Những triệu phú nhãn ngọt như đường bên dòng sông Mã

Tuệ Linh Chủ nhật, ngày 05/08/2018 06:30 AM (GMT+7)
Từ một địa phương trồng cây nhãn một cách tự phát chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, đến nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, cây nhãn ở Sông Mã (Sơn La) đã trở thành cây chủ lực, giúp nhiều hộ nông dân trở thành triệu phú.
Bình luận 0

Năng suất gấp 10 lần cây ngô

Dừng tay hái những quả nhãn chín mọng, căng tròn, ông Lò Văn Anh, bản Nà Lốc 2 (xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã) kể: Trước đây, cũng như nhiều hộ dân khác, nhà tôi cũng chỉ trồng cây ngô, sắn nên tình trạng thiếu đói, đứt bữa diễn ra như cơm bữa. Để tìm hướng thoát nghèo, năm 2000, vợ chồng tôi chuyển sang trồng thêm cây nhãn để tăng nguồn thu nhưng trồng giống nhãn cỏ địa phương nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao”.

img

Ông Trần Hồng Quảng, bản Tiên Sơn, xã Chiềng Khương, cho biết: Từ khi ghép giống nhãn ghép chín sớm vào nhãn địa phương, mỗi năm gia đình thu ít nhất 200 triệu đồng trở lên.

Ông Anh bảo: "Năm 2010, thấy trên tivi giới thiệu mô hình trồng nhãn ghép cho hiệu quả kinh tế khá. Cũng may, lúc đó con trai tôi đã học được cách ghép nhãn nên hai bố con chặt toàn bộ cành nhãn của nhà chuyển sang ghép giống nhãn mới. Từ đó, kinh tế gia đình mới bứt phá".

img

Lão nông Lò Văn Anh, bản Nà Lốc 2, xã Chiềng Sơ đang cắt, tỉa cành cho vườn nhãn ghép chín muộn của mình

“Tôi còn nhớ, lúc chúng tôi còn trẻ do quá nghèo không được đi học nên không biết làm thế nào để nâng cao năng suất cho cây trồng, vật nuôi. Giờ các con, các cháu được học hành đến nơi, đến chốn, về đến nhà biết ứng dụng khoa học vào ghép cây nhãn, chăn con lợn mà năng suất tăng lên đáng kể” – ông Anh nói.

img

"Từ đầu vụ đến giờ, nhà tôi mới bán được 2 tạ quả nhãn ghép chín sớm mà đã dễ dàng bỏ túi hơn 20 triệu" - bà Lèo Thị Thu ở bản Hồng Nam, xã Chiềng Khoong, bảo vậy.

Đến nay, ông Anh có 3,5ha nhãn, trong đó, số diện tích nhãn ghép đã cho thu hoạch là 2ha. “Năm 2017, dù mất mùa, sản lượng giảm nhưng tôi cũng bỏ túi ngót nghét 180 triệu đồng. Nếu so với cây ngô, lúa, nhãn ghép cho hiệu quả kinh tế cao gấp chục lần. Năm nay, nhãn được mùa, cây nào cũng sai trĩu quả nên phải cắt bớt quả cho cành không gãy, dự kiến sẽ thu gấp đôi năm 2017” – ông Anh phấn khởi nói.

Triệu phú nhãn ghép

Dời nhà lão nông Lò Văn Anh, chúng tôi xuôi về thị trấn Sông Mã và các xã dọc sông như Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Chiềng Khương, Chiềng Sơ.

Dọc hai bên đường Quốc lộ 4G là những rừng nhãn ngút ngàn, quả sai trĩu cành, căng mọng đang vào thời điểm chín rộ. Không khí lao động nhộn nhịp của bà con mùa nhãn chín như báo trước một mùa màng bội thu của người trồng nhãn.

img

Thông qua các ngày hội, sản phẩm nhãn Sông Mã được đông đảo nhiều người biết đến

Trong căn nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi, ông Nguyễn Văn Hưng, bản Tiên Sơn (xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã) khoe với chúng tôi: "Ngôi nhà xây hơn tỷ này đều nhờ vườn nhãn ghép đằng sau nhà đấy".

Theo chân ông Hưng lên vườn nhãn, ông vừa hái quả mời chúng tôi ăn, vừa kể: Năm 2012, gia đình tôi ghép toàn bộ 270 gốc nhãn sang giống nhãn Miền Thiết lấy giống từ xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Hiện nay, vườn nhãn của ông Hưng đang trồng theo hướng VietGAP. "Năm nay, tôi dự kiến thu từ 30 - 35 tấn nhãn. Nếu cứ giữ mức giá trung bình 20.000 – 22.000 đồng/kg như bây giờ thì hết mùa vụ này gia đình thu hơn 600 triệu đồng".

img

Ông Nguyễn Văn Hưng, bản Tiên Sơn, xã Chiềng Khương, xây được nhà tiền tỷ từ vườn nhãn trồng theo hướng Vietgap

Tiết lộ bí quyết giúp cây nhãn phát triển và cho sai quả, ông Hưng chia sẻ: Phải cắt tỉa cành khô, dại giúp cây thoáng mát hạn chế sau bệnh trú ngụ gây hại. Vào mùa khô phải tưới nước đầy đủ cho cây. Bón phân quanh tán cây, đào hố rải phân rồi lấp đất; bón trước khi trời chuẩn bị mưa để phân dễ tan và cây dễ hấp thụ được các chất dinh dưỡng.

Ngoài ra để cây nhãn ra hoa, đậu quả tốt, ông Hưng còn áp dụng kỹ thuật khoanh cành cho cây. Tháng 12 dương, bắt đầu khoanh cành cho cây. Mục đích chính của kỹ thuật này là siết nước, giúp cây nhãn phân hóa mầm hoa. Xong thời điểm khoanh cành cho cây nghỉ một tháng ngủ đông rồi sang tháng 1 phun thuốc Flower – 94 để đánh thức.

Hiện nay, cây nhãn không chỉ giúp người nông dân xóa được đói, giảm được nghèo mà từ khi ứng dụng tiến bộ khoa học vào thâm canh cây nhãn, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, một số hộ đã thu được tiền tỷ.

img

“Trong thời gian tới để kết nối cung – cầu, tạo đầu ra cho sản phẩm nhãn Sông Mã, huyện đã tổ chức các ngày hội, hội nghị xúc tiến nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước giúp các tổ chức, hộ gia đình trồng nhãn nói riêng và huyện Sông Mã nói chung liên kết tiêu thụ sản phẩm nhãn để hình thành các chuỗi liên kết hàng nông sản trong tương lai” – ông Lương Văn Vịnh – Trưởng phòng NNPTNT huyện Sông Mã, cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem