Những triệu phú ở chòi dứa

Thứ ba, ngày 29/01/2013 07:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng trăm người từ khắp nơi đến vùng Đồng Dinh, thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa, Phú Yên) lập chòi để trồng khóm (dứa). Từ những chòi này, nhiều người thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Ở 9m2 có trang trại 3ha

Ông Đào Tấn Trí (46 tuổi), trồng 7ha khóm cho biết: "Tôi sống ở chòi 10 năm hơn. Cực khổ, vất vả nhưng có tiền thành ham. Mỗi năm tôi thu trên 150 triệu đồng". Quê ở thôn Định Thọ (thị trấn Phú Hòa), vợ chồng ông Trí vào đây lập nghiệp. Ngày đầu đến đây, anh Trí bỏ công sức nạy từng hòn đá to trồng cây bạch đàn. Sau đó thấy nhiều người trồng khóm mang lại lợi nhuận cao, ông chuyển đổi cây trồng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông mỗi năm mỗi khá.

img
Sống trong căn chòi tạm bợ nhưng thu nhập của những ND này đạt gần trăm triệu đồng/năm.

Ngồi trong căn chòi thấp bé chỉ rộng 9m2, nhưng ông Lê Văn Hay (quê ở xã Hòa Thắng) là chủ trang trại khóm rộng 3ha. Ông Hay hạch toán, 1ha trồng 4 vạn cây (tức 4 cây/m2), năm đầu giống khóm tơ ra một cây/trái, năm sau đẻ nhánh mỗi cây ra 2-3 trái, thương lái mua với giá từ 4.000 - 7.000 đồng/trái, thu nhập gần 70 triệu đồng/ha.

Ông Lê Thanh Tòng (quê ở Hòa Thắng) - một trong những ND trồng khóm đầu tiên ở Đồng Dinh - cho biết: Gia đình tôi trồng 3ha khóm, mỗi năm lãi khoảng 100 triệu đồng. Ở đây có nhiều hộ trồng từ 6 - 10ha, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng". Gần 15 năm qua, vợ chồng ông Tòng chịu cảnh ở chòi để lo cho khóm. Rẫy khóm ông Tòng trồng trên đất xấu nhưng nhờ chăm sóc tốt hiện đang trải dài một màu xanh bạt ngàn. "Năm ngoái có người hỏi mua rẫy khóm 500 triệu đồng mà tôi không bán" - ông Tòng tâm sự.

Giàu cũng không bỏ chòi

Ở chòi không chỉ mỗi đàn ông mà cả phụ nữ. Bà Lê Thị Ngọc (55 tuổi, ở xã Hòa Thắng) có thâm niên ở chòi trồng khóm, kể: “Ban đầu, vợ chồng tôi cùng lên đây ở chòi trồng khóm, nhưng sau chồng tôi bị bệnh nặng nằm nhà, chỉ một mình tôi trên này. Một mình tôi lăn lóc với cây khóm để lo chữa bệnh cho chồng, gầy dựng con cái. Tôi trồng hơn 6ha, mới đây con trai tôi lấy vợ, tôi cho 2ha làm vốn. Con tôi cũng dựng chòi gần đây”.

Ở Đồng Dinh có gần 100 căn chòi. Người có "thâm niên" ở chòi nhiều nhất 15 năm.

Sống ở đây, những người trồng khóm đã quen với cảnh heo hút giữa núi rừng. Ai lo việc của mình. Họ bỏ vốn làm những con đường bê tông xuyên giữa rừng khóm từ dưới chân lên đến đỉnh núi để tiện vận chuyển khóm mùa thu hoạch. Có những rẫy khóm nằm trên cao, độ dốc lớn, nông dân phải dùng dây làm ròng rọc thả khóm xuống.

Ông Sáu Sáy - một người bám trụ ở đây 10 năm, xởi lởi: "Một mình loay hoay trong trang trại rộng lớn, có khi cả ngày không nghe một tiếng người". Ông Sáu Sáy cho biết, nhờ cây khóm mà ông và nhiều người khác xây được nhà lầu.

"Có nhà lầu nhưng tụi tôi cũng vẫn ở chòi, còn làm được ra tiền còn ham" - ông Sáu Sáy nói. Thức ăn "thường trực" ở chòi chỉ có nước mắm và cá mặn. Trên này không có chợ búa, mọi người lười đi chợ thành ra ai cũng ăn uống tằn tiện qua ngày. Chòi hầu hết đều chỉ kê đủ cái sạp nằm ngủ, cuối sạp để bộ bình chén. Nông dân ăn đó, ngủ đó.

Ông Hà Trung Kháng- Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: "Hơn 200ha đất hoang hóa ở Đồng Dinh đã được chuyển đổi trồng khóm. Bước đầu hình thành một vùng chuyên canh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, góp phần cải thiện đời sống và làm thay đổi bộ mặt nông thôn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem