Nỗi ám ảnh ở buôn có "cái chết xấu bởi con ma"?

Thứ bảy, ngày 08/03/2014 19:05 PM (GMT+7)
Theo quan niệm của người Cơ Tu ở các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, chết do tự tử, chết đuối, tai nạn… là cái “chết xấu”, cái chết này có sự can thiệp của “con ma”.
Bình luận 0
"Ma" - Đấng siêu nhiên có sức mạnh vô hình khiến cộng đồng người Cơ Tu chỉ cần nghe tới cũng đủ khiếm đảm.

Lịch sử buôn Bút Tưa do ông A Lăng Tưa tạo nên. Những người lớn tuổi ở địa phương kể lại rằng, ông Tưa vốn là người giàu có nhất vùng, nhà có cả kho chứa lúa gạo, heo, trâu bò từng bầy chạy quanh nhà. Tấm lòng ông Tưa rất độ lượng.

Trong buôn ai khổ, ai đói ông đều ra tay giúp gạo, bắp, mỳ… mọi người coi ông là một tụ trưởng của buôn làng. Ông chính là linh hồn, là chỗ dựa vững chắc cho người dân Cơ Tu nơi đây.

Thế nhưng, vào năm 1979, khi ấy ông A Lăng Tưa 85 tuổi bỗng treo cổ chết tại nhà. Để thương nhớ người tụ trưởng, người Cơ Tu nơi đây lấy tên ông đặt tên cho buôn, từ đó buôn có tên gọi là Bút Tưa.
Cả làng chỉ trong thời gian ngắn vắng hoe.
Cả làng chỉ trong thời gian ngắn vắng hoe.

Buôn làng bị ám ảnh cái chết

Năm 2007, lại một cái “chết xấu” nữa đã xảy ra đối với buôn Bút Tưa, lần này đến lượt A Lăng Nhất treo cổ chết. Sau cái chết này, người dân nơi đây đã nghĩ tới cái “chết xấu” nhưng vẫn bình tĩnh để tiếp tục cộng sinh làm ăn.

Vào tháng Chạp vừa qua, cháu của A Lăng Nhất là A Lăng Tròn (32 tuổi), treo cổ tự tử bỏ lại vợ và 5 người con. Sau cái chết này đã khiến người Cơ Tu ở buôn Bút Tưa ăn ngủ không yên bởi ám ảnh của cái “chết xấu”. Nhiều tiếng xì xào đã được loan truyền khắp các buôn gần, buôn xa là Bút Tưa đã bị “ma ám”.

Trong khi hàng chục hộ dân của buôn Bút Tưa đang sống trong nỗi hoang mang thì vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán vừa qua, anh A Lăng Nghĩa (30 tuổi) lại treo cổ tự tử bỏ lại vợ và hai con thơ.

Lúc này, người trong buôn đều cho rằng, buôn mình đã bị con ma về phá. Họ bỏ hẳn mọi công việc ruộng nương, ở nhà sống trong nỗi khiếp hãi. Ban đêm không ai dám ra khỏi nhà vì sợ bị “con ma” bắt đi. Không ai dám ăn, dám ngủ, từ già đến trẻ tất cả đều hoang mang tột cùng.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông BNướch Quý, phó Chủ tịch UBND xã Sông Côn tỏ ra tiếc nối cho sự việc đã rồi. Theo ông Quý, trước ngày cả khu dân cư đồng loạt phá nhà cửa tháo chạy, một gia đình trong buôn đã bỏ đi trước, chính quyền xã cũng đã nắm bắt được tin này.

“Xã định từ ngày mồng 10 Tết sẽ cho lực lượng thanh niên xuống ở cùng bà con để tuyên truyền vận động, thế nhưng sự việc diễn biến quá nhanh khiến chính quyền không kịp trở tay” – ông BNướch Quý nói.

Lý giải 4 cái “chết xấu” của người dân buôn Bút Tưa, ông BNướch Quý cho biết, cả bốn người này đều có tiền sử mắc các chứng bệnh về thần kinh. Do không làm chủ được hành vi của mình nên đã dẫn đến hành động trên chứ hoàn toàn không có chuyện bị “ma ám” như quan niệm lạc hậu người dân Cơ Tu.

Trong tư duy lạc hậu của người Cơ Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, không có nỗi sợ hãi nào bằng buôn bị “ma ám”, tức đồng nghĩa với những cái “chết xấu” sẽ liên tiếp xảy ra. Chính vì vậy, những gia đình hiện sống ở gần địa điểm 17 hộ đã đập phá nhà cửa, vận chuyển đồ đạc tháo chạy trong đêm suốt một thời gian dài, sống trong kinh hãi đến phờ phạc cả người.

Nỗi khiếp đảm của những người này thậm chí không có ngôn từ nào để diễn tả hết, chỉ biết rằng họ sợ đến mức không dám ăn, không dám ngủ, không dám đi làm, ban đêm không dám bước ra khỏi nhà vì sợ bị “con ma” bắt đi.

Gia đình A Lăng Leo đã phải sống trong những ngày đỉnh điểm của nỗi lo như thế. Nhà Leo cách vị trí những gia đình mới đập phá nhà cửa chuyển đi nơi khác khoảng 300 mét, được ngăn cách bằng một cái suối cạn. Tuy mới 25 tuổi nhưng A Lăng Leo đã xây dựng cho mình một cơ ngơi khá đầy đủ, làm được nhà gỗ kiên cố, đồ đạc trong nhà chẳng thiếu thứ gì.
Vẫn còn đó nối ám ảnh mang tên Bút Tưa.
Vẫn còn đó nối ám ảnh mang tên Bút Tưa.

Tiếp chuyện chúng tôi, vợ chồng A Lăng Leo vẫn còn những nỗi bàng hoàng in rõ trên nét mặt và run run qua câu nói. Leo kể lại: “Cả nhà mất mấy ngày không ăn được, không ngủ được, không dám đi làm, ban đêm phải khóa kín hết các cửa, vợ chồng con cái nằm im thin thít".

"Mỗi khi nghe có tiếng động từ bên ngoài là run lên cầm cập. Đứa con nhỏ cũng biết sợ, nó không dám khóc lóc như mọi khi. Buổi tối vợ đi vệ sinh mình phải dắt đi, hai vợ chồng sợ lắm!...”. Để chấn an nỗi sợ hãi, vợ chồng A Lăng Leo lấy cây xương rồng treo quanh nhà để chặn “con ma”.

Buôn sẽ cúng ma?!

Phó Chủ tịch UBND xã Sông Côn, huyện Đông Giang, ông BNượch Quý cũng là người Cơ Tu nên hiểu rất rõ những hủ tục lạc hậu truyền qua ngàn đời và ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào mình. Ông Quý cho biết, vào ngày 27 (âm lịch) tới đây, buôn Bút Tưa sẽ tổ chức cúng cho “con ma” có tên là Pơ Rong.

Việc cúng vái này được tổ chức tại hai địa điểm là nơi người dân đã đập phá nhà cửa chuyển đi và nơi vừa chuyển đến. Lễ cúng có thể là con heo hoặc con chó, cúng làm 4 lần.

Lần thứ nhất và thứ hai người ta sẽ khoanh vùng nơi vừa chuyển đến và chuyển đi, trong 3 ngày sau khi cúng bất luận có chuyện gì cũng tuyệt đối không ai được bước vào khu vực này, nếu ai vi phạm cho dù là vô ý cũng sẽ phải lãnh hết mọi hậu quả của cả buôn nếu có xảy ra chuyện gì, kể cả ốm đau, bệnh tật. Và họ sẽ phải cúng như thế cho đến lần thứ 4 mới thôi.

Luật tục của người Cơ Tu cũng quy định, trong suốt một năm này, người dân trong buôn chỉ được làm ăn gần nhà, không được lên nương, rẫy, vì sợ “con ma” sẽ tiếp tục theo về quấy phá. A Lăng Sỹ (36 tuổi) lo lắng: “Năm nay chắc là buôn mình đói rồi, không lên rẫy làm nương được, không có lúa, không có bắp”. A Lăng Leo thì chỉ vào 8 bao lúa để ở góc nhà than thở: “Số lúa này thì không thể đủ ăn trong một năm được”.

Nỗi ám ảnh “con ma” và bắt đi bằng cái “chết xấu” khiến không ít người còn nảy sinh việc đổi tên buôn Bút Tưa vốn đã có hàng chục năm qua thành một tên khác. Anh A Lăng Sỹ tâm sự: “Bút Tưa đã bị ma ám, phải bỏ tên đi thôi, cứ gọi bằng cái tên đó con ma sẽ còn theo!...”. Mấy người đang ngồi trong nhà A Lăng Leo cố uống rượu say để “vơi đi cái sợ” cũng gật đầu đồng tình

Phó Chủ tịch BNướch Quý còn cho biết, giấc mơ đối với người Cơ Tu là sự linh thiêng tuyệt đối, cho đến giờ vẫn không ai có thể thay đổi ý chí của họ làm trái với giấc mơ. “Đêm nằm chiêm bao thấy điềm dữ lập tức ngày hôm sau chỉ ở nhà, không đi đâu hết, dù có chết đói họ cũng không đi!..” - BNướch Quý nói.

Còn A Lăng Sỹ lại cho biết, khi đi vào rừng mà nghe tiếng chim jan kêu bên tay trái lập tức phải quay về, có cho vàng, cho ngọc họ cũng không đi vì vẫn coi đó là điềm dữ.
Ngô Khắc – Thăng Hoa (Dòng Đời) (Ngô Khắc – Thăng Hoa (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem