Ninh Bình: Nuôi nhung nhúc rắn bùn, lại trồng cả rau thủy canh công nghệ cao, Văn Đức 9X lời 350 triệu/năm
Nguyễn Chinh (Cổng TTĐT huyện Kim Sơn. tỉnh Ninh Bình)
Thứ sáu, ngày 30/07/2021 18:46 PM (GMT+7)
Mô hình kinh tế tổng hợp nuôi rắn bùn, ếch và trồng rau thủy canh được chàng thanh niên Dương Văn Đức sinh năm 1997, xóm 4, xã Kim Chính (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) lựa chọn, khởi nghiệp cách đây 3 năm, hiện đã mang lại hiệu quả với thu nhập 350 triệu đồng/năm.
Điều đó đã khẳng định được hướng đi đúng đắn của chàng thanh niên trẻ Văn Đức dám nghĩ, dám làm.
Tốt nghiệp THPT năm 2015 với suy nghĩ “cánh cửa Đại học chưa phải là con đường duy nhất để đi đến tương lai” nên Đức đã tìm cho mình hướng đi đó là phát triển kinh tế gia đình với mô hình chăn nuôi tổng hợp.
Trước khi đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, Đức xin vào làm tại trang trại chăn nuôi lợn và rắn ở Ninh Bình để học tập và tích lũy kinh nghiệm.
Đầu năm 2016, Đức quyết định chọn lựa và đầu tư phát triển mô hình nuôi rắn bùn (hay còn gọi là rắn mùng đỏ).
Với đặc tính rắn bùn chỉ sống ở ao tự nhiên - tức là đáy ao chưa bị tác động gì, nhưng tỷ lệ “thất thoát” khi nuôi rắn bùn cũng khá cao, có những hộ nuôi rắn trong ao sau mỗi trận mưa rắn xót mắt bò đi nơi khác, người chăn nuôi có thể sẽ bị lỗ vốn, còn kè kiên cố ao nuôi chi phí đầu tư lớn.
Lựa chọn mô hình nuôi rắn trong bể xi măng. Đức đầu tư 13 triệu đồng xây 5 bể xi măng với diện tích 4m2/bể, chiều cao 80 cm và nuôi thả 1.000 con rắn.
Ban đầu rắn chưa quen với môi trường sống trong bể xi măng và không có bùn nên số rắn nuôi cũng bị hao hụt, nhưng với quyết tâm chăm sóc và “thuần chủng” để rắn thích nghi với môi trường bể xi măng, sau 1 năm chăm sóc Đức xuất bán được 40kg rắn bùn thương phẩm, trừ chi phí thu lãi gần 20 triệu đồng.
Đồng thời, thời điểm này, Đức cũng chọn lựa được những cá thể rắn bùn chất lượng để nhân giống. Với thành quả ban đầu tuy chưa cao nhưng cũng là động lực để Đức quyết tâm phát triển mô hình.
Để đa dạng hóa mô hình kinh tế và tăng thu nhập, năm 2018 Đức đầu tư xây thêm 2 bể xi măng nuôi ếch.
Những con ếch nhỏ còi cọc sẽ được Đức tận dụng làm mồi cho rắn. Đầu tư xây 50 ô chuồng nhỏ với tổng diện tích 50m2 nuôi 70 con rắn hổ trâu, trong đó có 40 con rắn cái và 30 con rắn đực.
Đối với rắn hổ trâu, Đức không bán rắn thương phẩm mà bán trứng rắn cho thương lái phân phối đi các nhà hàng làm thực phẩm và các hộ chăn nuôi ấp lấy rắn giống.
Theo tính toán của Đức, loài rắn bùn rất ham ăn, tính ra 1 con rắn chỉ ăn hết 2kg cá con trong 1 năm và sau 1,5 năm đến 2 năm nuôi, trọng lượng có thể lên tới hơn 1kg.
Còn đối với loài rắn hổ trâu chỉ ăn vào mùa hè còn mùa đông rắn ngủ đông nên tốn rất ít thức ăn. Thức ăn cho ếch là cám nổi dành cho con nuôi thủy sản hoặc là cá băm nhỏ trộn cám sau đó cho vào máy tạo thành viên cám nổi.
Để tiết kiệm chi phí thức ăn cho vật nuôi, Đức đi để lờ, để đó ở các ao và chân ruộng trũng hoặc mua của người dân với giá dao động từ 5 – 10.000 đồng/kg cá con.
Ngoài việc chú trọng nguồn thức ăn, Đức cũng chủ động phòng trị các bệnh cho vật nuôi và chú trọng đến nguồn nước, nguồn nước cấp vào bể nuôi ếch, nuôi rắn phải sạch và được thay thường xuyên.
Với sự năng động và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đầu năm 2018 Dương Văn Đức còn mạnh dạn chung vốn đầu tư thuê 650m2 đất vườn tại xã Châu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội để phát triển mô hình trồng rau thủy canh với các loại rau theo mùa, riêng mô hình trồng rau thủy canh cũng đã đem lại thu nhập 180 triệu đồng/năm.
Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của thanh niên Dương Văn Đức trong 1 năm thu được 100kg rắn bùn, 1 tấn ếch và 500 quả trứng hổ trâu. Với giá thành 750 – 900.000/kg rắn bùn, 35.000 - 40.000/kg ếch và 120.000 đồng/1 quả trứng hổ trâu. Tổng thu nhập từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của Dương Văn Đức là 350 triệu đồng/ năm.
Không chỉ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chàng thanh niên Dương Văn Đức còn nhiệt tình với việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống cho những hộ có nhu cầu nuôi ếch, rắn bùn, rắn hổ trâu trong và ngoài xã để cùng phát triển, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Với hiệu quả từ mô hình kinh tế tổng hợp, hướng đi trong thời gian tới của Thanh niên Dương Văn Đức đó là mở rộng mô hình kinh tế, đầu tư xây dựng thêm bể xi măng để nuôi rắn và ếch.
Thành quả từ mô hình kinh tế tổng hợp của thanh niên trẻ Dương Văn Đức đã thể hiện được sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế. Năm 2019, Dương Văn Đức đã được vinh danh là một trong 50 thanh niên tiêu biểu của tỉnh trong phong trào “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.