Vấn đề đặt ra bức thiết là cải tạo sự đột phá mới về thay đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư nhiều hơn cho công nghệ sau thu hoạch để nâng cao chất lượng, thương hiệu lúa gạo Việt. Nhưng bằng cách nào?
Cải thiện quan hệ thị trường
TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Văn phòng Cần Thơ khẳng định, năng lực xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng đáng kể, có lúc lên đến 800.000 tấn/tháng, do vậy lên 1 triệu tấn/tháng là không khó. Tuy nhiên, cần cải thiện đầu tư vào các khâu trọng yếu và cải thiện lợi ích nông dân để chính họ có điều kiện áp dụng chuẩn mực sản xuất tốt nhất. Đồng thời, giúp đầu ra hạt gạo được thuận lợi khi khách hàng đánh giá cao về chất lượng hạt gạo và thương hiệu gạo Việt đi vào lòng họ.
|
Cùng với tăng số lượng, lúa gạo Việt Nam đang hướng tới định hình thương hiệu về chất lượng cao, mẫu mã sản phẩm đẹp... |
Ông Dũng còn nhấn mạnh: Xuất khẩu gạo số 1 hay số 2 thế giới là không quan trọng, quan trọng hơn hết là lo đảm bảo dài hạn về an ninh lương thực quốc gia và lợi ích của nông dân.
Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực VN (VFA), lại quan tâm hơn hết vấn đề thị trường. Theo ông Huệ, trong 5 năm qua, gạo Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt nhiều thành tích mới. Cụ thể, giá trị tăng 165%, số lượng tăng 30-40%. Đặc biệt, từ cuối năm 2010, Việt Nam bứt phá về xuất khẩu gạo cao cấp.
Ông Huệ đánh giá, chính thị trường đòi hỏi nâng cao thương hiệu. Tuy nhiên, thị trường lúa gạo diễn biến phức tạp, khách hàng “ăn” gạo Việt mạnh nhất như Philippines đang có kế hoạch giảm lượng nhập. Ngược lại, Trung Quốc và Indonesia đang hướng đến thị trường gạo Việt Nam, còn Hongkong thì thích gạo Việt loại cao cấp.
“Do vậy, chúng ta cần phát triển gạo cao cấp trong thời gian tới vì thị trường gạo thấp cấp không còn nhiều, gạo Jasmine Việt Nam đáp ứng tốt cho thị trường” - ông Huệ đánh giá.
Thương hiệu bản sắc Việt
Việt Nam đang xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới. Nhưng gạo Việt Nam lại chưa mạnh về thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ông V. Subramanian - chuyên gia kinh tế của The Rice Trader, cho biết: Thách thức phía trước và những vấn đề cần quan tâm là giá cả và luôn sẵn có hàng hóa; chất lượng và các mối liên hệ; đối tác chiến lược.
Muốn làm gạo tốt, canh tác lúa theo quy trình nào, thời vụ gì nông dân cũng sẵn sàng làm theo, nếu mang đến nhiều ích lợi thiết thực cho nông hộ, cộng đồng.
Ông Ca Quốc Hận - Chủ tịch Hội ND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu)
Trao đổi với PV NTNN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá gạo liên quan đến sản xuất, chất lượng gạo, cách giao hàng. Nâng cao giá trị hạt gạo cần sự đầu tư đồng bộ từ sản xuất, chế biến, xuất khẩu, quan tâm đầu tư lớn về tiếp thị, bao bì. Hiện nay, người tiêu dùng chọn lựa tập trung vào sản phẩm có thương hiệu được phổ biến rộng rãi, tạo tình cảm thân thiện. Tạo hình thức đẹp, chất lượng đảm bảo, gạo Việt Nam sẽ có vị trí tốt nhất.
Theo ông Subramanian, để tiếp thị và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam ra thị trường thế giới cần phải định vị thương hiệu cho hạt gạo. Đồng thời xác định đối thủ cạnh tranh cũng như đất nước nào là khách hàng nhập khẩu quan trọng. Việc định vị thành công chính là lời cam kết cho nhà nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng, gạo Việt cần xây dựng một thương hiệu mang đậm bản sắc đặc trưng của người Việt Nam. GS-TS Võ Tòng Xuân (Trường Đại học Tân Tạo), từng nói: Hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp cùng nhà khoa học sẽ tạo ra một vùng sản xuất rộng lớn. Doanh nghiệp sẽ có những bước đi trước trong việc xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu cho nước nhà.
Vũ Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.