Những “thành công đất ngoại, thất bại quê nhà” của tỷ phú Mỹ gốc Việt

Thứ sáu, ngày 19/09/2014 16:58 PM (GMT+7)
Trong vài ngày trở lại đây, việc đại gia gốc Việt Hoàng Kiều có tên trong danh sách 1.000 tỷ phú thế giới của Forbes với tài sản “kếch xù” lên tới 2,8 tỷ USD đã khiến không ít người ngỡ ngàng. Trước đây dư luận trong nước cũng biết đến cái tên Hoàng Kiều, nhưng điều đáng nói là … lại gắn với những dự án thất bại trên chính quê hương.
Bình luận 0

img

Tỷ phú gốc Việt Hoàng Kiều.

Trước hết, cần phải nói rằng, sự thành công và giàu có của ông Hoàng Kiều ở nước ngoài là không thể phủ nhận. Tỷ phú này được biết đến là Giám đốc của Shanghai RAAS (Shanghai Rare Antibody Antigen Supply Inc) - công ty cung ứng các sản phẩm quý hiếm trong ngành huyết học như kháng thể, kháng nguyên, huyết thanh... với 1.000 nhân viên, trong đó 80% có bằng đại học, nhiều người có học vị tiến sĩ.

Được biết, Shanghai RAAS là công ty đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ huyết tương tại Trung Quốc, chiếm tới 50% thị phần nước này và có mặt trong top 500 công ty lớn nhất nước. Đây quả là kỳ tích đối với một người Việt khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng trên đất Mỹ những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Kinh qua những công việc phổ thông như bỏ báo, tạp vụ, một nhân viên “quèn” tại Công ty dược phẩm Abbott, cho đến khi làm giám đốc của bộ phận thử nghiệm và sản xuất sản phẩm làm từ huyết tương, được học Quản trị tại Đại học Santa Barbara, đó thực sự là cả một quá trình phấn đấu đáng ngưỡng mộ.

Cho đến nay, giới truyền thông vẫn nhắc đến sự thành lập của RAAS như một “kinh điển” về khởi nghiệp. Năm 1980, Abbott quyết định bán một phần cơ sở thí nghiệm. Với thu nhập 30.000 USD/năm lúc bấy giờ, Hoàng Kiều chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình 7 người (với 5 đứa con). Tuy nhiên, ông đã mua lại 6 lít huyết tương chứa kháng thể viêm gan siêu vi B của một công ty với 600 USD, sau đó bán với giá cao gấp 10 lần trên thị trường và dùng tiền lãi để thành lập nên RAAS. Đến 1987, Shanghai RAAS ra đời.

Đến trước khi có tham vọng đưa Hoa hậu thế giới về Việt Nam, người ta vẫn chưa biết nhiều đến doanh nhân này, mặc dù, theo như trải lòng của ông Hoàng Kiều: kể từ ngày về Việt Nam (cuối năm 2005), ông đã đóng góp hơn 100 tỷ đồng cho công tác từ thiện. Hoạt động từ thiện tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ những đồng bào nghèo với hơn 3.500 căn nhà khắp 63 tỉnh/thành.

Trước thời điểm đó (2005), ông Kiều chưa triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh nào, và từ thiện là hoạt động duy nhất, xuyên suốt của Công ty RAAS. Thậm chí, ông Kiều còn tuyên bố “nguyện sẽ tiếp tục triển khai những chương trình từ thiện suốt cuộc đời mình”.

Trớ trêu là “thần tài” không mỉm cười với doanh nhân Hoàng Kiều ở Việt Nam (nói cách khác lá các dự án ông đầu tư tại quê hương đều chơi vơi và “chết yểu”).

img

Ông Hoàng Kiều đã đóng góp hơn 100 tỷ đồng cho công tác từ thiện

Đưa Hoa hậu Thế giới (HHTG) 2010 về Tiền Giang

Hiện nay, hầu như người ta chỉ nhắc đến bà Tư Hường và công ty Hoàn Cầu như là người có công đầu trong việc đưa Hoa hậu Hoàn vũ đến với Việt Nam và ít biết rằng, mong muốn đó cũng từng được ông Hoàng Kiều ấp ủ.

Trước đó, tại Festival biển 2007, RAAS đã tài trợ gần 6 tỷ đồng để tổ chức ba chương trình: RAAS - Những lời yêu thương, Carnaval - Đêm của biển và tái hiện làng quê Việt Nam độc đáo trên đường Trần Phú. Những chương trình này được cho là đã góp phần không nhỏ vào thành công của Festival.

Năm 2008, RAAS tiếp tục tài trợ 1 tỷ đồng để tổ chức chương trình khai hội du lịch Nha Trang - Điểm hẹn 2008. Trong lễ diễu hành “Nha Trang chào đón Hoa hậu Hoàn vũ”, công ty này cũng lại là nhà tài trợ chính với số tiền 900 triệu đồng...

Trong bức thư gửi ông Nguyễn Thiện Nhân – lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục cùng một số vị lãnh đạo khác năm 2008, trong khi tuyên bố dừng một loạt dự án thì ông Kiều vẫn khẳng định, sẽ tiếp tục cùng UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 (Miss World 2010) “với quyết tâm và cố gắng tối đa để đạt mục đích từ thiện và quảng bá hình ảnh đất nước ra toàn thế giới”.

Được biết, buổi lễ ký kết ghi nhớ về việc tổ chức cuộc thi HHTG 2010 tại Việt Nam giữa ông Hoàng Kiều và bà Julia Morley - Chủ tịch Miss World diễn ra hồi tháng 7.2008 tại TP.HCM. Lúc đó, có thông tin rằng, để giành quyền đăng cai cuộc thi, ông Kiều đã phải bỏ ra 10 triệu USD.

Kế hoạch này sau đó đã thay đổi khi cuối tháng 10.2009, ông Kiều chuyển hướng đưa cuộc thi “Hoa hậu thế giới 2010” về Tiền Giang, cụ thể là cù lao Thới Sơn (nằm giữa sông Tiền, TP.Mỹ Tho), chứ không phải ở Nha Trang.

Kế hoạch táo bạo này đi kèm với một loạt dự án bất động sản hoành tráng phục vụ cuộc thi, trong đó có dự án Khu du lịch sinh thái Thới Sơn, thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Tuy nhiên, sau đó Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch có công văn trả lời UBND tỉnh Tiền Giang cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010 vẫn được tiến hành ở Nha Trang chứ không dời về Tiền Giang như đề nghị của tỉnh Tiền Giang và ông Hoàng Kiều.

Kế hoạch tan rã. Ông Hoàng Kiều bị tỉnh Tiền Giang phạt 35 triệu đồng về việc xây dựng trái phép. Sau đó, ông đã cho dừng thi công tiếp hầu hết các hạng mục công trình, ngừng hoạt động nhiều cơ sở phục vụ du lịch như khu resort trên Cù lao Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành, khách sạn Sông Tiền…

img

Mong muốn đưa hoa hậu thế giới về Tiền Giang nhưng không thành

Dự án Ngàn Sao tại Đầm Bấy (Hòn Tre - Nha Trang)

Ý tưởng ban đầu, dự án này sẽ có quy mô 500 nhà nghỉ dạng bungalow mang đậm kiến trúc Nam bộ, nhà hàng gần 1.000 chỗ, sân khấu với sức chứa 5.000 chỗ, trung tâm mua sắm, triển lãm, nghỉ dưỡng… nhằm phục vụ cuộc thi HHTG.

Dự kiến, các công trình xây dựng sẽ được thực hiện theo mô hình khu nghỉ mát Evason Hideaway (Ninh Vân), tận dụng triệt để thiên nhiên, bảo vệ cây xanh, hạn chế san ủi trên đảo. Sẽ có hơn 30ha dành cho các thí sinh hoa hậu thế giới trồng cây, rau quả và hoa để sử dụng trên đảo...

Phương tiện giao thông trên đảo là xe điện, tàu điện, xe đạp. Để tự cung cấp điện hoạt động và bảo vệ môi trường, dự án sẽ áp dụng hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời. Chủ trương của ông Hoàng Kiều sẽ không di dời, giải tỏa những hộ dân tại Đầm Bấy bị ảnh hưởng bởi dự án mà sẽ xây dựng nơi đây thành một làng đánh cá kiểu mẫu phục vụ du lịch. Thậm chí, ông Kiều được cho biết là đã làm việc với trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh để triển khai ý tưởng này.

Tuy nhiên, lúc này có nhiều dư luận trái chiều khi khu vực Đầm Bấy - Hòn Tre (nơi RAAS xây dựng ý tưởng tổ chức cuộc thi HHTG 2010) thuộc phạm vi quy hoạch bảo tồn sinh thái quốc gia.

