Níu giữ, nối dài ý nghĩa của sự sum vầy

Lê Thị Túy - chuyên gia tâm lý, gia đình Thứ tư, ngày 28/02/2018 06:20 AM (GMT+7)
Ngày nay, kinh tế phát triển, hiện đại hóa, Việt Nam còn đang bước vào cuộc Cách mạng 4.0, cuộc sống hối hả, mỗi người một việc, thời gian bận rộn đều khác nhau, không thể cùng làm, cùng nghỉ như thời lúa nước. Nhưng ý nghĩa của sự sum vầy ngày tết vẫn đang được níu giữ, nối dài...
Bình luận 0

LTS: “Đoàn tụ” mang tính biểu trưng cho hạnh phúc gia đình. Giây phút đoàn tụ là giây phút có ý nghĩa nhất đối với tất cả những ai đang có cơ hội để sum vầy. Sự đoàn tụ, cũng là mục đích của phát triển xã hội. Sự đoàn tụ mà xã hội hướng đến còn là để các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, các chính sách về văn hóa, giáo dục được đẩy mạnh, các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin được ứng dụng… để sự đoàn tụ của gia đình mang ý nghĩa lớn lao. Ngoài sự hội tụ về mặt tinh thần, nó còn là sự hội tụ về mặt vật chất -  no ấm, tiến bộ. Đoàn tụ là ước vọng của cả nhân loại, khi đâu đó chinh biến vẫn xảy ra, các gia đình ly tán loạn lạc, bị ức hiếp đè nén... Qua mỗi câu chuyện, như để nhắc nhở rằng, dù đi đâu, làm gì, là ai, thì giây phút đoàn tụ gia đình, phải được coi là giây phút có ý nghĩa thiêng liêng nhất…”.

Mỗi dịp Tết, người con xa quê càng nhớ đến gia đình, người thân. Nhớ lúc sắm tết, nấu bánh chưng, cúng tất niên… đều là những giờ phút quây quần, chia sẻ với người thân. Nỗi nhớ như nam châm “hút” mọi người trở về sum họp với gia đình.

Tết đến từ đất trời

img

 Bữa cơm sum họp cuối năm của một gia đình Việt.  Ảnh: T.L 

Bà Lê Thị Túy là chuyên gia gia đình, tư vấn tại nhiều Trung tâm tư vấn tâm lý, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ Đô.

Tôi là dân Hà Nội gốc, nhà ở Thụy Khuê, ven Hồ Tây. 30-40 năm trước không khí tết tràn về từ hơi thở của đất trời. Khi đó, xuân sang, hoa nở, cây cối đâm chồi nảy lộc xanh mơn man và mưa xuân phơi phới bay. Ngay cả nhịp sống của người dân cũng “tết”. Hầu hết người dân đều làm ruộng nên dịp cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng là lúc lúa vừa cấy xong, mọi người có thời gian dài nghỉ ngơi, thư dãn. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, do đó, mọi người càng háo hức chuẩn bị, đón tết, chuẩn bị cho mình và gia đình nghỉ xả hơi sau một năm bận rộn, mệt nhọc.

Tết bắt đầu từ các chợ phiên với sự biến đổi kỳ diệu của màu sắc hàng hóa. Bắt đầu từ khoảng 14 - 15 tháng Chạp là chợ đã tưng bừng hàng hóa dành cho ăn tết, chơi tết với màu đỏ, vàng rực rỡ, rất đặc trưng của ngày tết. Tết Nguyên đán có 2 phần được xem trọng: Ăn tết, chơi tết. Ai đi chợ tết cũng phải sắm đủ câu đối, tràng pháo đỏ, hoa lụa rực rỡ, tranh Đông Hồ treo tết, hoa tươi, hoa đào, quất cảnh…

Phần ăn cũng khá nặng khi nhà nhà chung đụng lợn, thịt gà, gói giò, gói bánh chưng, nấu măng, kho cá… Nhà nào nghèo cũng cố gắng mua cái bánh, khoanh giò thì mới được coi là “có tết”. Nồi bánh chưng giống như thước đo sự sung túc, thịnh vượng của một gia đình. Nhưng dù chơi có sang, ăn có nhiều bao nhiêu thì giá trị cốt lõi của Tết Nguyên đán chính vẫn là sự sum họp. Tất cả các hoạt động trong tết đều hướng về gia đình, nhằm quy tụ mọi người cùng làm, cùng chơi, cùng hưởng thụ không khí đầm ấm, yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Vì thế, nhà nhà, người người cho dù công việc bận rộn, xa xôi đều tâm  niệm trở về nhà mỗi khi xuân về tết đến.

Dù người già hay người trẻ, người ở quê hay người xa xứ, mỗi khi nhớ về ngày tết họ thường nhớ đến khoảng khắc sum họp của gia đình. Đó là khi bố mẹ, anh chị em tụ tập dọn dẹp, lau dọn tỉ mỉ từng đồ vật trong nhà cho sạch sẽ, quét vôi nhà cho sáng sủa, đánh đồ đồng trên bàn thờ bóng loáng. Đến chừng 24-25 lại quây quần gói bánh chưng. Và lúc luộc bánh chưng là lúc người già, con trẻ, giai thanh nữ tú đều cảm thấy háo hức, thích thú. Bên nồi bánh chưng, các câu chuyện xưa về gia đình được nhắc lại, người già nhớ nhung, người trẻ ngưỡng vọng và tình thân, tình yêu được thắt chặt.

Đó cũng là lúc cúng ông Công, ông Táo hay bữa cơm tất niên được nấu nướng cẩn thận, bày biện cầu kỳ. Mâm cơm cúng không chỉ thể hiện lòng thành với tổ tiên, thần phật mà còn là bày tỏ sự coi trọng giờ phút quay quần bên gia đình chiều 30 Tết. Người đứng đầu gia đình sẽ báo cáo với tổ tiên sự thành đạt của các thành viên trong gia đình, cũng là dịp người thân cùng chia vui, chúc mừng lẫn nhau. Người ta cũng tin rằng, vào giờ phút giao thừa, năm mới, tổ tiên, ông Công ông Táo giữ bếp cho gia đình sẽ trở về đoàn viên cùng con cháu, chúc phúc, ban lộc cho con cháu.

Do vậy, đến tết, người người lại tụ hội về bên bố mẹ, nếu bố mẹ mất thì cũng về nhà con trưởng để sum họp, tưởng nhớ bố mẹ. Nếu gia đình nào mà con cháu không về thường bị quan niệm là nhà vô phúc.

Sự sum họp còn thể hiện ở việc trước tết, các gia đình cũng rủ nhau đi thăm mộ, quét vôi, lau dọn, cắm thêm lọ hoa, thắp nén hương cầu khấn ông bà Tổ tiên về ăn tết với gia đình. Ở nghĩa trang vốn quanh hưu, lạnh vắng, ngày tết cũng tấp nập và sáng sủa, tưởng như linh hồn các cụ thực sự cũng đang về vui với con cháu. Giờ khắc thăm mộ ấy cũng là lúc các thành viên trong gia đình nhớ về người đã mất, nhắc lại những kỷ niệm, tình cảm gắn bó, thiêng liêng.

Sự sum vầy nối dài mãi

Ngày nay, kinh tế phát triển, hiện đại hóa, Việt Nam còn đang bước vào cuộc Cách mạng 4.0, cuộc sống hối hả, mỗi người một việc, thời gian bận rộn đều khác nhau, không thể cùng làm, cùng nghỉ như thời lúa nước. Người già không thể bắt thế hệ thanh niên đón Tết đủng đỉnh, kéo dài cả tháng trời như ngày xưa. Do đó, không khí tết, cách đón tết cũng khác đi nhiều. Người ta ăn bánh chưng, giò chả quanh năm nên việc háo hức chờ tết để được ăn uống sung túc, nấu bánh chưng, gói giò là đã phai nhạt đi rất nhiều.

Tết hiện tại, bố mẹ không thể yêu cầu con cháu sum vầy xung quanh đi đong từng cân gạo, ngồi rửa từng tàu lá, lau từng khe cửa. Cuộc sống đầy đủ vật chất nên người ta cũng không nặng ăn, mà nặng chơi. Do đó, việc bày biện cầu kỳ trong tết, chăm chút từng chi tiết nhỏ, quay quần gia đình suốt 5 - 7 ngày nghỉ tết là không thể. Tuy nhiên, để thắt chặt sợi dây gia đình, níu giữ những ký ức tốt đẹp, thiêng liêng, mọi người nên thu xếp công việc, bỏ qua sở thích cá nhân để dành cho gia đình một khoảng thời gian nhất định trong dịp tết.

Tuy nhiên không ít gia đình, thậm chí ở phố vẫn muốn giữ phong tục nấu bánh chưng ngày tết, thậm chí nấu ngay trên góc phố, vỉa hè. Nấu bánh chưng bây giờ không nhằm “ăn” mà là cái cớ để giữ lại không khí sum vầy, đầm ấm bên nồi bánh chưng, người già vui sướng nhìn con cháu vây quanh. Và những người lớn khi được hỏi về các kỷ niệm ngày tết, rất nhiều người nhắc đến kỷ niệm cùng gia đình vây quanh nồi bánh chưng, khoảnh khắc luôn khiến họ cảm thấy ấm áp, ngọt ngào hơn bao giờ hết tình yêu với gia đình.

Với nhiều người trẻ thường thích đi du lịch vào dịp tết, bà Túy cho rằng, cho gia đình, bản thân một kỳ nghỉ nhân dịp tết cũng tốt. Với những gia đình trẻ, gạt bỏ mọi bận rộn, cùng nhau đi du lịch cũng là cách thắt chặt tình cảm, sum họp gia đình trong dịp tết theo cách riêng của họ. Tuy nhiên nếu có cha mẹ già mà họ không thích đi du lịch, muốn ở nhà cúng lễ tổ tiên thì con cháu không nên để bố mẹ cô độc trong những giờ phút thiêng liêng như cơm chiều 30, chúc tết sang mùng 1.

Sự chờ mong sum vầy ngày tết vẫn đặc biệt tha thiết đối với những người lao động xa quê, những du học sinh, Việt kiều. Dù bận kiếm sống đến tận chiều 29-30 tết, khi được trở về nhà, họ vẫn mang tâm trạng háo hức, chờ mong. Với họ tết là sự trở về với gia đình, với sum họp. Họ cũng sẽ sắm sửa, bày biện cái tết no đủ, đầy đặn hơn để cùng bố mẹ, con cháu hưởng thụ sau 1 năm vất vả. Những phong tục xưa cũ, lòng thành kính với tổ tiên, hiếu lễ với cha mẹ đều được thể hiện đầy đủ nhất. Do đó, ý nghĩa của sự sum vầy ngày tết vẫn được níu giữ, nối dài mãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem