"Nín thở" với ca phẫu thuật cấp cứu bé sơ sinh ruột nằm trên... phổi

Diệu Linh Thứ ba, ngày 30/11/2021 06:08 AM (GMT+7)
Bé sơ sinh 23 ngày tuổi (ở Phú Thọ) bị thoát vị hoành trái nghẹt khiến hầu hết ruột "tràn" lên vị trí của phổi, chèn ép phổi khiến trẻ khó thở, tím tái, phải mổ cấp cứu ngay lập tức.
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ cho biết, các bác sĩ ở đây vừa phải trải qua cuộc phẫu thuật "nghẹt thở" cứu sống 1 bé sơ sinh bị hội chứng thoát vị hoành trái nghẹt kèm theo viêm phổi nặng.

Bệnh nhi là bé N.T. T (trú tại Việt Trì, Phú Thọ), sau sinh trẻ khóc to, bú tốt, không phát hiện bất thường, cân nặng đạt 2,1kg. Đến khi được 23 ngày tuổi, trẻ xuất hiện triệu chứng khò khè, khó thở nên được gia đình đưa đi khám.

Thời điểm vào viện, trẻ khó thở nhiều, rút lõm toàn bộ các cơ hô hấp, môi tím, SpO2 đo được chỉ còn 82%, ngay lập tức trẻ được các bác sĩ khoa Sơ sinh cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy, làm các xét nghiệm cấp cứu và tiến hành hội chẩn ngay với các bác sĩ chuyên khoa Ngoại nhi.

Trên phim chụp XQuang của bệnh nhi cho thấy có hình ảnh thoát vị hoành trái, các tạng thoát vị chiếm toàn bộ khoang màng phổi, không còn nhìn thấy hình ảnh nhu mô phổi trái, tim và trung thất bị đẩy lệch sang phải chèn ép một phần nhu mô phổi phải.

Đồng thời xét nghiệm RSV cho kết quả dương tính. Trẻ được chẩn đoán thoát vị hoành trái nghẹt, suy hô hấp viêm phổi nặng do virus hợp bào hô hấp (RSV).

Cuộc phẫu thuật nhiều rủi ro

 - Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng thoát vị hoành ở trẻ khiến ruột nằm ở vị trí của phổi. Ảnh BVCC

Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp sau khi nhập viện chỉ khoảng khoảng 30 phút, khi huyết động và hô hấp của bé đã ổn định hơn.

Bác sĩ Nguyễn Đức Lân – Trưởng khoa Ngoại Nhi tổng hợp (Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ) cho biết, đây là một trường hợp thoát vị cơ hoành điển hình và rất nguy hiểm.

Khi các phẫu thuật viên vào ổ bụng thấy gần như toàn bộ ruột non, manh tràng, đại tràng phải và một phần đại tràng ngang thoát vị lên khoang màng phổi trái qua lỗ thoát vị cơ hoành sau bên, kích thước lỗ thoát vị khoảng 3,5 x 1,2 cm.

Quá trình phẫu thuật đưa ruột bệnh nhi trở lại ổ bụng tương đối khó khăn do các quai ruột bị nghẹt, phù nề, giảm tưới máu.

Sau khi khâu phục hồi kín cơ hoành trái, kiểm tra toàn bộ ruột non, các bác sĩ phát hiện thêm tình trạng ruột xoay không hoàn toàn.

Do đó, các bác sĩ đã tiến hành cắt các dây chằng tải rộng mạc treo ruột, cắt ruột thừa, đưa ruột non về bên phải ổ bụng, manh tràng và đại tràng về bên trái ổ bụng theo chiều nhu động để tránh các biến chứng xoắn ruột của tình trạng bệnh lý này.

Sau khoảng 1giờ 30 phút, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhi được chuyển về theo dõi và điều trị tiếp tại đơn vị Hồi sức Sơ sinh.

“Gian nan” điều trị hồi sức sau phẫu thuật

Tại khoa Sơ sinh, trẻ được thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch kết hợp sử dụng các loại thuốc kháng sinh, vận mạch, an thần, đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi (longline).

6 giờ sau phẫu thuật, khi chụp XQuang lại để kiểm tra, hình ảnh trên phim chụp cho thấy toàn bộ khối thoát vị đã nằm trong ổ bụng tuy nhiên trẻ lại xuất hiện hình ảnh tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm phổi nặng 2 bên. Do đó, chiến lược thở máy của bệnh nhi được thay đổi, chuyển sang thở máy cao tần (HFO).

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Hậu – Trưởng khoa Nhi Sơ sinh (Bệnh viện sản Nhi Phú Thọ) cho biết, do bệnh nhi có tình trạng thoát vị hoành kèm theo viêm phổi nặng nên chiến lược thở máy của trẻ gặp rất nhiều khó khăn.

Áp lực thở máy không được quá lớn để tránh gây tổn thương cơ hoành, tăng áp lực ổ bụng gây giảm tưới máu các quai ruột vừa được đưa xuống ổ bụng, nhưng cũng không được quá thấp để tránh làm tổn thương phổi do viêm nặng hơn mà không cải thiện.

 - Ảnh 2.

Sau phẫu thuật, trẻ được chăm sóc, điều trị tích cực tại khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ). Ảnh BVCC

Đồng thời, sau phẫu thuật, trẻ còn có tình trạng viêm phổi nặng, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, tăng tiết đờm dãi nên cũng khiến cho việc chăm sóc vật lý trị liệu để điều trị viêm phổi như vỗ rung ép đờm gặp nhiều khó khăn.

Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng tràn dịch, tràn khí màng phổi đã hết nhưng bệnh nhi vẫn còn tình trạng viêm phổi nặng. Tuy nhiên bệnh lý ngoại khoa ổ bụng của bé đã có những tiến triển tốt, dịch dạ dày trong hơn.

Sang ngày điều trị thứ 5, bệnh nhi được rút ống nội khí quản, thở oxy hỗ trợ, tình trạng viêm phổi giảm đáng kể, bé đã có thể tự đi ngoài được. Hiện tại, sức khỏe bé ổn định và có kế hoạch xuất viện trong vài ngày tới.

"Thoát vị hoành là dị tật bẩm sinh xảy ra ở trẻ nhỏ do quá trình hình thành cơ hoành không được hoàn thiện, tạo thành khe hở cơ hoành khiến cho lồng ngực và ổ bụng không được ngăn cách hoàn toàn.

Khi đó các tạng trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách, gan có thể đi lên lồng ngực qua khe hở của cơ hoành gây ra bệnh thoát vị hoành.

Đối với các trường hợp có thoát vị hoành, nếu không được phẫu thuật kịp thời, các tạng thoát vị sẽ chèn ép vào phổi gây ảnh hưởng đến huyết động và thông khí ở phổi dẫn đến suy hô hấp.

Ngoài ra khi các tạng nằm trên khoang màng phổi có nguy cơ bị nghẹt, gây tắc ruột, thậm chí có thể hoại tử gây nhiễm trùng nhiễm độc, ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhi "

Bác sĩ Nguyễn Đức Lân

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem