Nơi đầu tiên có 9 xã nông thôn mới nâng cao

Trọng Toàn Thứ năm, ngày 07/05/2020 18:36 PM (GMT+7)
Sáng 5/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với huyện Đan Phượng về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2019, 3 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác chỉ đạo đại hội đảng các cấp...
Bình luận 0

 Đến thời điểm này, Đan Phượng cũng là huyện đầu tiên của thành phố có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Về đích NTM nâng cao trong năm nay

Theo báo cáo của Huyện ủy Đan Phượng, ngay từ đầu năm nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 gắn với triển khai toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là triển khai sản xuất gieo trồng vụ xuân gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Đáng chú ý, Đan Phượng đã có 9 xã đạt chuẩn NMT nâng cao và phấn đấu trong năm nay, 15/15 xã sẽ hoàn thành xây dựng NTM nâng cao. Trong quý I/2020, thu ngân sách trên địa bàn đã đạt 134,347 tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán thành phố giao.

Nơi đầu tiên có 9 xã nông thôn mới nâng cao  - Ảnh 1.

Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với huyện Đạn Phượng. T.T

Về tiến độ tổ chức đại hội đảng các cấp, đến nay 288/288 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở trên địa bàn huyện đã tổ chức thành công đại hội (xong trước ngày 15/1/2020). Toàn huyện cũng có 9/40 đảng bộ, chi bộ cơ sở tổ chức xong đại hội. Công tác chuẩn bị tổ chức đại hội chi, đảng bộ cơ sở còn lại đang được tiến hành khẩn trương, phấn đấu cơ bản hoàn thành đại hội cấp cơ sở trong tháng 5/2020.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng nêu 4 nhóm kiến nghị, với 13 nội dung cụ thể. Trong đó, kiến nghị thành phố quan tâm đầu tư 6 dự án giao thông với chiều dài 24,2km, tổng kinh phí trên 6.146 tỷ đồng; sớm phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường Tỉnh lộ 417 (giai đoạn 2) và Tỉnh lộ 422, đê Tả Đáy, đê Tiên Tân, đê La Thạch; chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ Nhà máy nước mặt sông Hồng; sớm đầu tư bãi chất thải rắn tại xã Trung Châu...

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đánh giá, Đan Phượng là địa phương có nhiều điểm sáng của thành phố, là nơi có truyền thống cách mạng, quê hương của phong trào "Ba đảm đang"; huyện đầu tiên của thành phố có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; một trong những huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực nhất, đến nay, nông nghiệp còn 5,5%, trong khi dịch vụ rất phát triển...

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, yêu cầu đặt ra đến năm 2025 phát triển thành quận, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nêu lên những thách thức, khó khăn đối với huyện, nhất là về nhân lực, cơ sở hạ tầng...

Nơi đầu tiên có 9 xã nông thôn mới nâng cao  - Ảnh 2.

Trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ trong nhà kính của chị Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Giữ được bản sắc văn hóa

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên đoàn công tác và lãnh đạo huyện Đan Phượng, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá: Đan Phượng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa, thời gian qua đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt cao như: Tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Đặc biệt, công tác xây dựng NTM và giảm nghèo của huyện Đan Phượng không chỉ là điểm sáng của Thủ đô, mà còn của cả nước.

Huyện cũng quan tâm phát triển giáo dục, y tế, dẫn đầu thành phố về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; là địa phương tiên phong trong phát triển y tế xã và triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Ngoài ra, huyện cũng rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, nội bộ đoàn kết, thống nhất; trong 4 năm qua, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém...

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, tốc độ phát triển của huyện có tăng nhưng vẫn dưới tiềm năng, trong khi thế mạnh, đầu tàu, chủ lực về kinh tế của huyện chưa rõ; các sản phẩm OCOP của huyện còn ít; việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp cũng chưa nhiều...

Từ những vấn đề trên, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ lưu ý đội ngũ cán bộ huyện cần tránh tâm lý chủ quan, trì trệ; phải có tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, không bằng lòng với những gì đã đạt được.

Nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh Đan Phượng cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tạo thuận lợi cho tái đàn lợn; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân, mở thêm các điểm công nghiệp mới và động viên, khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp.... 

Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, trên cơ sở nền tảng của một huyện đạt NTM kiểu mẫu thì mô hình đô thị của Đan Phượng phải khác với đô thị của các quận nội đô cũ. Đó phải là đô thị của tương lai, đô thị thông minh và hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa và những nét đặc trưng riêng".

Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem