Nobel Văn chương 2010 - Cuốn tiểu thuyết đầy bạo lực

Thứ tư, ngày 26/12/2012 13:28 PM (GMT+7)
Dân Việt - Nobel Văn chương 2010 đã miêu tả trung thực và sắc sảo hiện trạng đầy man rợ và hoang dã trong Trường Cao đẳng quân sự Leoncio Prado, với giọng điệu phê phán công khai bè lũ quân sự đang hoành hành ở Peru.
Bình luận 0

"Lũ chó" trong "Thành phố và lũ chó" là danh xưng mà học viên các lớp trên của Trường Quân sự Leoncio Prado “tặng” cho các học viên lớp mới vừa chân ướt chân ráo bước vào trường năm đầu. Và đám lính tò te ấy, lũ “chó con”, ngơ ngác, sợ sệt, “chưa biết gì” ấy, rất nhanh chóng được nếm mùi vị thật của Trường Quân sự, mùi bạo hành, thứ bạo hành mà khi chúng lớn hơn, bản thân trở thành học viên lớp lớn, chính chúng sẽ đem áp dụng với đám “chó con” nhỏ tuổi hơn.

img
Tác phẩm đoạt giải Nobel 2010 từng gây scandal ngay từ khi ra mắt

Những năm niên thiếu quan trọng nhất của “lũ chó” đã trôi qua trong môi trường nghiệt ngã của ngôi trường quân sự, một nhà tù để chúng trưởng thành về mọi mặt, cả mặt sáng và mặt tối. Tình yêu, tình dục, tình bằng hữu, ý thức về trung thực, trách nhiệm và phẩm giá... tất cả rồi sẽ nảy nở và hình thành trong cái lò lửa đó, theo cách giống như tất cả chúng ta song cũng theo một cách riêng, rất riêng của lũ “chó con” trường quân sự dưới ngòi bút duyên dáng, sinh động, sục sôi khí lực của một trong những nhà văn hàng đầu Mỹ Latinh...

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Thành phố và lũ chó" được dịch từ tiếng Tây Ban Nha và là một cuốn tiểu thuyết đậm đặc "đực tính". Thế giới Latinh, kể cả Mỹ Latinh, luôn luôn nặng tính đực, nhưng hiếm khi nào cái đực tính ấy rõ ràng, đặc quánh, tràn trề như ở một số tiểu thuyết, trong đó có Thành phố và lũ chó.

Tác phẩm đầu tay của M.V. Llosa là nơi ông phô bày đặc tính này một cách hào phóng hơn bao giờ hết dù bối cảnh phát sinh câu chuyện diễn ra trong một môi trường kỷ luật nghiêm ngặt- một trường thiếu sinh quân toàn nam sinh, nghiệt ngã đến từng chi tiết ngủ dậy đánh răng xếp hàng... "Thành phố và lũ chó" hội tụ đầy đủ các yếu tố kỹ thuật viết văn mà sau này đã đưa M.V. Llosa lên hàng bậc thầy văn chương thế giới.

Tác giả người Peru Mario Vargas Llosa là một trong những nhà văn hàng đầu của khu vực Mỹ Latinh và trên thế giới, bên cạnh những tên tuổi như: Jorge Luis Borges, Gabriel Garcia Marquez… Ngoài tiểu thuyết, ông còn viết tiểu luận, phê bình, báo chí. M.V. Llosa được Viện hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương năm 2010.

Cho đến gần cuối tác phẩm, chắc chắn sẽ vẫn có vài người đọc bị tác giả đánh lừa ở một số chi tiết, mặc dù đã hết sức cẩn thận và ý thức rất rõ về cách bài binh bố trận chữ nghĩa và phương thức trần thuật ở văn chương Vargas Llosa. Và nhất là “đực tính” trong cuốn tiểu thuyết, nhiều lúc đến mức gây khó thở, nhiều hơn hẳn so với Dì Hulia và nhà văn quèn, hay "Trò chuyện trong quán Catedral".

Có nhiều công thức để tạo nên một tác phẩm gây được sự chú ý mạnh mẽ từ phía công chúng, một trong số đó là gây ra những luồng ý kiến đối lập, những cuộc tranh cãi xoay quanh cái gọi là giá trị đích thực của văn chương.

"Thành phố và lũ chó" có thể xem là một tác phẩm thành công theo đúng công thức trên, song, còn nhiều điều để chúng ta phải bàn luận về nó chứ không chỉ nhìn nhận cuốn tiểu thuyết của Mario Vargas Llosa như một câu chuyện được thuật lại với những điều mắt thấy tai nghe, những sự thật trần trụi ở trường võ bị danh tiếng Leoncio Prado và bị giới quân sự Peru coi là sự thóa mạ.

Nếu giải Nobel Văn chương 2010 được trao cho M.V. Llosa với lý do "đã thiết lập được bản đồ kết cấu quyền lực và vẽ lên những hình ảnh sắc nét về sự kháng cự, nổi loạn và thất bại của con người" thì độc giả khắp nơi trên thế giới tìm đọc tác phẩm của ông là bởi những miêu tả trung thực và sắc sảo hiện trạng đầy man rợ và hoang dã trong Trường Cao đẳng quân sự Leoncio Prado, với giọng điệu phê phán công khai bè lũ quân sự đang hoành hành ở Peru.

Người đọc được diện kiến một M.V. Llosa thực sự với một tấm lòng đầy nhiệt huyết cùng một quan điểm văn chương tích cực: “Văn học có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống thực tế. Vấn đề chỉ là ở chỗ, chúng ta không thể nào cân đo hết được ảnh hưởng đó.

"Thành phố và lũ chó" là tiêu thuyết đầu tay của M.V. Llosa. Khi nó được ấn hành lần đầu tiên ở Peru vào năm 1962, tác phẩm đã gây scandal đến độ có một ngàn bản sách đã bị đốt trong một buổi lễ chính thức diễn ra tại Trường quân sự Leoncio Prado. Cũng năm đó, cuốn sách được trao giải Biblioteca Breve, một giải thưởng tặng cho tác phẩm hư cấu hay nhất bằng tiếng Tây Ban Nha.

Cuốn sách đã được dựng thành phim vào năm 1985, do Francisco J. Lombardi đạo diễn. Đây được coi là một trong những bộ phim xuất sắc nhất của đạo diễn J. Lombardi và là tác phẩm gây nhiều tranh cãi của điện ảnh Pêru.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem