Những trường hợp đặc biệt cần tái cử "phải thật sự mẫu mực"

Lương Kết-Hải Phong Thứ sáu, ngày 15/01/2016 10:30 AM (GMT+7)
"Để đảm bảo công tác cán bộ có sự kế thừa và liên tục, những trường hợp đặc biệt cần thiết được tái cử. Việc Hội nghị T.Ư 14 bàn bạc dân chủ và thông qua vấn đề này là rất hợp lý" - ông Đỗ Văn Ân - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ chia sẻ với NTNN.
Bình luận 0

Phải là những trường hợp thật mẫu mực

Phát biểu bế mạc  Hội nghị T.Ư lần thứ 14 ngày 13.1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành T.Ư (BCH) đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua nhân sự đề cử bổ sung một số Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử.

img

Các pa-nô tuyên truyền, chào mừng Đại hội Đảng XII ở Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy 

Theo ông Đỗ Văn Ân - nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, thực ra không phải bây giờ công tác quy hoạch cấp chiến lược mới được nêu ra.  Tại Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 4 khóa XI có đề cập rất rõ tới việc chăm lo công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

"Trên cơ sở đó, chúng ta cũng đã làm kỹ công tác quy hoạch cán bộ, nhưng do mới thực hiện được một khóa nên khó tránh khỏi những bất cập. Theo quy định của T.Ư, những đồng chí hết tuổi thì nghỉ. Nhưng để đảm bảo có sự kế thừa và liên tục, T.Ư vẫn  phải xem xét những trường hợp đặc biệt, cần thiết được tái cử. Những trường hợp này tôi nghĩ là không nhiều, và phải thật sự mẫu mực, có phẩm chất đạo đức trong sáng, không có tai tiếng, không vướng vào tham nhũng, quan liêu"- ông Ân đánh giá.

Theo ông Ân, vấn đề đặt ra cho BCH T.Ư khóa XII là phải chăm lo hơn nữa đến quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Bên cạnh đó cũng phải chú trọng đến lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc. "Ở đâu cũng thế, người đứng đầu là quyết định. Nếu người đứng đầu mà tham nhũng thì lòng tin của quần chúng với Đảng giảm sút, bởi họ chỉ nhìn vào cán bộ chủ chốt để suy ra những cán bộ cấp dưới của người đó" - ông Ân nói.

Quan trọng nhất là tài, đức

"Ai có đủ đức, tài, còn đủ sức khỏe thì vẫn cứ làm. Ngày trước, đội ngũ cán bộ để 3 độ tuổi - lớp trên, lớp giữa và lớp trẻ để có sự kế thừa và phát triển. Nếu chỉ có lớp trên mà "tre già măng chưa mọc" là không ổn. Nhưng toàn "măng non" mà không có "tre già" thì lại không có kinh nghiệm". 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Trong khi đó, nhìn nhận những về những trường hợp đặc biệt tái cử được Hội nghị T.Ư 14 xem xét, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho hay: Trước đây để lựa chọn cán bộ vào BCH T.Ư Đảng, vấn đề tuổi tác không phải là tiêu chí quan trọng. Cái chính vẫn là vấn đề đức và tài. Còn việc tính tuổi là để xem người đó còn đủ sức khỏe để cống hiến hay không? Hiện nay việc lựa chọn cán bộ cấp T.Ư, ngoài yếu tố tài và đức, tiêu chí quan trọng nữa là nằm trong độ tuổi quy hoạch.

"Theo tôi, ai có đủ đức, tài, còn đủ sức khỏe thì vẫn nên làm. Ngày trước, đội ngũ cán bộ để 3 độ tuổi- lớp trên, lớp giữa và lớp trẻ để có sự kế thừa và phát triển. Nếu chỉ có lớp trên mà "tre già măng chưa mọc" là không ổn. Nhưng toàn "măng non" mà không có "tre già" lại không có kinh nghiệm" - Trung tướng Thước bày tỏ.

Cũng về vấn đề này, một cán bộ Ban Tổ chức T.Ư giải thích thêm: Về các trường hợp đặc biệt tái cử mà Hội nghị T.Ư 13 và 14 xem xét không có nhiều. Những trường hợp này, Bộ Chính trị đều phải xem xét, cân nhắc rất nhiều, sau đó mới báo cáo BCH T.Ư xem xét, nghiên cứu trước khi báo cáo ra Đại hội.

“Giả dụ như chức danh Bí thư Tỉnh ủy, để vào BCH T.Ư theo quy định phải không quá 55 tuổi (sinh năm 1961). Nhưng có một số đồng chí sinh cuối năm 1960, nay đã bước qua tuổi 56 vài tháng. Tuy nhiên, do đồng chí đó đã được bầu là Bí thư Tỉnh ủy, đã đi học lớp đào tạo nguồn thì cũng có thể vận dụng linh hoạt để đưa vào T.Ư”- ông này cho biết.

Vị cán bộ này cũng chia sẻ: Với những trường hợp từ khóa trước nay tái cử, phải xem xét xem đủ điều kiện, tiêu chuẩn hay không. Giả dụ, Bộ trưởng năm nay bước sang tuổi 61 được vài tháng, nhưng theo yêu cầu tái cử thì đồng chí đó không được quá 60 tuổi. Tuy nhiên, trong khóa trước, đồng chí làm rất tốt công việc của mình, trong khi nguồn tại chỗ, các Thứ trưởng chưa thấy ai nổi trội. Nguồn ở ngoài cũng chưa thấy ai đủ tầm thì cũng phải xem xét để đồng chí đó tái cử. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí Ủy viên T.Ư khóa XI thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XII; nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XII và danh sách đề cử các đồng chí ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XII với số phiếu rất tập trung.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Không để lọt người có khuyết điểm

Chuẩn bị nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...

Cán bộ và nhân dân rất đồng tình với những tiêu chuẩn này, những tiêu chuẩn rất cần thiết đối với cán bộ lãnh đạo trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.  Để lọt một cán bộ mắc khuyết điểm vào Ban Chấp hành Trung ương sẽ rất nguy hiểm. Họ có thể có thể làm đảo lộn đất nước, tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm. Song tôi tin cách làm như thế này là rất chặt chẽ.

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên đại biểu Quốc hội: Ủy viên T.Ư phải là người xuất sắc nhất

 Trong đánh giá của nhân dân, những Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là những con người có phẩm chất trong sáng, đại diện cho dân, cho nước. Do đó dứt khoát không chọn những người dù chỉ có chút gợn nhỏ, người không có tì vết thì mới xứng đáng. Bởi vì Trung ương phải là những người xuất sắc nhất, những người ưu tú nhất của Đảng, của đất nước, dân tộc này.

Không những chọn những người không tì vết mà phải là những người trong sáng nhất, phải là người có tâm nhất, có tài nhất, có đức nhất. Bởi vì Đảng ta chỉ có lợi ích duy nhất là lợi ích của nhân dân. Ngày xưa yêu cầu là quên mình không tiếc xương máu nhưng bây giờ là phải quên lợi ích của mình, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu”.

Ông Nguyễn Hữu Mai (phường Tân Thành, PP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk): Tin tưởng đất nước sẽ vững mạnh hơn

Qua theo dõi tôi thấy công tác chuẩn bị cho Đại hội được thực hiện rất chu đáo. Kết luận bế mạc Hội nghị lần thứ 14 của Tổng Bí thư rất công phu, chu đáo, chỉ thị tiếp cho tổ chức làm thật hết mình. Một thành công nữa của Đảng đó là việc Việt Nam gia nhập TPP. Thành công này khiến chúng ta sẽ giành được sự ủng hộ, ưu ái của các nước. Nếu ta bó gọn trong khuôn khổ như trước đây thì không thể phát triển được.

Qua thực tế theo dõi, tôi thấy cuộc sống của nhân dân cũng như các hoạt động kinh tế trong năm vừa qua đã được Đảng chỉ đạo giải quyết rất tốt. Tôi tin tưởng tới đây chúng ta sẽ vững mạnh hơn, nhân dân sẽ đón nhiều thuận lợi cho phát triển xây dựng đất nước.

Anh Thư (tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem