Nhân dân còn thì ký ức còn. Và truyền thuyết sống mãi, mỗi ngày được bù đắp thêm bằng hiện thực cuộc sống – những thứ đã có, đã xảy ra – cộng với những giấc mơ mà cộng đồng nuôi dưỡng.
Giấc mơ là niềm tin vào hạnh phúc, phồn vinh và sự trường tồn. Không có những giấc mơ ấy, một con người, suy rộng ra, mỗi dân tộc sẽ không còn lẽ sống.
|
Người dân cả nước về Đền Hùng (Phú Thọ) dự Giỗ Tổ. |
Sự tích hay truyền thuyết Vua Hùng được truyền lại ngày có thể có những điều được coi là hoang đường, nhưng hoang đường hay không chẳng thể quan trọng hơn niềm tin của nhân dân. Nhân dân có thể bị huyễn hoặc một lúc, một thời, nhưng không thể suốt 4.000 năm lịch sử. Niềm tin đi cùng truyền thuyết, lễ hội, đền đài, miếu mạo và nghệ thuật dân gian, những bài hát, câu ca, điệu múa.
Chuyện tình trắc trở của công chúa cành vàng lá ngọc Tiên Dung với chàng nông dân khố rách áo ôm Chử Đồng Tử thời Hùng Vương thứ 3 là bản tình ca “ngoài cung cấm”, chứa hơi thở của cuộc sống dân gian trong thời kỳ nước Văn Lang đã manh nha một nền kinh tế khá phồn vinh dựa trên nền nông nghiệp trồng lúa và nuôi tằm dệt lụa. Câu chuyện có chất “sexy” khá phóng túng và đôi vợ chồng phải chịu đựng cơn thịnh nộ của vua Hùng đã hé mở, tuy khá mơ hồ, về một xã hội, một “nền văn minh Văn Lang”.
Trong bối cảnh một xã hội đang phát triển ở mức độ nào đó, sự tích Sơn Tinh và Thủy Tinh không còn hoang đường một chút nào. Vì đó là câu chuyện được nghệ thuật hóa, khắc họa một hiện thực trăm phần trăm là cuộc đấu tranh chống “giặc nước” để bảo vệ thành tựu của nền kinh tế nông nghiệp và để tồn tại. Một dân tộc trồng lúa nước trong lưu vực các sông Cái, sông Con hung dữ và thất thường, ở một vùng nhiệt đới thừa mưa bão, lụt lội, dân tộc ấy ắt phải đặt công cuộc chống lụt, “nước lên đến đâu, đất lên tới đó” lên hàng đầu.
Và khi nhà nước Văn Lang suy vi trước sự hung hãn của nhà Tần, thứ giặc dữ đến từ phương Bắc, sau khi Vua Hùng thứ 18 (đời vua cuối cùng?) nhường ngôi cho An Dương Vương Thục Phán - vua nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai của nước ta.
Truyền thuyết về cuộc tình bi thảm của nàng Mỵ Châu dẫn tới mất nước tuy có một số chi tiết có vẻ hoang đường như tảng đá cụt đầu trôi dạt từ miền Trung về đất Cổ Loa nhưng toàn bộ câu truyện là một sự thật lịch sử sống động chứa sử cứ về sự trưởng thành của dân tộc, phản ánh nghệ thuật xây thành đắp lũy và sức mạnh quân sự với những thứ vũ khí lợi hại của nhà nước kế tục sự nghiệp các vua Hùng.
Không có sức mạnh ấy, sự phát triển ấy thì liệu có cuộc khởi nghĩa lừng lẫy của Hai Bà Trưng về sau? Câu chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy truyền lại những bài học nóng hổi cho tới ngày nay. Nóng hổi vì đầu thế kỷ 21 của nền văn minh hiện đại vẫn còn đó một nước láng giềng phương Bắc to xác nhưng chưa bao giờ là “người lớn”, luôn có những tính toán nham hiểm, kể cả “vũ khí Trọng Thủy” để chiếm đoạt đất đai, biển đảo của nước ta và một số quốc gia láng giềng.
Sự kiện UNESCO cấp bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nói lên sức sống, sức thuyết phục của ký ức nhân dân chưa hề phai nhạt của dân tộc ta. Tín ngưỡng ấy chính là lòng tin vào sự bất khả xâm phạm của mảnh đất thiêng liêng “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau” nhưng đã 13 lần đánh thắng xâm lược phương Bắc và sau đó là vài đội quân xâm lược hùng mạnh khác.
Lịch sử dân tộc từng trải qua những trang quá đau thương nhưng “tín ngưỡng Hùng Vương” vẫn sôi sục huyết quản nhân dân. Gần “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”, thứ giặc dữ đã từng đồng hóa không ít nước láng giềng nhưng đã không làm được điều đó trên đất nước Vua Hùng để lại. Chúng đã chảy máu đến tử thương trên sông Bạch Đằng từ thời Nam Hán và kể từ đó, từ Ngô Vương trở lại đây, dân tộc ta đã thực sự trưởng thành theo thời gian, qua “Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập /Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương/ Mạnh yếu có lúc khác nhau/ Nhưng hào kiệt bao giờ cũng có” (Bình Ngô Đại cáo - Nguyễn Trãi).
Hôm nay, “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được thế giới văn minh công nhận là di sản văn hóa nhân loại, giúp củng cố niềm tin của dân tộc để vượt qua thử thách lớn lao không kém những giai đoạn cam go nhất trong lịch sử. Nói đến “tín ngưỡng” tức là nói tới nhân dân. Nhân dân ta thể hiện sức sống quật cường qua “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng”. Khoảng 1.500 di tích thờ Hùng Vương trên đất Tổ và ở các tỉnh, thành khắp nước không phải là chuyện cúng bái cầu may cầu phúc cho từng số phận con người trong các tín ngưỡng tôn giáo. Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng thể hiện sự kết nối keo sơn một dân tộc từng sinh ra từ dạ mẹ Âu Cơ, lòng biết ơn quốc tổ, ý chí giữ nước của nhân dân.
Hơn hết thảy, nó là thông điệp nhắc nhở với các nhà chính trị rằng, mạnh hơn hết thảy, trường tồn hơn hết thảy là niềm tin của nhân dân, phản bội hay đánh mất niềm tin ấy, tín ngưỡng ấy, coi thường quyền làm chủ của nhân dân chắc chắn sẽ dẫn tới hậu quả bi thảm nhất là mất nước như đã từng hơn một lần xảy ra trong lịch sử.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.