Những phong tục Tết “lớp trẻ lạ lẫm, người già nuối tiếc”

Phương Hà tổng hợp Thứ năm, ngày 15/02/2018 12:49 PM (GMT+7)
Theo thời gian và sự phát triển của xã hội, sự thay đổi về phong cách sống, phong tục đón Tết cổ truyền của Việt Nam đang dần thay đổi để phù hợp với thời đại.
Bình luận 0

Mỗi khi Tết đến, xuân về, không ít người cao tuổi chạnh lòng nhớ tiếc khi nghĩ về Tết xưa, nhớ đến những phong tục mang đậm nét văn hóa truyền thống đã không còn bóng dáng trong Tết nay. Trong khi đó, với lớp trẻ, có những phong tục chỉ được biết đến khi “nghe các cụ kể lại”. Những phong tục ấy tuy là nét văn hóa đẹp nhưng một số đã dần không còn phù hợp với xã hội hiện đại.

Hát sắc bùa

Hát sắc bùa là một thể loại âm nhạc đặc sắc của người dân miền Nam Trung Bộ Việt Nam.

Theo tục lệ xưa, vào những ngày Tết, một vị trưởng đoàn sẽ dẫn theo một đoàn nam đến các nhà vừa hát vừa gõ trống. Các bài hát sắc bùa mang nội dung ca ngợi mùa xuân, ca ngợi chủ nhà và chúc chủ nhà một năm mới an lành thịnh vượng.

img

Khi phường sắc bùa đến, chủ nhà bao giờ cũng mở cửa đón và phát lì xì để hai bên cùng gặp hên

Khi phường sắc bùa đến, chủ nhà bao giờ cũng mở cửa đón và phát lì xì để hai bên cùng gặp hên.

Gánh nước ngày Tết

Trong nông nghiệp, quan niệm của người Việt cổ là: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Theo quan niệm ấy, để năm mới thịnh vượng, phát đạt, trước lúc giao thừa, nước trong nhà phải tràn ngập các bể, chum, vại, gạo phải đong đầy các sạp, các hũ, thức ăn phải dồi dào trong nhà bếp. Lý do không phải vì chợ không họp vào ngày Tết mà là đầu năm, gia đình cần gì có nấy.

Vì vậy, không phải một nhà mà cả làng, cả xã, phải chăm lo gánh nước về cho đủ 3 ngày Tết.

Cùng vì lẽ đó, sau giao thừa, có những người đã tự động gánh nước đến cho mỗi nhà với ý rằng: “Đem tiền của vào nhà như nước cho gia chủ” cùng những câu chúc tụng vui vẻ. Gia chủ thấy vậy cũng vui vẻ trả tiền công, có khi còn thưởng rất hậu hĩnh.

Hương lộc

Theo quan niệm, ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt, may mắn. Lấy lửa từ các nơi thờ tự mang về, tức là xin Phật, Thánh phù hộ cho gia chủ được phát đạt tốt lộc quanh năm.

Vì thế, từ xưa, nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái lộc cành cây, lại xin lộc tại các đình đền chùa miếu. Họ đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về nhà, cắm trên bàn thờ gia tiên hoặc bàn thờ Thổ Công.

Trong lúc mang nấm hương từ nơi thờ tự trở về, nếu gặp gió, nắm hương bốc cháy sẽ được coi là điềm tốt báo trước sự may mắn trong năm.

Treo tranh Đông Hồ

Trước kia, mỗi dịp Tết đến xuân về, trên vách nhà của mỗi gia đình không thể thiếu tranh Đông Hồ báo hiệu năm mới cùng cuộc sống sung túc ấm no đang đến gần.

img

Tranh mẹ con đàn lợn âm dương tượng trưng cho cuộc sống no ấm

Tranh Đông Hồ là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (Bắc Ninh).

Mỗi bức tranh dân gian đều mang một ý nghĩa nhân sinh riêng, biểu hiện nhiều góc độ tâm trạng của con người. Như tranh vẽ đàn gà tượng trưng cho tình mẫu tử và sự sum họp đông vui. Tranh mẹ con đàn lợn âm dương tượng trưng cho cuộc sống no ấm…

Lạy sống ông bà

Theo phong tục xưa, sáng mồng 1 Tết, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng.

Năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên. Con cháu đến chúc Tết, việc đầu tiên là phải vào quỳ lạy sống các cụ và ông bà 2 lạy. Hành động này bày tỏ lòng tôn kính chân thành với tất cả tâm hồn và thể xác đối với các bậc sinh thành.

Tục kiêng ăn rau cần ngày Tết

Tương truyền, một mùa xuân, Hùng Vương thứ 8 trẩy quân đánh giặc tới Cao Xá thì trời vừa tối. Ba quân bụng đói chân mỏi mà lương thực lại cạn.

Lúc ấy, một bà cụ nghèo khó tên Cần mạnh dạn dâng lên một giống cỏ nước có đốt, vốn chỉ dành để nuôi lợn. Nghĩ rằng dám dâng cỏ nuôi lợn cho vua ăn là trọng tội, nên vừa dâng vua xong, bà tự vẫn. Ai ngờ, nhờ loại cỏ ấy, quân sĩ no bụng, đánh tan lũ giặc.

Thắng giặc trở về, nhà vua vô cùng thương tiếc người đàn bà nghèo khó có tấm lòng cao đẹp và trung nghĩa, bèn sai lập đền thờ bà và truyền từ nay trở đi lấy tên bà đặt cho giống rau cỏ đó.

Cũng vì lẽ đó, hằng năm, từ mồng 1 tới mồng 6 Tết, người dân không được ăn rau cần để tưởng nhớ công lao của bà.

Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy

Theo tục xưa truyền lại, sáng ngày mồng 1 Tết, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ về bên nội để chúc thọ cha mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên để tỏ lòng thành kính.

Đến mồng 2 Tết, vợ chồng con cái lại sang chúc Tết bên nhà ngoại.

img

Chúc Tết là một nét đẹp truyền thống trong những ngày Tết Nguyên đán của người Việt Nam

Sang ngày mồng 3, người Việt thường dành riêng đi lễ Tết thầy giáo với tinh thần tôn sư trọng đạo. Đây là dịp để những người con yêu chữ, yêu thầy bày tỏ tình cảm.

Ngày nay, với nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình không còn giữ thói quen chúc Tết theo thứ tự trên nữa mà sắp xếp sao cho phù hợp với hoàn cảnh, địa điểm và thời gian.

Tục đốt pháo lúc giao thừa

Trước kia, pháo là thứ không thể thiếu được trong đêm giao thừa. Tiếng pháo râm ran từ nhà nọ sang nhà kia báo hiệu 1 năm cũ đã qua và năm mới bắt đầu.

Tuy nhiên, việc đốt pháo đã gây nên quá nhiều hậu quả đáng tiếc. Từ ngày 1/1/1995, Chính phủ đã ra chỉ thị cấm đốt pháo. Thay vào đó, ngày nay, tại các tỉnh, thành phố vào lúc 0h ngày mùng 1 Tết, pháo hoa sẽ được bắn để đón chào năm mới.

Tại sao cây nêu ngày Tết được dựng bằng tre?

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình dựng cây nêu trước nhà với mong muốn mang lại điều tốt đẹp và xua đuổi quỷ dữ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem