Niềm tin ngày tựu trường

Thứ tư, ngày 05/09/2012 20:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cũng là ngày hội khai trường, cũng niềm háo hức như nhau, nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là những địa phương vùng sâu, vùng xa.
Bình luận 0

Hơn 20 triệu học sinh - sinh viên tựu trường, ngày vui không chỉ với các em mà của cả xã hội. Nhớ mấy câu thơ Huy Cận viết trong bài Tựu trường: “Giờ náo nức của một thời trẻ dại/Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương/Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường/Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc”.

img
Không khí ngày khai giảng tại trường PTCS Xã Đàn. Ảnh: Đàm Duy

Những linh hồn bằng ngọc, trong trẻo, tinh khiết đó sẽ học được gì, ghi lại được gì trong những năm tháng áo trắng sân trường? Đó là một câu hỏi lớn không chỉ cho mỗi người đi học, mà cho cả người dạy, người quản lý giáo dục.

Cũng là ngày hội khai trường, cũng niềm háo hức như nhau, nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là những địa phương vùng sâu, vùng xa. Dù đã có rất nhiều cố gắng đầu tư cho ngành giáo dục, nhưng còn nhiều ngôi trường ở nông thôn tạm bợ, cũ nát. Học sinh ăn mặc rách, nghèo khổ, thiếu thốn sách vở, thiết bị học tập... Trẻ em nhiều nơi thiếu ăn, suy dinh dưỡng, manh áo ngày khai trường dù mới cũng không che đậy được cái nghèo. Thầy cô ở những nơi này cũng vậy, thiếu thốn trăm bề, động viên được các em đến trường đã là niềm hạnh phúc, không dám đòi hỏi gì hơn.

Ngày khai trường, có hàng vạn trẻ em phải đến trường bằng cách trèo đèo, vượt suối. Có những nơi các em đi cầu khỉ qua sông hoặc phải đi thuyền, đi đò. Không biết năm nay, có bao nhiêu nơi trên đất nước này học sinh phải bơi qua sông đến trường? Hy vọng là đã ít đi hoặc không còn nơi nào như vậy nữa.

Kinh tế đất nước có phát triển, nhưng sức lan toả của nó chưa đến được nhiều với vùng nông thôn, đa số người dân còn nghèo, thiếu thốn. Phụ huynh cho con đến trường trong ngày khai giảng với niềm vui và sự kỳ vọng. Nhưng nhiều trường hợp, cha mẹ buộc phải cho con nghỉ học để đi kiếm kế sinh nhai, ở núi thì lên nương rẫy, vào rừng; ở đồng bằng thì ra ruộng, mò cua bắt ốc, làm thuê...

Chính vì hoàn cảnh đó, có nhiều em năm nào cũng đến trường khai giảng nhưng không qua được một lớp học. Đưa các em đến với ngày khai giảng đã khó, giữ cho các em học hết đến cuối niên học còn khó hơn. Đây là nỗi thao thức đã nhiều năm của các giáo viên ở vùng nông thôn.

Có thể việc so sánh câu chuyện trường học mái tranh vách đất với những con tàu của Vinashin, Vinalines cũng như sự thua lỗ của nhiều tập đoàn, tổng công ty là khập khiễng, nhưng chắc chắn giữa hai bên có mối nhân quả nào đó. Thử tính xem, nếu như không bị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phá hàng chục nghìn tỷ đồng thì số tiền đó đủ để xây bao nhiều trường, nuôi được bao nhiêu trẻ em nghèo ăn học. Được như thế mới càng hy vọng có được một nền giáo dục đạt chất lượng ngang bằng với các quốc gia trong khu vực.

Biết là vậy nhưng vẫn phải có niềm tin vào những thay đổi, và chính các em học sinh hôm nay, những chủ nhân trong tương lai sẽ làm được điều đổi thay đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem