Năm 2017, khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên ở mức hơn 2.300 USD, nhiều lời chúc mừng gửi tới Thủ tướng, nhưng ông đáp lại, "một đất nước có thu nhập bình quân đầu người như vậy thì có gì quá phấn khởi, mà còn là nỗi buồn bực của người làm lãnh đạo".
Năm 2018, con số này đạt được ở mức hơn 2.500 USD, mức tăng khá mạnh. Năm 2019, tiếp tục đà này khi đạt được khoảng 2.800 USD, nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì con số này còn đạt ngưỡng trên 3.000 USD. Thủ tướng vẫn thấy buồn bực và cho hay đó sẽ luôn là nỗi buồn bực trong suốt nhiệm kỳ này của ông.
Bởi những gì mà Thủ tướng thấy vẫn là đời sống người dân còn khó khăn quá. “Tôi được nghe kể người dân chạy bão mà đồ đạc không có gì cầm theo, chỉ ôm theo con lợn lên thuyền chòng chành”, Thủ tướng ngậm ngùi, “đừng chỉ nhìn các con số mà vội thấy vui, hãy nhìn, hãy nghe về những cảnh đời. Thực tế đó luôn làm cho chúng ta day dứt, trăn trở”.
Ngay trong mùa đại dịch Corona, cũng đã có những câu chuyện không khỏi chạnh lòng. Như một giáo viên tại huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) bị kiểm điểm chỉ vì bán lại khẩu trang cho học trò cao hơn giá mua được. Người thầy này mua 2 hộp khẩu trang y tế, với giá 130.000 đồng/hộp (50 cái) và bán lại cho học trò với giá 3.000 đồng/cái.
Bán được 20 cái, trong đó có duy nhất 1 cái con gái thầy bán với giá 4.000 đồng vì không có tiền thừa trả lại, bị nhà trường kiểm điểm và thầy giáo cũng nhận lỗi do nhận thức chưa đầy đủ về việc bán khẩu trang giá cao hơn là sai quy định của các cơ quan chức năng trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
Lẽ ra, người thầy có thể mua khẩu trang và phát miễn phí cho học trò. Chắc chắn người thầy này cũng mong muốn thế, nhưng đành bán để cho “hòa vốn”, bởi đồng lương giáo viên quá eo hẹp, vất vả trong cuộc mưu sinh, dẫu chỉ hơn trăm nghìn đồng, với thầy cũng đã là “vung tay quá trán”…
Tổng chỉ huy chống dịch COVID-19, không chỉ đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân, Thủ tướng còn hàng loạt yêu cầu, trong đó có cả những yêu cầu tưởng như rất nhỏ như không được để tình trạng bất an, không tốt đối với người bị cách ly, từ các bữa cơm hàng ngày cho họ cũng phải cố gắng đủ chất để tăng sức đề kháng trước dịch bệnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu miễn hoàn toàn chi phí khám, chữa bệnh người nhiễm COVID-19 và kêu gọi các địa phương trích một phần ngân sách địa phương để hỗ trợ chi trả chi phí tiền ăn đối với các trường hợp bị cách ly y tế . “Túi tiền” ngân sách dù eo hẹp, nhưng trong 2 tháng qua, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng chống và dập dịch COVID-19.
Chỉ tính riêng ngân sách Trung ương, trong 2 tháng đầu năm đã trích 517,7 tỷ đồng dự phòng năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
Đại dịch rồi sẽ qua đi. Các nước giàu nơi “tâm bão” như Trung Quốc, Anh, Đức… sẽ nhanh chóng trở về nhịp phát triển thường lệ của họ, dường như là chỉ trong sớm chiều lại sầm uất, thịnh vượng. Nhưng ở Việt Nam, nơi mà GDP tới năm 2019 mới chỉ trên 266 tỷ USD, trong khi ở Trung Quốc, là hơn 14.000 tỷ USD. Gắng gượng lại sau “cơn bão”, đối với Việt Nam, thực sự thách thức to lớn.
Có thể sau mùa đại dịch, còn nhiều hơn nữa những cảnh đời rơi lệ. Thủ tướng hiểu hơn hết về điều này, bởi trong 4 năm qua, ngay cả những lúc nền kinh tế có những phút giây thăng hoa nhất, thì ông cũng chưa từng thực sự vui. Nỗi buồn bực của Thủ tướng, vào thời khắc này, càng thôi thúc để ông thêm bền gan, vững chí.
Như theo thực tế, trong 4 năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng luôn nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ trong điều hành năm sau phải đạt kết quá cao hơn năm trước.
Một dân tộc sẽ ngày càng mạnh mẽ, vững vàng hơn trước sóng gió, khi những người làm lãnh đạo luôn mang trong lòng nỗi buồn bực như vậy.
Lê Châu (baochinhphu.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.