Những tác phẩm dưới bút danh đàn ông của 3 nữ nhà văn nổi tiếng

Phan Lê Thứ tư, ngày 25/03/2015 09:19 AM (GMT+7)
Những tác phẩm của 3 chị em nhà Bronte được công nhận là những tác phẩm đầu tiên công khai viết về nữ quyền trong lịch sử.
Bình luận 0

Tuy có cuộc đời ngắn ngủi, ba chị em nhà Bronte - Charlotte, Emily, Anne đều ghi tên mình vào lịch sử văn học bằng những tác phẩm táo bạo. Tuy có sự khác nhau đáng kể trong những câu chuyện của ba chị em, những tác phẩm nổi tiếng nhất của các bà đều thể hiện hình tượng người phụ nữ vượt qua những rào cản của truyền thống lạc hậu, đấu tranh vì quyền sống hạnh phúc của mình.

1. Jane Eyre – người nữ anh hùng bình dân

Năm 1847, cả ba tiểu thuyết của ba chị em Bronte được xuất bản dưới bút danh nam giới Currer, Ellis và Acton Bell. Trong đó, Jane Eyre của Charlotte Bronte – người chị cả - là tác phẩm nhận được nhiều lời khen ngợi nhất, nhanh chóng trở thành best - seller của thời gian đó.

Charlotte đã tự nói về tác phẩm của mình, sau khi bà công khai danh tính thật: “Tôi sẽ cho các bạn thấy một người anh hùng cũng đơn giản, bình dị và không xinh đẹp như chính tôi vậy”. Đúng vậy, ba chị em nhà Bronte không được mô tả như những người đẹp nhất, hay có thần sắc vui tươi nhất. Nhưng họ có tình cảm nồng hậu, trí tưởng tượng sinh động cùng cách kể chuyện tài tình, là những vẻ đẹp tỏa sáng qua những tác phẩm để đời của họ.

img
Jane Eyre được đưa lên màn ảnh năm 2011 với Mia Washikowska trong vai Jane và Micheal Fassbender trong vai Rochester

 

Jane Eyre kể về một người nữ gia sư với vẻ ngoài đơn điệu, ít nói, bình dị. Bố mẹ mất sớm, cô được gửi cho người mợ độc ác nuôi, và gửi đi học nội trú từ bé. Công việc đầu tiên mà Jane nhận được khi ra trường là làm gia sư cho con gái của Rochester. Từ đây, hành trình của Jane bắt đầu. Những phẩm chất và chiều sâu nội tâm của Jane được Rochester nhận ra. Hai tâm hồn đồng điệu và tôn trọng nhau nhanh chóng yêu nhau sâu đậm, nhưng bi kịch xảy ra vào ngày cưới của cô: quá khứ đen tối của ông chủ Rochester bị phơi bày. Jane phải lựa chọn giữa tình yêu và niềm tin vào lẽ phải của mình.

Câu truyện của Jane Eyre được các nhà phê bình rất thích thú. Một cô gái gia sư không có địa vị hay của cải gì, được một người đàn ông giàu có yêu thương, hứa chu cấp cho tất cả,  nhưng cô lại dám bỏ lại tất cả vì đạo lí và chính nghĩa, chứng tỏ Charlotte Bronte đề cao lòng dũng cảm của những phụ nữ bình dị trong cuộc sống. Chính họ, những người phụ nữ đơn giản ấy mới là những người đáng khâm phục nhất.

Trong truyện, Jane Eyre cũng tự đứng ra lập một trường dành cho nữ sinh – một ước mơ chính Charlotte Bronte đã theo đuổi nhưng không thành công. Ngược lại với ngoài đời, Charlotte đã để cho Jane được những học sinh rất yêu quý. Có lẽ, với Charlotte, các cô gái hơn ai hết, dù ở tầng lớp nào, đều cần có học vấn và hiểu biết về cuộc đời. Đây là một quan điểm rất tân tiến, thường hưởng từ quan điểm giáo dục cởi mở và hiện đại của bố cô, học giả Patrick Bronte.

Charlotte cũng phát biểu quan điểm của mình về tình yêu, thông qua sự từ chối của Jane với nhà truyền đạo John River. Khi được John River cầu hôn, dù không có tình cảm gì với Jane, và dù chính Jane đã chỉ mong muốn trở thành em gái và đồng hành với tư cách một người truyền đạo, anh ta vẫn khăng khăng “Nhận thấy những khả năng trở thành một người vợ hi sinh” của Jane, và hi vong sau khi lấy “Từ từ tình cảm sẽ nảy sinh”.

Jane Eyre đã phản đối theo cách thẳng thắn và tôn trọng nhất, nói rõ những quan điểm của Charlotte: một đám cưới cần phải có tình yêu, và không người đàn ông nào thực sự yêu người phụ nữ của mình sẽ trói buộc cô vào những điều trái với bản chất của cô gái đó.. Người phụ nữ chân chính, với Charlotte, cần phải có tài sản của riêng mình, có học thức, có đạo đức, và đặc biệt không bao giờ sống giả dối với lòng mình.

Jane Eyre, với những nỗ lực được sống đúng nghĩa, cuối cùng được gặp lại người mình yêu, và toàn tâm toàn ý cho một cuộc sống hạnh phúc. Đó là lựa chọn của riêng từng người phụ nữ.

2.  Katherine – ngọn lửa của sức sống hoang dã

Đồi gió hú, tác phẩm của Emily, lại gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều.

Một mặt, các nhà phê bình rất thích cách kể chuyện của tác phẩm. Đồi gió hú được tường thuật lại ở ngôi thứ nhất, kể lại những điều tai nghe mắt thấy của nhân vật chính cũng như của bà quản gia già trung thành. Cách dẫn truyện và những suy nghĩ của nhân vật chính rất gần gũi, làm người đọc bị cuốn vào câu truyện của nhân vật, đi theo từng bước chân nhân vật, trở thành nhân vật. Các nhà phê bình cũng khen ngợi những chi tiết cực kì cụ thể, cho thấy một trí tưởng tượng mạnh mẽ, sinh động.

img
Đồi gió hú năm 2011, phiên bản đã sử chọn một diễn viên da màu cho vai diễn Heathcliff

 

Tuy vậy, các nhân vật nói chuyện và hành động quá sức bạo lực, gây phản cảm cho người đọc. Đặc biệt, cách hành xử đầy bạo ngược của các nhân vật làm nhiều nhà phê bình không tin câu chuyện có thể thực xảy ra. Họ gọi đây “rõ ràng là sản phẩm của tâm trí một người đàn ông thô bạo”.

Giá trị của tác phẩm này chỉ được công nhận khi càng ngày, càng có nhiều độc giả thừa nhận không thể quên được tác phẩm này. Câu chuyện về tình yêu sâu sắc và cả thù hận giữa Katherine và Heathcliff để lại nhiều dấu ấn và cả những câu hỏi trong lòng độc giả. Nhiều độc giả đã nói, dù họ không thể ngay lập tức hiểu được vì sao những nhân vật đó lại hành xử như vậy, họ dần dần cảm thấy đồng cảm với nhân vật, và vẫn tò mò muốn được hiểu thêm.

Katherine trong truyện chính là hình tượng về nguồn sức sống – niềm cảm hứng để sống của mỗi con người, mỗi vùng đất. Một cô gái mạnh mẽ, lớn lên hoang dại, luôn biết mình cần làm gì để có thể tồn tại, nhưng trái tim lại luôn mách bảo một điều khác. Katherine và Heathcliff là biểu tượng cho sức sống bản năng, bị giằng xé giữa mong muốn và thực tại khắc nghiệt. Heathcliff còn là đại diện cho những con người tốt nhưng bị nuốt chửng bởi thù hận và giận dữ bởi chính xã hội bất công gây nên.

Cuốn sách thu được một lợi nhuận đáng kể so với các tác phẩm của những nhà văn vô danh khác, một thành công chưa có tiền lệ trong thời kì này ở Anh Quốc. Agnes Grey của Anne Bronte, được kể như phần tiếp theo của câu chuyện, nhận được đánh giá trung lập.

