Ninh Thuận yêu cầu xử lý dự án chăn nuôi bò cao sản hơn 5 năm vẫn nằm trên giấy

Quang Đăng Thứ ba, ngày 04/01/2022 16:19 PM (GMT+7)
Ngày 4/1, nguồn tin Dân Việt cho biết, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan làm rõ việc chậm trễ của dự án đầu tư chăn nuôi bò cao sản của Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Úc-Thuận Nam.
Bình luận 0

Nông dân bức xúc vì dự án treo

Theo tìm hiểu của Dân Việt, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 8/2016 và cũng đã một lần được UBND tỉnh giãn tiến độ thực hiện đến tháng 3/2020 nhưng dự án trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa cao sản và xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) vẫn nằm trên giấy. 

Trước tình trạng trên UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan...

Ninh Thuận: Xử lý dự án chăn nuôi bò cao sản hơn 5 năm vẫn nằm trên giấy - Ảnh 1.

Đến năm 2022, dự án vẫn nằm im khiến nhiều hộ dân có đất bị thu hồi không dám đầu tư. (Ảnh: Đức Cường)

Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, tính đến cuối năm 2021, dự án trên vẫn chưa hoàn thành việc hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng. 

Thời điểm kiểm tra (ngày 11/10/2021) dự án vẫn chưa được giao đất, cho thuê đất để triển khai thực hiện theo tiến độ được phê duyệt.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, nhà đầu tư là Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Úc - Thuận Nam đã chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư (theo Quyết định số 334/QĐ-UBND ngày 26/8/2016, văn bản số 396/UBND-KTTH ngày 30/01/2019 của UBND tỉnh Ninh Thuận), phần lớn xuất phát từ công tác xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ phía ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Cụ thể, UBND huyện Thuận Nam thiếu đôn đốc kiểm tra, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thuận Nam (TTPTQĐ Thuận Nam) chậm thực hiện, dẫn đến việc thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn.

Đến tháng 9/2021, nhà đầu tư mới chỉ thương lượng đền bù được 12/69 hộ dân với số tiền tạm ứng cho những hộ dân này là hơn 12 tỷ đồng. Hiện đang phối hợp cùng TTPTQĐ Thuận Nam xác minh nguồn gốc…

Theo TTPTQĐ Thuận Nam, các hộ dân còn lại đề nghị chủ đầu tư thỏa thuận, hỗ trợ với đơn giá 54.000 đồng/mét vuông cho toàn bộ diện tích thu hồi.

 Mức giá này giống như các dự án điện mặt trời trên địa bàn đã thực hiện. 

Thời điểm thực hiện việc kiểm đếm, đền bù dự án nói trên, đa phần các dự án điện mặt trời tại vùng đất này đây chưa được triển khai. 

Sau đó các dự án năng lượng tái tạo đã hỗ trợ cao hơn so với phương án đề xuất (phương án đề xuất là 270 triệu đồng/ha, nhưng dự án năng lượng thỏa thuận đền bù với giá là 540 triệu đồng/ha) nên nhà đầu tư dự án sữa không đồng ý nên không thể thực hiện các bước tiếp được…

UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo xử lý

Tại kết luận kiểm tra (ngày 11/10/2021), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, ngoài nguyên nhân khách quan do đại dịch Covid-19, còn có trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án chưa quyết liệt, chưa bám sát triển khai ngay từ khi hợp đồng với TTPTQĐ Thuận Nam. 

Việc này dẫn đến chậm GPMB, chậm triển khai các hạng mục đầu tư dự án. Ngoài ra, UBND huyện Thuận Nam chưa quan tâm, chỉ đạo TTPTQĐ Thuận Nam và UBND xã Nhị Hà đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án.

Ninh Thuận: Xử lý dự án chăn nuôi bò cao sản hơn 5 năm vẫn nằm trên giấy - Ảnh 3.

Các hộ trong vùng thực hiện dự án đã nhiều lần kiến nghị thế nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết. (Ảnh: Đức Cường)

Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân còn đến từ khâu thẩm định ban đầu của các cơ quan đăng ký đầu tư chỉ tổng hợp ý kiến Sở, ngành mà không phân tích, đánh giá và thẩm định phương án đầu tư của nhà đầu tư theo quy định.

Trước tình hình trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét, chỉ đạo UBND huyện Thuận Nam kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trực tiếp hoặc phối hợp thực hiện kiểm tra, kiểm đếm đất đai và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm (nếu có).

Trước đó, ngày 12/11/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương rà soát, xử lý các vấn đề liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa cao sản và xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò nói trên.

Ngày 16/4/2021, Dân Việt đã có bài "Ninh Thuận: Dân khổ vì dự án chăn nuôi bò cao sản sau 5 năm vẫn nằm trên giấy". 

Nội dung bài báo phản ánh bức xúc của nhiều nông dân có đất nông nghiệp bị thu hồi làm dự án trên.  

Dự án do Công ty TNHH chăn nuôi Việt Úc -Thuận Nam (địa chỉ thôn 3, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) làm chủ đầu tư và vị trí quy hoạch tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận). 

Đây là dự án trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa cao sản và xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò với quy mô 180 tỷ đồng được tỉnh Ninh Thuận cấp phép từ năm 2016 đến nay vẫn nằm trên giấy.

Dân khổ vì đất nông nghiệp quy hoạch rồi để đó

Ông Thập Tấn, người có gần 10ha đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án ở xã Nhị Hà cho hay, suốt từ năm 2016 đến nay phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của gia đình ông gần như bỏ hoang.

Ninh Thuận: Xử lý dự án chăn nuôi bò cao sản hơn 5 năm vẫn nằm trên giấy - Ảnh 5.

Chuồng trại chăn nuôi cừu của hộ ông Thập Tấn đã xuống cấp, nhưng nằm trong vùng quy hoạch dự án nên ông không dám sửa chữa. (Ảnh: Đức Cường)

Chừng ấy thời gian gia đình ông chỉ dám sản xuất cầm chừng chứ không dám đầu tư, mở rộng như thời điểm trước đó.

Theo lời ông Tấn, trước năm 2015 khi mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình ông đang phát triển ổn định thì nghe thông tin về quy hoạch đất để thực hiện dự án bò sữa Việt-Úc. 

Đến năm 2016, chủ đầu tư dự án cùng chính quyền địa phương đã tiến hành đo đạc và kiểm đếm tài sản trên đất nên gia đình. Từ đó, gia đình ông không dám trồng thêm cây gì nữa vì chính quyền địa phương yêu cầu giữ yên chờ bàn giao đất cho nhà đầu tư.

Thế nhưng từ đó đến nay đã gần 5 năm, dự án vẫn dậm chân tại chỗ khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của gia đình ông và 68 hộ khác cùng bị ngưng trệ, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem