Nỗi buồn ẩn sau đồng tiền từ thiện

Tùng Anh – Lê San Chủ nhật, ngày 26/07/2015 07:09 AM (GMT+7)
Làm từ thiện là một hành động nhân ái, nhân văn cao cả. Tuy vậy, đồng tiền từ thiện sẽ trở thành bi kịch và “méo mó” nếu như người cho không biết cách cho và người nhận không hiểu cách nhận…
Bình luận 0

Khi tiền “rơi vào đầu”

Thông tin Nguyễn Hào Anh (19 tuổi) - người vừa bị công an  bắt về hành vi trộm cắp tài sản đã khiến dư luận bàng hoàng và “sốc”. Đặc biệt, đối với những người trước đó đã từng rớt nước mắt thương xót, và gom góp tiền ủng hộ cho cậu bé Hào Anh bị vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức hành hạ, đánh đập dã man thì thông tin này đã khiến họ vô cùng thất vọng.

img

Anh Tuấn và 2 cô con gái Huyền và Thoại vào thời điểm còn sống trên vỉa hè đường Nguyễn Hữu Thọ năm 2014 khiến  nhiều  người thương cảm và giúp đỡ. Ảnh: Như Quỳnh

Trên thực tế, câu chuyện tương tự như Hào Anh không hề hiếm. Tháng 8.2013, một người mẹ trẻ tên Nguyễn Trần Hoài Thắm (Hải Châu, Đà Nẵng) lên mạng xã hội Facebook kể lể về bệnh tình của con trai là bé Coca (tên thật Hồ Nam) bị bệnh tim bẩm sinh và kêu gọi mọi người hỗ trợ tiền cho bé phẫu thuật. Được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, số tiền ủng hộ sau đó đã vượt mức chi phí cần thiết cho cuộc phẫu thuật (240.000.000 đồng). Sau đó, dư luận lại được phen sôi sục khi nghe tin người mẹ này đã tiêu hoang phí số tiền ủng hộ  vào việc mua Ipad, Iphone… Tháng 9.2014, sau thông tin bé Kim Ngân (4 tuổi) tại Dĩ An (Bình Dương) bị mẹ đẻ và cha dượng đánh đập dã man, rất nhiều người đọc đã thương cảm và gửi tiền để ủng hộ cho bé chữa trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, sau đó đã xuất hiện nhiều thông tin không hay về việc bà ngoại bé Ngân đã  giành giữ số tiền từ thiện này làm... của riêng.

Cũng thời điểm này, những bức ảnh chụp 3 bố con bé Huyền – Thoại (6 và 7 tuổi) phải sống lay lắt trên lề đường cạnh cao ốc trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TP.Hồ Chí Minh) được lan truyền trên các trang mạng xã hội khiến cho không ít người xem phải xót xa. Rất nhiều người đã quyên góp tiền, quần áo, vật dụng với trị giá 60 triệu đồng để 3 bố con có tiền thuê nhà, sinh hoạt. Vậy nhưng, chỉ sau đó ít lâu, người cha đã “nướng” sạch số tiền vào cờ bạc, rượu chè…

Những câu chuyện như Hào Anh, mẹ bé Coca, bố 2 bé Huyền – Thoại… đã khiến không ít Mạnh Thường Quân mất lòng tin và phải “cảnh giác” khi muốn mở lòng từ thiện.

Đừng “xoa dầu cù là”

Chị Nguyễn Thị Nam (Hà Nội) – hội viên Nhóm từ thiện tự phát Cánh Sen Hồng rất thấm thía triết lý về việc “cho như thế nào?”. Chị Nam cho biết: “Một năm trước,  tôi bắt gặp một phụ nữ bế một đứa trẻ sơ sinh ngồi co ro trong 1 cây ATM trên đường phố Nguyễn Trãi. Hỏi ra  được biết hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chị phải bỏ quê mang theo con vừa sinh lên thành phố đi xin ăn. Tôi đã lên mạng kêu gọi bạn bè có đồ dùng sơ sinh, bỉm sữa ủng hộ cho bé. Số tiền và đồ dùng ủng hộ sau đó lên tới 50 triệu đồng, đủ để chị này thuê nhà ở không phải lang thang ngoài đường. Tuy nhiên, 3 tháng sau tôi  gặp lại chị ấy cùng đứa trẻ đó trên đường. Chị ấy không thay đổi, không kiếm việc làm mà vẫn muốn ỷ lại vào từ thiện”.

 Chị Nam cũng cho biết,  rút kinh nghiệm từ trường hợp này, sau đó với những đối tượng như trên nhóm của chị chủ yếu giới thiệu, vận động và liên hệ giúp họ về các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc tìm công việc ổn định cho họ. “Cho tiền, cho hiện vật chỉ giống như “xoa dầu cù là”, chỉ được lúc đó thôi. Nhiều người nghèo, gặp khó khăn nhưng không biết trân trọng đồng tiền được cho vì họ nghĩ nó là tiền từ… trên trời rơi xuống” – chị Nam nói.

Đồng tình với quan điểm trên, chị Hoàng Mai (Nhóm từ thiện Yêu Vùng Cao) cũng chia sẻ: “Trước, với những chương trình từ thiện ở các xã nghèo miền núi, chúng tôi chủ yếu quyên góp quần áo, sách vở rồi chuyển đến cho các cá nhân. Nay, thay vì cách làm cũ, chúng tôi xây nhà, xây điểm trường cho học sinh. Mình trực tiếp làm, trực tiếp mời thợ đến, còn người dân góp sức”. Chị Mai cũng cho biết, đối với một số trường hợp, nhóm của chị phối hợp với bộ đội biên phòng để quản lý số tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ. Cách hiệu quả nhất là lập tài khoản riêng và quản lý tiền, khi nào cần dùng thì chi cho người cần giúp đỡ.

Tương tự, bà Hoàng Thị Tâm – Chủ tịch Hội Tích thiện liên phường Hà Nội cũng cho biết: “Hầu hết các hỗ trợ của Hội theo hướng vừa trợ giúp giải quyết khó khăn trước mắt, vừa hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho người nghèo. Như chương trình hỗ trợ bò, lợn giống cho nông dân ở Sơn La… Hàng năm chúng tôi đều về những nơi đó để theo dõi hiệu quả của công tác hỗ trợ. Từ thiện kiểu đó sẽ giúp người dân thoát khỏi bi kịch “đồng tiền rơi vào đầu”, vừa tạo công ăn việc làm ổn định cho họ”. 

Thẩm định nhân cách của người nhận tiền

Khi không có kỹ năng, thiếu nhận thức, lại cầm một số tiền lớn, đặc biệt, số tiền đó lại không phải là những đồng tiền do chính mồ hôi nước mắt mình làm ra, rất nhiều người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khi được  hỗ trợ sẽ không biết quý trọng những đồng tiền đó. Họ dùng nó để mua những thứ đồ xa xỉ, tiêu vào xe máy, điện thoại, chơi bời hưởng thụ... Chính vì vậy, ngoài việc “giữ tiền” các tổ chức nên giám sát và thẩm định nhân cách cũng như khả năng của người được nhận tiền hỗ trợ.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy  Quý nhất là sự vươn lên của bản thân

Nguyên tắc của chúng tôi là chỉ chuyển tiền từ thiện  sau khi đã có khảo sát kỹ về hoàn cảnh và nhu cầu của người cần hỗ trợ. Tuy quỹ chưa giúp đỡ trường hợp nào có hoàn cảnh giống với em Hào Anh, nhưng theo chúng tôi, việc giúp đỡ một con người không chỉ đơn giản là đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất cho họ. Cái cần thiết hơn là hỗ trợ cho họ về giáo dục, nghề nghiệp để họ có thể có những kỹ năng đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống của mình trong tương lai mà không phải phụ thuộc vào tiền từ thiện. Làm sao để cuối cùng những trường hợp như Hào Anh hiểu rằng, không sự giúp đỡ nào bằng chính sự vươn lên của bản thân.

Bà Phan Thu Thủy-

Thường trực Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng của Báo Lao Động Làm từ thiện cũng cần có văn hoá

 Do xã nghèo nên chúng tôi vẫn hay nhận được nhiều sự hỗ trợ cho người dân từ các nhà hảo tâm như quần áo, chăn màn, bánh kẹo… Một trong những hình thức phổ biến đó là tặng quần áo ấm, rất cần thiết cho người dân trong mùa đông giá rét. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyến hàng của các nhóm từ thiện quần áo không được chọn lọc kỹ càng, rách nát, hoặc quá bẩn. Chúng tôi mang quần áo đặt ở trụ sở xã rồi kêu gọi bà con đến phát nhưng ít người nhận vì mang về không sử dụng được. Tự nhiên một chương trình nhân văn, tốn công tốn sức như thế thành ra thất bại. Họ cảm thấy sự thương hại nhiều hơn là chia sẻ. Tôi nghĩ làm từ thiện cũng cần phải có văn hoá.

Ông Khoàng Văn Bun – Bí thư xã Nậm Nèn,huyện Mường Chà, Điện Biên Cần những chương trình dài hơi

Nhiều năm làm từ thiện, tôi thấy hiện nay việc từ thiện vẫn chưa được làm đúng cách. Nhiều người khi biết tới các hoàn cảnh thương tâm đã nhanh chóng gửi tiền từ thiện mà chưa tìm hiểu kỹ sự việc, đối tượng. Không tránh khỏi được “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Số tiền được gửi về tập trung một cá nhân, trong khi xung quanh đó cũng còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn. Rút kinh nghiệm việc này, nên nhiều năm nay chúng tôi đã có hoạt động điều phối, phối hợp với chính quyền địa phương, các bệnh viện để biết được chính xác, cụ thể đối tượng cần được hỗ trợ. Và chuyển sang thực hiện những chương trình từ thiện dài hơi mang tính hỗ trợ được cho cả cộng đồng hơn là hỗ trợ cá nhân.

Bà Phạm Lan Anh, trưởng nhóm chia sẻ yêu thương Hà Nội

 Diệu Linh- PV (ghi) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem