Ninh Bình: Tập trung tiêu úng, thoát nước cứu lúa, hoa màu sau hoàn lưu bão số 3-cơn bão Yagi
Ninh Bình: Tập trung tiêu úng, thoát nước cứu lúa, hoa màu sau hoàn lưu bão số 3-cơn bão Yagi
Vũ Thượng
Thứ hai, ngày 09/09/2024 07:57 AM (GMT+7)
Dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Ninh Bình, sau hoàn lưu bão số 3-cơn bão Yagi, từ chiều tối 7-9/9, khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa to đến rất to và dông. Qua đó, các địa phương, đơn vị của tỉnh này đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm tiêu úng, thoát nước bảo vệ cây lúa và hoa màu.
Chủ động tiêu kiệt nước đệm trong hệ thống, sau bão số 3
Để ứng phó với bão số 3, Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình đã vận hành nhiều máy ở trạm bơm, cống dưới đê, cống hồ, đập xả phòng lũ nhằm tiêu thoát nước đệm nhằm bảo vệ sản xuất.
Qua đó đảm bảo tiêu úng kịp thời, đơn vị đã chỉ đạo chi nhánh các huyện, thành phố tiêu kiệt nước trong hệ thống và mặt ruộng, bảo đảm an toàn cho diện tích đã gieo trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản, khu vực nông thôn và đô thị.
Bên cạnh đó, còn bố trí đầy đủ vật tư, nhiên liệu, nhân lực, kiểm tra, chuẩn bị máy móc thiết bị, lập kế hoạch đóng điện các trạm bơm tiêu và chủ động vận hành tiêu úng khi cần thiết...
Ngoài ra, triển khai chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, quan trắc các công trình trọng điểm để phát hiện kịp thời hư hỏng; phối hợp với Ban quản lý các dự án khơi thông dòng chảy trên địa bàn các huyện, thành phố.
Đến nay, tất cả các chi nhánh trong huyện, thành phố chủ động tiêu kiệt nước đệm trong hệ thống; với các cống dưới đê đã triển khai đóng tất cả các pha dự phòng và cánh cống dự phòng để bảo đảm khi nước vào, nước triều dâng không ảnh hưởng đến các vùng bên trong hạ lưu.
Đặc biệt, các hồ chứa đã hạ mực nước xuống mức an toàn theo đúng phương án được các cấp phê duyệt.
Tất cả máy bơm hoạt động bình thường
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Ninh Bình, sau ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ chiều tối 7-9/9, khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa tại các huyện, thành phố từ 100 - 200mm, có nơi lớn hơn 250 mm.
Trong trường hợp mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão số 3 gây ra, tất cả các trạm bơm tiêu hiện nay của Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình sẵn sàng đóng điện.
Đồng thời, vận hành thử máy để bảo đảm tất cả các máy bơm đều hoạt động bình thường, cũng như triển khai linh hoạt các phương án tiêu úng khi cần thiết.
Ngoài ra, tỉnh này xác định thiệt hại về sản xuất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Bởi thế, ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai các phương án khắc phục, khôi phục sản xuất.
Cụ thể, chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau; tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sinh vật…
Tỉnh Ninh Bình hiện có trên 31.000 ha lúa, gần 3.260 ha cây rau màu các loại. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là trên 14.000 ha, trong đó thủy sản nước ngọt 11.000 ha, thủy sản mặn lợ 3.366 ha.
Ninh Bình ước tính thiệt hại 20 tỷ đồng
Mặc dù không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Ninh Bình, bão số 3 đã gây thiệt hại như: 544 ha lúa bị đổ ở huyện Yên Mô và Nho Quan; 65 ha rau màu bị dập nát tại các huyện Nho Quan, Yên Khánh và thành phố Ninh Bình.
Bên cạnh đó, nhiều cây ăn quả, cây phân tán bị gãy đổ; chăn nuôi và thủy sản không bị thiệt hại. Về công trình: có 2 nhà bị tốc mái, 100 m tường rào bị đổ, 1 trạm biến áp điện bị cháy, một số đường dây điện bị đứt gây mất điện cục bộ, nhưng đã được khắc phục xong…Tổng thiệt hại ước tính 20 tỷ đồng. Toàn tỉnh không có thiệt hại về người.
Ông Phạm Quang Ngọc-Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác ứng phó với siêu bão số 3...
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cũng yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức tốt việc vận hành các trạm bơm.
Đặc biệt, 2 trạm bơm tại Khu công nghiệp Gián Khẩu và khu công nghiệp Khánh Phú, không để tình trạng ngập úng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Tập trung rà soát các điểm sạt lở, ngập úng để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp với thực tế. Các lực lượng tiếp tục duy trì trực chốt 24/24h, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có các tình huống xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.