Những vụ “khai tử” người còn sống để… trục lợi

Hoàng Nhật (Tổng hợp) Thứ bảy, ngày 29/07/2017 13:00 PM (GMT+7)
Xung quanh vụ việc người dân phải đi lại 6 lần mới được cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) vừa qua, đa phần dư luận đều cho rằng, về mặt thủ tục hành chính, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện đơn giản và nhanh nhất giúp thân nhân người đã khuất được cấp giấy chứng tử vì “nghĩa tử là nghĩa tận”.
Bình luận 0

img

Từng có không ít vụ “khai tử” người còn sống để trục lợi (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, một số ít ý kiến, trong đó có những người làm trong ngành y thận trọng đưa ra nhận định: Trong những trường hợp cụ thể, việc cấp giấy chứng tử cũng cần phải có thời gian và được thẩm định kỹ lưỡng về thông tin, bởi trên thực tế đã có những vụ lợi dụng việc cấp giấy chứng tử để thực hiện hành vi trục lợi. Dân Việt tổng hợp lại một số vụ việc đó.

Cấp chứng tử cho 12 người để xóa nợ ngân hàng

Ngày 10.12.2015, UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã ra quyết định thu hồi và hủy bỏ 4 giấy chứng tử do UBND xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân cấp cho 4 công dân vào năm 2009.

Thời điểm năm 2009, 4 người dân ở xã Xuân Lập dù chưa mất nhưng vẫn được chính quyền cấp giấy chứng tử, mục đích là để được xóa nợ ngân hàng.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, năm 2009, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân có chủ trương xóa nợ cho những người vay vốn gặp rủi ro, hoạn nạn thuộc trường hợp đặc biệt khó khăn, chủ hộ hoặc người thừa kế trong gia đình đã qua đời. Từ chủ trương này và được Ban xóa đói giảm nghèo xã chấp thuận, Hội Nông dân xã Xuân Lập đứng ra làm khai tử cho 12 người (tổng nợ ngân hàng của 12 hộ là 13 triệu đồng).

Tuy nhiên, đầu năm 2015 qua kiểm tra rà soát, chính quyền địa phương phát hiện có 4 người còn sống và không thuộc diện được xóa nợ chính sách. Bốn trường hợp cụ thể là bà N.T.S (56 tuổi), ông P.V.S (52 tuổi), bà H.T.T (75 tuổi) và bà P.T.H (73 tuổi).

Khai tử 3 người còn sống để hưởng tài sản

Theo hồ sơ vụ việc, ông T.V.B (sinh năm 1974) và bà N.T.G (sinh năm 1977) lấy nhau từ năm 1994, cư ngụ tại ấp Hưng Tân, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân (An Giang) và có hai con.

Trong thời gian sống chung, họ mua được một thửa ruộng hơn 1,24ha tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, đến năm 2010 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do hai người cùng đứng tên.

Sau này bà G thường đi mua bán xa nhà nên vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, dẫn tới ly thân và TAND huyện Phú Tân xử thuận tình ly hôn vào năm 2012. Lúc ly hôn, họ không yêu cầu phân chia tài sản mà để tự thỏa thuận. Sau đó do không thể tự giải quyết được, nên đầu năm 2015 ông B gửi đơn nhờ tòa án phân xử.

Trong thời gian tòa đang xác minh, ông B phát hiện thửa ruộng hơn 1,24ha trên đã được UBND huyện Châu Thành cấp lại giấy đỏ mới sang tên cho bà G vào tháng 5.2013. Tiếp tục xin trích lục hồ sơ, ông B mới tá hỏa khi biết ông và cha mẹ ông đều đã bị khai tử từ tháng 1.2013 nên vợ cũ được hưởng thừa kế tài sản này.

Ông B làm đơn tố cáo, Sở Tư pháp tỉnh An Giang thanh tra xác định ông B và cha mẹ ruột còn sống mạnh khỏe mà bị khai tử với ba bản sao giấy chứng tử của UBND xã Kiến Thành, do Phó chủ tịch UBND xã Dương Minh Hùng ký.

Chánh thanh tra Sở Tư pháp Phan Thành Thế cho biết qua làm việc, bà G thừa nhận mình làm giấy cho họ... chết để chiếm đoạt trọn thửa ruộng mà bà và ông B đã mua, cùng đứng tên trước đây.

4 con gái khai tử cho cha đang sống

Lấy vợ năm 1979 rồi sinh được 5 người con gái. Tuy nhiên, sau khi vợ qua đời năm 1995, cuộc sống của gia đình ông N.V.Q (TP.HCM) dần đi xuống, mối quan hệ giữa ông và 5 người con cũng dần xấu đi.

img

Dù còn sống, nhưng ông Q từng bị con gái mình "khai tử" vào năm 2009.

Năm 2009, gia đình bên vợ khuyên ông nên về quê một thời gian để ổn định tinh thần. Bà Bích N, em vợ ông Q, hứa sẽ giúp ông chăm sóc các con ông chu đáo.

Song sau 3 tháng ở quê, nhớ con, quay về thăm nhà. Khi đến nơi, ông Q gọi khản cổ vẫn không được mở cửa. Các con không ra, ông lại bị công an khu vực đuổi đi.

Năm 2012, một lần về thăm nhà cũ, nghe hàng xóm nói con đã rao bán nhà giá 12 tỷ đồng và mới nhận cọc của một người ở gần đó, ông lại đập cửa gọi con định hỏi cho ra lẽ.

Sau đó, ông lên UBND phường ngăn việc con bán nhà mới biết từ năm 2009, các con ruột của ông nộp đơn yêu cầu và ngày 20.3.2009, TAND quận 10 ra quyết định tuyên bố ông đã chết. Quyết định ghi rõ “Ngày chết của ông Q được xác định là 1.1.2005”.

Ông Q tìm luật sư nhờ giúp đỡ sau nhiều thủ tục phiền hà rắc rối, nhiều lần bị từ chối xác nhận nơi thường trú với lý do hết sức nực cười là “về mặt pháp lý, ông đã chết”.

Cuối cùng, ngày 18.9.2013, TAND quận 10 huỷ quyết định cũ và ra quyết định mới ghi rằng: “Quan hệ nhân thân của ông Q, người bị tuyên bố đã chết được khôi phục và có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem