Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19, các bác sĩ không dám nghỉ ngơi, rời mắt khỏi bệnh nhân. Vì chỉ lơi lỏng một tẹo, lơ là chút là có thể bệnh nhân sẽ trở nặng, nguy kịch... 

Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Dương được trưng dụng trở thành khu điều trị Hồi sức tích cực (ICU) - nơi đang điều trị hơn 170 bệnh nhân, là những bệnh nhân Covid-19 nặng nhất từ các nơi chuyển về. Các bệnh nhân đều rất nặng, cần theo dõi liên tục. Điều này khiến nhân viên y tế tại đây di chuyển liên tục trong ca trực. 

BS Nguyễn Thị Kim Thành - Trưởng ca trực nhanh chóng tới đỡ một bệnh nhân muốn uống nước dậy. Bệnh nhân đang được thở oxy, khá khó khăn khi ngồi dậy nếu không được trợ giúp. Trong phòng, có khá nhiều bệnh nhân tỉnh táo nhưng mệt mỏi vì bệnh tật, vì oi bức. 

Một bệnh nhân tâm sự: “Chỉ mong sao các bác sĩ sớm chữa cho tôi khỏi bệnh, ở đây có mấy bữa mà chứng kiến cảnh nhiều người phải chuyển qua phòng bên kia trong trạng thái hôn mê tôi sợ lắm, nhiều đêm không ngủ được. Bệnh này diễn biến nhanh ghê, các cô chú cũng phải cẩn thận đó”.

Nằm ở phòng bên kia là những bệnh nhân Covid-19 đã rất nặng, hôn mê, phải thở máy. Phòng bệnh vắng tiếng người, chỉ còn tiếng máy móc đua nhau kêu tít tít đến lạnh người. 

Các bác sĩ vội vã chăm sóc cho 1 bệnh nhi mới 11 tuổi nhưng có bệnh lý nền suy thận mạn, sức khỏe rất yếu. Điều dưỡng cầm khăn lau từng bộ phận, kẽ chân, kẽ tay cho bệnh nhân, người khác lại xoay bệnh nhân thay đổi tư thế cho đỡ mỏi khi phải nằm lâu một chỗ, một bác sĩ khác đang phối hợp cùng đồng nghiệp tiến hành các bước để cai máy thở cho bệnh nhân.

Ở nơi đây, các bệnh nhân không có người nhà bên cạnh, tất cả chỉ có thể dựa tất cả vào các bác sĩ, điều dưỡng. 

Những nhân viên y tế không dám nghỉ ngơi trong khu điều trị Covid-19 - Ảnh 2.

Bệnh nhân Covid-19 không có người nhà ở bên, mọi việc đều nhờ nhân viên y tế. Ảnh tại Khu Hồi sức ICU Bình Dương. Ảnh: BYT

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thành cho biết: “Cả bệnh nhân nhi và bệnh nhân lớn tuổi đều do nhân viên y tế chăm sóc 100% vệ sinh cá nhân và sinh hoạt hàng ngày. Khối lượng công việc với chúng tôi có đôi chút áp lực khi vừa điều trị vừa làm việc bên lề. 

Tuy nhiên, bên cạnh chúng tôi còn có một ê-kip các bác sĩ khác tuy không trực tiếp điều trị ở đây nhưng thường xuyên hỗ trợ về chuyên môn, nếu có trường hợp nặng quá chúng tôi phải liên hệ với cả BV Chợ Rẫy. 

Hàng ngày chúng tôi vẫn thường xuyên động viên nhau, kể cả những anh chị không trực tiếp công tác tại đây cũng gọi điện thăm hỏi”.

Bác sĩ Thành vui vẻ khoe, có một bà cụ lớn tuổi nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến nhanh, tuy nhiên sau thời gian tích cực điều trị, hôm nay bệnh nhân này đã cai máy thở thành công. "Đó chính là nguồn động lực lớn để chúng tôi cố gắng, nỗ lực hơn nữa”, bác sĩ Thành cho biết. 

Không thể nghỉ ngơi khi còn bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc

Lọt thỏm giữa những chiếc máy, ống chuyền, dây dợ, điều dưỡng Nguyễn Thị Lài đang cẩn thận chỉnh từng bình chuyền, từng sợi dây, trên chiếc giường ga trắng, bệnh nhân đã không còn tỉnh táo, từng hơi thở khó nhọc hiện lên trên phần bụng đầy các loại ống và thiết bị cảm biến.

Tiến về phía chiếc giường nơi có một bệnh nhi chỉ mới 4 tháng tuổi, điều dưỡng Lài vừa cầm chiếc bình bú nhỏ xíu vừa dỗ dành: “Ngoan nào, cố lên con”. Vì lượng đờm trong cơ thể còn nhiều, bệnh nhi bú được chút lại ho, điều dưỡng Lài nhanh chóng xoay lưng bệnh nhi rồi “vỗ ợ”. Cứ cần mẫn như vậy tới khi bệnh nhi hết bình sữa, điều dưỡng Lài mới thở phào nhẹ nhõm.

Những nhân viên y tế không dám nghỉ ngơi trong khu điều trị Covid-19 - Ảnh 3.

Nhân viên y tế ở đây không thể nghỉ ngơi khi còn bệnh nhân cần giúp đỡ. Ảnh tại Khu Hồi sức ICU Bình Dương. Ảnh: BYT

Nhìn hình ảnh bé trai mới chỉ 4 tháng tuổi không người thân bên cạnh, trên người đầy những vết bầm, dây chuyền, ống cắm chằng chịt, chắc hẳn bất kỳ ai cũng không khỏi chạnh lòng.

Điều dưỡng Lài luôn chân luôn tay quanh giường bệnh, vừa chia sẻ: “Thương lắm, em bé dương tính, khi nhập viện trên người nhiều vết bầm, lại không đáp ứng với thuốc điều trị, tiên lượng nặng, việc uống sữa hàng ngày cũng gặp nhiều khó khăn. 

Tôi thay mẹ bé làm hết mọi việc từ bỉm, sữa đến thay tã hay vệ sinh cho bé, lúc này tôi không chỉ là bác sĩ mà còn phải tận tâm chăm sóc như con của mình vậy”.

Điều dưỡng Lài tâm sự, trước kia chỉ có mình chị phụ trách bệnh nhi, nhiều khi muốn đi vệ sinh hay tranh thủ nghỉ ngơi cũng cứ bồn chồn lo lắng không biết trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy liệu có chuyện gì xảy ra không. Mãi gần đây có thêm đồng nghiệp tới hỗ trợ, chị mới có thể yên tâm mỗi khi tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống. 

Không chỉ bận rối rít với các bệnh nhân, các điều dưỡng, nhân viên y tế ở đây hàng ngày phải điện thoại thông báo tình hình sức khỏe của bệnh nhân với người nhà của họ. Các chị hiểu, ở nơi này các chị bận rộn, mệt mỏi nhưng ngoài kia, người thân của những người bệnh đang mòn mỏi chờ đợi, trông ngóng thông tin từ cha, mẹ, anh, chị em, con của họ. 

Thật khó khăn khi mẹ già, con dại bị ốm nặng mà con cái, cha mẹ lại không thể ở bên. 

Những tiếng tít tít liên tục kêu như nhịp tim khẩn thiết cầu cứu, như đồng hồ thúc giục khiến những nhân viên y tế ở đây tiếp tục nỗ lực, tranh thủ từng giây từng phút để chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem