Những năm trước, gia đình chị Kiều Thị Đăng (thôn Tuấn Tú, xã An Hải) mỗi năm chỉ canh tác được 1 vụ vì nguồn nước rất khan hiếm. Chị phải làm thuê, làm mướn mới đủ sống. Thông qua Hội ND tỉnh, Tổ chức iDE triển khai Dự án mô hình tiết kiệm nước tại địa phương, chị Đăng được dự án cho vay 10 triệu đồng để đầu tư làm hệ thống tưới nhỏ giọt.
|
Hệ thống tưới nhỏ giọt đang được nông dân Ninh Thuận áp dụng rộng rãi. |
Theo chị Đăng, từ khi có hệ thống tưới nhỏ giọt, trên diện tích khoảng 5.000m2 chị trồng sắn, lạc, hành lá, măng tây. Chị cho biết, trước đây, mỗi tháng chi phí tiền điện cho tưới nước khá cao, từ 800.000 đến 1 triệu đồng và 3 triệu đồng tiền công. Từ khi đưa hệ thống tưới nhỏ giọt vào, chi phí tiền điện chỉ còn 200.000 - 250.000 đồng/tháng. Chỉ 1 giờ là hệ thống tưới hết toàn bộ diện tích (trước đây là 5 giờ).
Hơn nữa, tưới phun còn tiết kiệm được 30% chi phí tiền phun thuốc trừ sâu, phân bón. Chị Đăng cho biết: Từ khi lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ số quay vòng đất 3-4 lần/năm, trừ các khoản chi phí, gia đình chị còn để dành được khoảng 20 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, gia đình chị đã mua được 6 con bò, mua thêm tiện nghi sinh hoạt cho gia đình...
Theo Hội ND tỉnh, dự án mô hình tưới nhỏ giọt được triển khai thử nghiệm từ tháng 4.2010 với 95 hộ ở xã An Hải, Phước Hải (huyện Ninh Phước); Xuân Hải (huyện Ninh Hải) và phường Văn Hải (TP.Phan Rang - Tháp Chàm) tham gia canh tác 23ha hoa màu và cây ăn trái. Năm 2011 - 2013, dự án tiếp tục mở rộng với 1.500 hộ ND huyện Ninh Phước tham gia.
Hệ thống tưới nhỏ giọt có nhiều ưu điểm: Tiết kiệm nước, hạn chế cỏ dại mọc, giảm được chi phí nhân công, chất lượng sản phẩm cao hơn... Chính vì những ưu điểm nổi trội này, ngày càng nhiều ND tự bỏ tiền đầu tư làm hệ thống tưới tiết kiệm nước phục vụ sản xuất của gia đình.
Công Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.