Thực sự, Đồi gió hú của Emily có một tầm giá trị khác với Jane Eyre của Charlotte. Trong khi Jane Eyre là một câu truyện thực tế, Đồi gió hú bắt người đọc phải đối diện với những mặt xấu xa của con người: định kiến, bạo lực, bản chất con người bị rượu chè hủy hoại, làm cho thối nát đi. Nhưng rồi bên kia cơn bão vẫn sẽ có tình yêu và cuộc sống đang chờ sẵn những kẻ lạc lối, chỉ cần họ biết quay về và vun đắp cho chúng.

3. Người tá điền và câu chuyện thách thức cả luật pháp

img
Người tá điền vùng Wildfell tái bản

 

Người tá điền vùng Wildfell là tác phẩm cuối cùng của Anne trước khi cô qua đời. Lúc đầu bị chính Charlotte coi là một thất bại, tác phẩm của Anne cuối cùng lại trở thành kinh điển, sánh vai cùng các tác phẩm của các chị cô.

Được coi là tác phẩm đầu tiên về nữ quyền, Người tá điền vùng Wildfell đã xây dựng những tình tiết “gây sốc” với luật lệ thời bấy giờ. Câu truyện kể về Helen - một người phụ nữ bí ẩn, mới chuyển đến làng của nhân vật chính cùng người con trai. Tuy hai người có tính cảm với nhau, nhưng Helen kín tiếng về bản thân mình và có nhiều điều mờ ám trong cách hành xử. Cuối cùng, khi có nguy cơ bị hiểu nhầm, Helen bày tỏ tình cảm và tình cảnh của mình trong một bức thư chiếm phần lớn dung lượng cuốn sách.

Helen đã tự ý bỏ người chồng rượu chè, thô bạo của mình, một điều đi ngược lại luật pháp thời bấy giờ, để có thể dạy dỗ con trai nên người. Cô tự nuôi sống mình bằng nghề họa sĩ, và cô rất có tài. Tuy vậy, luật lệ nước Anh quy định: khi một người phụ nữ lấy chồng, cô ta và mọi thứ tài sản của cô ta đều thuộc về chồng. Chỉ có người chồng mới có quyền li dị. Kể cả khi đã bỏ đi, người vợ vẫn có thể bị “đòi về”. Hành động đưa con đi có thể bị coi là “bắt cóc”, và việc bán sức lao động của chính mình bị coi là “ăn cắp” của chồng.

Ngược lại với luật lệ đó, Anne đã hợp thức hóa những hành động trái luật pháp này bằng hình ảnh một người chồng bê tha, không chỉ hay say xỉn mà còn luôn thô bạo, cùng với đám bạn của mình làm tình làm tội Helen.

Khi đứa con trai cũng bắt đầu học theo bố, Helen như bị giọt nước làm tràn ly, quyết tâm chạy trốn khỏi người chồng vũ phu của mình. Hình ảnh người chồng có lẽ được lấy cảm hứng từ chính sự suy đồi của người anh trai Branwell yêu quý. Quá đau lòng vì những gì đã chứng kiến, Anne đã tạo nên hình ảnh sống động nhất về sự hủy hoại mà rượu chè có thể gây ra.

Tuy vậy, cuối cùng, cô vẫn cho Helen về chăm sóc chồng trong những ngày cuối đời của hắn, theo đúng nghĩa tình của một người phụ nữ, khi anh ta đã mắc bệnh chẳng còn sống được bao lâu. Dù vậy, Helen không bao giờ chấp nhận làm một người vợ đúng nghĩa. Cuối cùng, sau khi chồng qua đời, khi Helen trở thành bà chủ của một gia sản đủ để sống sung túc, cô được đoàn tụ với người mình yêu và ở bên nhau trọn đời.

---

Ba chị em nhà Bronte, cũng như các tác giả khác, đã đưa đến niềm hạnh phúc cho các nhân vật của họ dù chính họ không tìm được tình yêu ngoài đời thực - những người xứng đáng được hưởng hạnh phúc sau bao cố gắng. Và cũng nhờ vậy, những tác phẩm của ba chị em nhà Bronte đã tạo ra hi vọng và cảm hứng cho những thế hệ tiếp theo, tiếp thêm cho họ động lực để tin yêu cuộc sống, tiếp tục cố gắng để được sống thật với bản thân mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem