Ninh Thuận: Trồng điều không đậu trái

Thứ tư, ngày 30/11/2011 16:03 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trồng điều ra hoa, nhưng không đậu trái đang khiến người dân Ninh Thuận chán nản. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ tồn tại vườn điều trồng tập trung của các doanh nghiệp, công ty, còn điều của nông dân đang bị chặt bỏ dần.
Bình luận 0

Diện tích dần teo tóp

Những năm gần đây, cây điều của nông dân trồng ở xã Ea Chà Rang, Krông Pa (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) đang bị chặt bỏ dần. Nguyên nhân, theo Phòng NNPTNT huyện Sơn Hòa do mấy năm nay, cây điều ở Sơn Hòa ra bông nhiều nhưng cho rất ít trái, vì thế phong trào trồng điều đang xuống dốc. Theo thống kê, năm 2004 toàn huyện trồng 320,13ha điều ghép, năm 2005 giảm xuống còn 287,6ha. Còn từ năm 2006 đến nay rất ít hộ nông dân đăng ký trồng cây điều ghép.

img
Vườn điều trồng xen ghép với cây ăn quả còn hiếm hoi ở huyện Sơn Hoà (Phú Yên).

Ông Thái Hồng Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang cho biết: "Gần đây, do trồng cây điều không hiệu quả kinh tế nên người dân chặt bỏ điều để chuyển sang trồng sắn, mía, mè". Không chỉ ở xã Ea Chà Rang, Krông Pa, mà mô hình trồng điều tại các xã Sơn Long, Sơn Định, được UBND huyện Sơn Hòa chọn đầu tư để phát triển kinh tế vườn cho nông dân những năm trước, nay cũng rơi vào tình trạng "teo tóp" dần về diện tích.

Từ năm 2006 - 2010, TX. Sông Cầu thành lập các vùng dự án trồng điều với diện tích trồng mới 2.200ha. Thế nhưng, đến nay toàn thị xã chỉ còn chưa đến 1.000ha. Nguyên nhân do nông dân không mặn mà với cây điều, nên hằng năm không đăng ký trồng mới. Theo dự báo của Phòng Kinh tế TX. Sông Cầu, với tốc độ như hiện nay thì cây điều khó phát triển thêm về diện tích trong những năm tiếp theo.

Vì điều không ra trái

So với giống điều ở địa phương, cây điều ghép được dự án phân bổ về TX. Sông Cầu sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng, và quy trình sau trồng thì 2 năm sẽ ra trái. Nhưng đó là theo lý thuyết, còn thực tế, cây điều này trồng ở các vùng Hảo Danh, Hảo Nghĩa (xã Xuân Thọ 2) đã 3 năm mà vẫn chưa ra trái.

Giải thích về điều này, ông Nguyễn Tấn Thi - Trưởng trạm BVTV TX. Sông Cầu nói: "Do cây điều trồng trên các vùng đồi núi cao, không có điều kiện chăm sóc như tưới nước, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật nên chậm ra hoa kết trái. Chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế các vùng trồng điều, đa số cây điều trồng ở các khu vực núi cao không có đường vận chuyển nên khó đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật”.

Ông Trần Văn Huệ ở thôn Hảo Danh cho biết: "Ở đây khan hiếm nước, mùa khô người dân phải đi gánh về dùng thì lấy nước đâu tưới cây". Chính vì yêu cầu về mặt kỹ thuật vượt quá khả năng của người trồng điều nên thời gian gần đây ít có hộ nông dân hưởng ứng trồng cây điều.

Theo thống kê của Sở NNPTNT Phú Yên, trong 5 năm (2004-2009), toàn tỉnh trồng được 186ha điều ghép cao sản. Toàn tỉnh hiện có 3.850ha điều, năng suất đạt 3 tạ/ha, theo kế hoạch đến năm 2012, diện tích điều cũng chỉ dừng lại ở mức 3.850ha.

Cũng theo chương trình, từ năm 2006-2010, huyện Sông Cầu cải tạo 500ha điều bị lão hóa, năng suất thấp bằng cây điều ghép. Thế nhưng, nhiều hộ sau khi đốn hạ vườn điều cũ, chuyển sang trồng các giống mới, mà theo nhiều người là sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn, thì lại kém hơn.

Ông Trương Hoài Bắc ở xã Xuân Sơn Bắc nói: "Trồng điều sau 3 năm vẫn chưa ra trái, chiếm đất, nên vừa qua tôi chặt bỏ”. Còn ông Phạm Ngọc Xuân ở xã Xuân Thọ 2 đã đốn bỏ 2ha điều để chuyển sang trồng cây bạch đàn, keo lá tràm.

Hiện nay ở các huyện, thị xã Sông Cầu, Đồng Xuân, Sơn Hòa, các vườn điều của nông dân đang mất dần, chỉ còn vườn điều của các công ty, tổ chức trồng theo quy mô dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem