Nới biên độ tỷ giá: Mua bán USD sẽ khó khăn hơn

Phương Hà (thực hiện) Thứ năm, ngày 20/08/2015 07:00 AM (GMT+7)
"Rất có thể NHNN sẽ sử dụng các biện pháp hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp. Cá nhân sẽ không được mua bán ngoại tệ, thị trường ngoại hối tự do sẽ bị thắt chặt".
Bình luận 0

Từ đầu năm tới nay, ngoài 3 lần phá giá VND tổng cộng 3%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn có 2 lần nới biên độ tỷ giá, từ +/-1% được áp dụng suốt hơn 4 năm qua, lên đến +/-3% ngày 19.8. Đặc biệt, hai lần nới biên độ tỷ giá trong vòng 1 tuần trở lại đây đã gây tác động không nhỏ đến thị trường bởi nó phá vỡ cam kết từ đầu năm là giữ tỷ giá biến động không quá 2%, mà nay đã lên tới 5%.

Mặc dù NHNN cho biết với hai lần điều chỉnh biên độ tỷ giá mới, tỷ giá USD/VND hiện đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016; tuy nhiên, thị trường vẫn không khỏi lo ngại về những chính sách điều hành tiếp theo của NHNN.

img

Dân Việt đã trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu quanh vấn đề này.

Thưa ông, ông bình luận gì về quyết định nới biên độ tỷ giá thêm +/- 1% của NHNN?

- Quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN ngày 19.8 tôi cho rằng rất kịp thời. Với việc nới biên độ tỷ giá cùng cường độ trong một khoảng thời gian rất ngắn (1 tuần) chứng tỏ NHNN đang phải đối phó với căng thẳng. Tuy nhiên, liệu phá giá 1% nữa như vậy đã dung hòa được tác động hiện tại đang diễn ra trên thị trường ngoại hối hay không? Nó hạ nhiệt được căng thẳng nhưng liệu đã đủ liều lượng hay không?... là những câu hỏi chúng ta đều quan tâm và muốn tìm câu trả lời.

Ông có cho rằng với lần điều chỉnh  này tỷ giá sẽ  có dư địa đủ lớn để từ nay đến 2016 sẽ không có những biến động nữa hay không?   

- Tôi cho rằng  từ nay đến cuối năm vẫn khó để tìm sự ổn định về tỷ giá, bởi áp lực trên thị trường ngoại hối sẽ còn tiếp tục và áp lực  đó sẽ đến từ nhiều khía cạnh. Cụ thể, đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ còn biến động, mà như chúng ta đã thấy là   Ngân hàng TW Trung Quốc đang từ bỏ chính sách đồng tiền nhân dân tệ mạnh để xác lập đồng nhân dân tệ yếu để tiến tới thả nổi theo thị trường. Điều này sẽ kéo theo nhiều đồng tiền của các quốc gia khác vào “cuộc chiến tiền tệ”. Không những thế, hiện nay nhiều quốc gia khác cũng đã thả nổi đồng tiền của họ (như Thái Lan). Chính vì vậy đồng tiền của chúng ta chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều, và doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta cũng sẽ chịu tác động không nhỏ.

Ngoài ra, sắp tới, Ngân hàng Liên bang Mỹ cũng sẽ chuyển từ chính sách nới lỏng tiền tệ sang thắt chặt, do đó một khi đồng tiền của mình vẫn neo theo đồng USD mà chúng ta không điều chỉnh kịp thời thì sẽ chịu những ảnh hưởng  nặng  nề, làm hạn chế xuất khẩu, tăng nhập siêu rất mạnh… Chính vì vậy tôi cho rằng  chính sách tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ còn đặt trong cơ chế rất linh hoạt.

Theo dự báo của ông, sau nới biên độ tỷ giá sẽ là động thái gì tiếp theo của NHNN?

- Sau động thái nới biên độ tỷ giá vừa qua rất có thể NHNN sẽ sử dụng các biện pháp hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp. Cá nhân sẽ không được mua bán ngoại tệ, thị trường ngoại hối tự do sẽ bị thắt chặt.

Thậm chí những năm trước đây khi tình hình thị trường ngoại hối căng thẳng NHNN còn quy định ngừng giao dịch ở các NHTM vào một số thời điểm nhất định. Hoặc sẽ tăng lãi suất tiền gửi VNĐ để ngăn chặn tiền đồng chảy sang USD…

Việc nới biên độ lên tới +/-3% đã đủ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ hay không?

- Việc nới thêm biên độ tỷ giá sẽ có tác động trực tiếp giúp mặt hàng nông sản của chúng ta như gạo, thủy sản… có giá xuất khẩu rẻ hơn, tăng tính cạnh tranh hơn. Đồng thời làm giảm hàng nhập khẩu, giảm nhập siêu. Tuy nhiên, sẽ làm tăng lạm phát, tăng nợ công tính theo đồng Việt Nam.

Nhưng tôi cho rằng với biện độ +/- 3% như hiện nay vẫn chưa đủ thuận lợi cho xuất khẩu. Bởi hiện tại Việt Nam vẫn đang theo đuổi chính sách đồng tiền mạnh (để hỗ trợ xuất khẩu) trong khi Trung Quốc đã dần dần bỏ chính sách này để chuyển sang chính sách đồng tiền yếu. Chính vì vậy tôi cho rằng Việt Nam cũng nên xem xét để sử dụng chính sách đồng tiền yếu cho phù hợp với xu thế.

Xin cảm ơn ông!

- Ngày 7.1.2015 NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD/VNĐ với mức điều chỉnh 1%

- Ngày 7.5.2015 NHNN tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1%

- Ngày 19.5.2015 NHNN tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1%

Ngoài 3 lần điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD, NHNN cũng có hai lần nới biên độ tỷ giá mỗi lần thêm +/-1%, từ mức +/-1% lên +/-3%, lần nới thứ nhất vào ngày 12.8.2015 và lần thứ 2 vào ngày 19.8.2015.

Như vậy, cho đến thời điểm này tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD đã được điều chỉnh tăng thêm 5%. Trong khi trước đó, ngày 24.12.2014, trả lời về định hướng điều hành chính sách tài chính tiền tệ trong năm 2015, Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết: “Mục tiêu sẽ giữ biên độ điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm 2015 để đảm bảo ổn định của thị trường ngoại hối”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem