Nợ nần ngập cổ
Thôn Phước Bình 3 (xã Cửu An, thị xã An Khê, Gia Lai) nay đổi tên thành An Điền Nam 1. “An Điền” cái tên nghe thật bình an, vậy mà từ ngày rời thôn, mấy chục hộ dân vẫn chưa có một ngày bình yên...
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2012/images/2012-10-02/1434720112-236_9_sat-lo.jpg) |
Dù có bờ kè, nhưng kiểu làm tạm bợ như thế này không ngăn được suối Cát “nuốt” đất đai, nhà cửa của người dân. |
Chị Trần Thị Thanh Trà ngay cả Pleiku cũng chưa đặt chân qua, thế mà đã dăm lần ra tận Hà Nội. Cũng vì bức xúc, vì muốn hỏi cho ra lẽ mấy việc của gia đình, của dân thôn, chứ sướng sung cái nỗi gì mà vay tiền nóng đi Hà Nội? Hồi còn ở Phước Bình 3, vợ chồng chị Trà có cái nhà cũng kha khá. Do thủy điện chạy qua nên người ta lấy nhà của chị rồi trả cho 30 triệu đồng.
Lên khu tái định cư, chị bỏ ra 17 triệu đồng để lấy một lô đất. Số tiền còn lại, chị định vay thêm chút nữa cất lại cái chỗ ra vào. Thế nhưng nghe ông Minh bên Ban 7 (Ban quản lý Dự án Thủy điện 7) nói chắc như đinh đóng cột rằng: Bà con phải xây nhà lớn thì mới được hỗ trợ đủ 120 triệu đồng nên chị Trà chạy khắp nơi vay mượn.
Nhà làm xong, ông Minh lại bảo, nếu nhà nào có giếng, công trình phụ thì được hỗ trợ thêm tổng cộng hơn 40 triệu đồng nữa, chị lại tiếp tục vay tiền làm. Mọi thứ đã xong xuôi nhưng chờ mãi mà chẳng thấy ai nói gì đến chuyện hỗ trợ.
Nợ nần vây quanh, bức bí, chị Trà mới chạy khắp nơi để hỏi cho rõ. Đơn khiếu nại được chị gửi khắp nơi, cuối cùng chạy về xã rồi nằm im. Một ngày nọ, người ta phát cho chị cùng mấy chục hộ khác mỗi hộ một mảnh giấy không đầu, không đuôi có ghi 4 khoản tiền, có chữ ký của một cán bộ ở UBND thị xã An Khê, nhưng không thấy ghi chức danh. Giấy phát xong rồi tiếp tục lặng im đến giờ.
Ông Trần Ngọc Yến nay đã quá 80 tuổi nhưng sống cảnh gà trống nuôi con. Con gái ông tuy đã lớn, nhưng chưa chồng, không nghề nghiệp nên chủ yếu sống dựa vào lương hưu của bố. Tằn tiện, 2,6 triệu đồng/tháng, bố con họ cũng tạm gọi là đủ cái ăn.
Nhưng khổ nỗi, cũng như chị Trà, họ nợ nần ngập cổ vì cố xây nhà to để được hỗ trợ. Thế nhưng ngay cả 5 triệu đồng tiền thưởng cho ông vì chấp hành tốt, lên khu tái định cư sớm, họ còn chưa trả nói gì đến các khoản lớn hơn. Đất cũ bị thủy điện lấy sạch, bố thì già, con thì chẳng có việc gì làm ở cái xứ An Điền heo hút ấy, ở trong căn nhà lớn mà mỗi lần về đến là ruột ông Yến lại đau.
An Điền có 30 hộ dân thì may mắn lắm mới có 1-2 nhà không thiếu nợ. Đất đai cũ được đền bù chẳng mấy, mà lên đây, tin Ban 7, ai cũng cố xây nhà to thành ra phải vay mượn hết. Cái xứ vốn cát trắng như biển giờ thêm “họa” này, dân sao có thể được “an”?
Thượng nguồn nổi sóng
Đã giữa thu mà ở phía thượng nguồn sông Côn, cái nắng vẫn hành hạ cây cối đất đai. Nhưng lạ lùng, dưới sông nước vẫn cuồn cuộn chảy. Suối Cát ngày xưa rộng chừng chục bước chân, giờ đã mở ra cả trăm mét. Con suối hiền hòa cả bao đời nay ngờ đâu giờ lại hung hãn há miệng nuốt hết đất đai của hàng trăm hộ dân 4 thôn, thuộc 2 xã Tây Giang, Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định).
Hồi mới xả nước, Thủy điện An Khê- Ka Nát đã biết chuyện này nên đóng cọc tre, dằn bao cát để ngăn suối Cát “nuốt” làng. Nhưng, con suối này toàn cát, làm sao nó chống chọi được với dòng nước dữ? Thực tế đã chứng minh, thủy điện chỉ cần xả nước vài lần thôi đã đánh tan được cái bờ kè tạm bợ ấy.
Chuyện đi rẫy, học hành, chợ búa... của bà con ở Tây Thuận thực ra Ban 7 đã khắc phục. Họ đầu tư miễn phí cho dân một con đò. Chỉ có điều con đò đó không hữu dụng, bởi nếu suối cạn đi bộ nhanh hơn, còn khi nước dữ, xuống đò coi như đã nhìn thấy tử thần.
Vậy mà nghe đâu, trả lời báo chí, ông Võ Lũy - Trưởng ban 7, cho biết sẽ tiếp tục dùng phương án đóng cọc tre, dằn đất đá để chống sạt lở… Nhà ông Phạm Thanh Hải (thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận), nằm ngay bên bờ suối Cát. Mấy tháng nay, cứ mỗi ngày đi về, nỗi lo ngôi nhà của mình té ùm xuống suối trong ông càng lớn hơn.
Theo tính toán của chính quyền, có khoảng 300 hộ dân của Tây Giang và Tây Thuận bị ảnh hưởng bởi dòng nước của An Khê- Ka Nát. Sau mấy trận xả lũ đầu tiên, Ban 7 đã thống kê diện tích thiệt hại và bồi thường cho dân một cách rất đàng hoàng. Song thực ra, nhà nông cần tiền mua thêm đất chớ không ai bán hết đất lấy tiền.
Ngoài chuyện mất đất, ở 2 xã nghèo này có nhiều vấn đề mà chưa chắc tiền đã giải quyết được. Bữa thấy nước cạn, vợ chồng ông Bảy Ngà lội suối Cát qua rẫy. Đang thập thõm giữa dòng thì bên trên nước ầm ầm giội xuống. Chậm một chút nữa thôi là ông bà đã về với tổ tiên. Từ đó, nhiều người chấp nhận đi đường vòng sang rẫy, nhưng cũng không ít người đánh liều đi đường tắt.
Chẳng ai nói với dân nước sẽ về lúc nào, cứ thấy suối yên yên thì đánh liều qua thôi. Chưa ai bị níu chân nhưng người đối mặt với Hà Bá đã nhiều. “Nào có ai muốn chết, khó quá nên liều thôi! Chở đồ bên kia về bằng đường tắt chi phí mất 80.000, còn cái để ăn, chứ đi đường vòng chi phí tăng gấp 3, lấy tiền đâu bù vào?” - ông Nguyễn Ngọc Kính (thôn Trung Sơn 2), phân bua.
Kỳ cuối: Bên dòng sông chết
Duy Hậu - Quốc Dinh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.