Bức ảnh chân dung Beth, 20 tuổi, người Philippines từng bị nhà chủ bạo hành được trưng bày trong một triển lãm ở Hong Kong. Ảnh: CNN
Beth cho biết, cô bị chị gái bán làm ôsin (người giúp việc) cho một gia đình ở Manila khi mới chỉ 10 tuổi. Kể từ đó, hàng ngày Beth phải dậy từ 4h sáng để làm tất cả các công việc nhà và chăm sóc con cái của chủ.
Làm việc chẳng khác nào một nô lệ, nhưng Beth không được chủ trả đồng nào. Cô còn bị chủ bạo hành bằng những ngón đòn tàn nhẫn mỗi khi sơ suất mắc lỗi, hoặc thậm chí, chẳng vì lý do gì mà chỉ do tâm tình bà chủ không tốt.
Sau 7 năm bị bạo hành và giam cầm trong ngôi nhà địa ngục đó, Beth may mắn trốn thoát. Từ khi bị bán đi làm ôsin, cô chưa từng được đi học, xem phim, nghe nhạc...
Susi, một ôsin 30 tuổi người Indonesia cũng chia sẻ về khoảng thời gian gần 1 năm sống trong địa ngục vì bị chủ bạo hành dã man.
"Lần đầu tiên bà chủ đánh tôi là vào ngày trả lương. Bà chủ bắt tôi ký tên vào một tờ giấy viết rằng, bà ta đã trả đủ lương cho tôi. Tôi băn khoăn hỏi lại thì bà chủ đánh tôi. Tôi chỉ được phép ngủ 4 tiếng mỗi ngày. Bà chủ cũng chỉ cho phép tôi sử dụng nhà vệ sinh 3 lần/ngày và không cho tôi nghỉ ngày nào", Susi, tên thật là Tutik Lestari Ningish chia sẻ.
Gương mặt buồn bã của ôsin Susi - người từng bị người chủ Đài Loan đối xử như nô lệ. Ảnh CNN
Ôsin này bị bà chủ tên là Law Wan-tung, người Hong Kong giam lỏng, đe dọa và hành hung sau khi tới đây làm việc thông qua một văn phòng tư vấn việc làm.
Chủ của Susi thậm chí còn đe dọa giết cả nhà cô để ngăn ôsin chạy trốn.
"Bà ấy đe dọa: Nếu mày dám hé răng tố cáo, hoặc cố bỏ trốn, tao sẽ giết mày và cả nhà mày. Tao nói là sẽ làm. Tôi đã rất sợ hãi. Tôi cố chịu đòn, chỉ cầu mong bà ta không đánh chết tôi. Tôi còn phải nuôi con trai nhỏ. Đây là lần đầu tiên tôi đến Hong Kong làm việc, tôi không biết bất cứ điều gì ở đây, không biết làm thế nào để bảo vệ chính mình", Susi chia sẻ và cho biết thêm rằng, cô chỉ may mắn trốn thoát sau gần một năm bị hành hạ.
Sau một thời gian, cô mạnh dạn lên tiếng tố cao bà chủ Law, người bị cáo buộc phạm 18 bao gồm giam lỏng, đe dọa hình sự và xâm hại thân thể người khác. Với những tội danh trên, bà chủ Law phải trả giá bằng 6 năm tù.
Một nạn nhân khác cũng bị chủ bạo hành khi làm việc ở Malaysia tên là Sumasri, người Indonesia đã tiết lộ những mảng sẹo rất lớn trên lưng của cô do bị chủ dội nước sôi trong một bức ảnh được trưng bày tại triển lãm ở Hong Kong nhằm phơi bày nỗi đau của phận ôsin bị bạo hành.
Những mảng sẹo lớn trên lưng ôsin Sumasri do bị chủ hành hạ. Ảnh CNN
Trong một bức ảnh khác, ôsin Sritak thậm chí có hàng chục vết sẹo lớn trên lưng - vết tích tố cáo những trận đòn tàn nhẫn từ người chủ ở Đài Loan của cô.
Suay Ing, người Myanmar, năm nay 31 tuổi, đi giúp việc cho một gia đình tại thành phố Chiang Mai, phía bắc Thái Lan từ lúc 9 tuổi với mức lương còm cõi 10 USD (khoảng 220.000 đồng) mỗi tháng. Cô thường bị chủ đánh đập, cắt bớt lương và thậm chí là bỏ đói trong suốt những năm làm việc ở đây.
“Ông ta thường nói: Cô muốn tôi phạt thế nào? Cô có muốn ăn tát? Hay cô muốn tôi lấy tiền lương của cô?”, Ing nay đã 31 tuổi nhớ lại chuỗi ngày sống như địa ngục vì bị chủ hành hạ trước đây.
Nhà báo Karen Emmons, người tổ chức triển lãm ảnh phơi bày số phận đau khổ của những ôsin bị chủ bạo hành chia sẻ, cô bắt tay vào thực hiện dự án này bởi đã liên tục nghe hàng loạt câu chuyện đau lòng trong nhiều năm qua.
Ước tính, 41 trong tổng số 53 triệu người làm giúp việc nhà trên toàn thế giới đang ở châu Á. Hầu hết trong số họ là những phụ nữ có ít quyền lợi, làm việc nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày và sống với mức lương cực thấp.
Ảnh chân dung Sritak - ôsin bị bạo hành khi làm việc ở Đài Loan. Trên ngực cô vẫn còn vết sẹo rất lớn bởi đòn "tra tấn" của chủ. Ảnh CNN
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên đoàn Người giúp việc quốc tế, có trụ sở tại Hong Kong, bà Elizabeth Tang cho biết, nhiều người châu Á có thói quen thuê người giúp việc từ những nhóm dân tộc thiểu số hoặc người bản xứ có địa vị thấp hoặc nhà nghèo và tin rằng họ đang dang tay giúp đỡ những người này.
"Các ông bà chủ có xu hướng nghĩ rằng: Cô rất nghèo. Nếu tôi không cho cô làm việc trong nhà tôi, cô có thể sẽ chết, cô sẽ không có gì để ăn. Những quan điểm như vậy đã bắt rễ rất sâu trong nhận thức của nhiều người", bà Tang nhận định.
Ngoài ra, bà Tang cũng thừa nhận rằng, nhiều ôsin châu Á phải sống như nô lệ trong nhà chủ, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần..
"Có nơi, họ chỉ được trả lương 9 USD/tháng. Thậm chí, có nơi, họ còn không được trả đồng nào mặc dù phải làm việc như một nô lệ", bà Tang nhấn mạnh.
Phương Đăng (theo CNN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.