Việc quyết định ngừng thực hiện dự án “Ngàn Sao” tại Đầm Bấy - Hòn Tre sau đó được RAAS coi như câu trả lời cho những nghi án “lấy cớ hoạt động văn hóa để xin ưu đãi của UBND tỉnh Khánh Hòa”. Việc khép lại dự án, ông Hoàng Kiều đồng thời cũng thanh minh rằng, mình không “xơi”, “xực”, “thịt”, không “ăn đất”, không “phớt lờ Luật Di sản văn hóa” như dư luận nghi ngờ… Lúc này, dự án thậm chí còn chưa được trình ra để xin phép UBND tỉnh Khánh Hòa cho xây dựng. Và Ngàn Sao đã “vỡ trong trứng nước” khi vẫn còn là ý tưởng.

Song song với việc cho phá sản ý tưởng dự án Ngàn Sao, ông Hoàng Kiều cũng tuyên bố ngừng không tiếp tục triển khai dự án “Đường Hoa” trên đường Nguyễn Tất Thành (dài 12,5 km, tổng giá trị trên 50 tỷ đồng), để chứng minh RAAS không “ăn”, không “xực”, không “thịt” một tấc đất của tỉnh Khánh Hòa.

Thâu tóm CTCP du lịch Tiền Giang – Tigi Tour

Thời điểm cổ phần hóa năm 2005, Tigi Tour có tới 10 khách sạn, nhà hàng, khu du lịch… nằm trên diện tích đất công rộng 216.000 m2 và đều là những vị trí đắc địa. Tuy nhiên, công ty này lại chỉ được định giá vỏn vẹn 7 tỷ đồng.

Tại phiên đấu giá cổ phần Nhà nước tại Tigi Tour vào tháng 8/2006, 147.000 cổ phần Nhà nước nắm giữ (tương ứng tỉ lệ 21%) được UBND tỉnh Tiền Giang đấu giá ra bên ngoài với giá khởi điểm 45.100 đồng/cp. Vượt qua Công ty Tống Linh Giang, ông Hoàng Kiều đã giành được số cổ phần này với mức giá 45.200 đồng/cp, tương ứng 6,64 tỷ đồng.

30% cổ phần Tigi Tour (210.000 cổ phần còn lại mà Nhà nước nắm giữ tại công ty) 3 năm sau đó, vào tháng 3/2009 cũng đã được bán đấu giá toàn bộ với giá khởi điểm 31.000 đồng/cp. Người trúng đấu giá lại chính là ông Hoàng Sammy Hùng (con trai ông Hoàng Kiều) với mức giá 36.000 đồng/cp (tức 7,56 tỷ đồng để sở hữu 30% Tigi Tour).

Sau đó, toàn bộ Tigi Tour đã được nhà ông Hoàng Kiều “nuốt gọn” khi ông tiếp tục mua gom 20% cổ phần bán ra lần đầu và 29% cổ phần ưu đãi bán cho cán bộ, nhân viên công ty.

Cũng vì vụ bán cổ phần nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài vi phạm quy định tại Thông tư 73/2003/TT-BTC ngày 31/7/2003 và Quyết định số 36 ngày 11.3.2003 của Thủ tướng Chính phủ “Các nhà đầu tư nước ngoài không được mua quá 30% vốn điều lệ của công ty cổ phần” và bán với mức giá được cho là “rẻ mạt”, UBND tỉnh Tiền Giang đã kỷ luật hàng loạt cán bộ, trong đó có cả nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tuy nhiên, cùng với việc đổ bể của các dự án liên quan đến kế hoạch đưa HHTG về Tiền Giang như đã đề cập ở trên, Tigi Tour được ông Kiều giao cho người nhà quản lý, điều hành. Công ty hoạt động cầm chừng cho đến tháng 1.2013, khi đại diện Sở Văn hóa Thể Thao & Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, 100% cổ phần Tigi Tour đã được ông Kiều chuyển nhượng cho bà Hoàng Thị Hoài Linh.

Mức giá chuyển nhượng và số tiền nhà ông Hoàng Kiều thu về được sau vụ đầu tư này không được công bố, song, có thể đây là thương vụ mà ông Kiều không lỗ, thậm chí là “thoát xác” thành công.

Ngoài ra, trong quá trình tìm đường phát triển kinh doanh ở Việt Nam, có tin ông Kiều đã góp vốn vào thương hiệu Bưởi Năm Roi Hoàng Gia để xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài, thế nhưng lại thêm lần nữa không thành công như mong đợi.
(Theo Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem