Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Lạng Sơn là người giàu ươm 2 loại cây giống thơm lừng

Thuần Việt Thứ ba, ngày 01/10/2024 05:25 AM (GMT+7)
Từ cơ sở ươm giống cây hồi, cây quế bản địa nhỏ bé, sau gần 20 năm gây dựng, anh La Văn Đà (SN1984), ở thôn Nà Thà, xã Kim Đồng (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) đã trở thành trung tâm cung cấp cây giống lớn. Chàng trai người Tày La Văn Đà là một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.
Bình luận 0

Vựa cây giống quế chi và cây hồi giống xứ Lạng

Vườn ươm cây giống của anh Đà nằm cạnh đường cái dẫn vào xã. Đứng từ xa nhìn lại cả thung lũng rộng lớn bị bao phủ bởi những tấm lưới đen lớn choán hết một góc trời. 

Anh Đà người dân tộc Tày có dáng người thấp đậm, nước da rám nắng chạy đi chạy lại như con thoi. Anh vừa đến các đại lý cây ở Cao Bằng, Lạng Sơn kiểm tra hàng, gặp đối tác rồi lại tất bật trở về vườn ươm chỉ đạo công việc. 

Vẫn cái giọng nói đầm ấm, mộc mạc, chân chất của bà con người vùng cao, anh Đà mở lời: "Ngày nào cũng vậy, tôi cứ phải tất bật ngược xuôi. Mình tham gia làm kinh tế đã có sự "hội nhập" sâu rồi, nên không còn cảnh an nhàn như trước".

“Vua” giống cây xứ Lạng Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - Ảnh 1.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ tỉnh Lạng Sơn-anh La Văn Đà trước cơ ngơi của gia đình mình gây dựng được từ nghề ươm cây quế giống, cây hồi giống.

Theo lối mòn anh Đà dẫn chúng tôi xuống thăm cơ sở sản xuất cây giống của đình. Vườn cây nằm dưới thung lũng, phía sau ngôi biệt thự bề thế của anh vừa xây xong. Ngôi nhà hiện đại hiện lên giữa xóm núi, nom thật kiêu hãnh. 

Phía sau nhà, vườn cây rộng hơn 5ha chạy dài theo thung lũng. Toàn bộ diện tích này đã được anh dựng mái bằng lưới đen. Cây giống được bảo vệ tới tận chân răng. Phía trong nhà lưới là vô số các luống cây giống được làm ngay ngắn chạy dài, thẳng tắp. 

Cây nào cây nấy khỏe khoắn, xanh mướt. Bước vào khu nhà lưới, tôi tưởng mình bị lạc vào xứ sở của hoa hồi, hoa quế. Hương thơm của những loài cây như "khủng bố" cái mũi của người khách lạ. Hương rừng quyện vào không khí, bám vào áo người làm cả ngày không tan.

“Vua” giống cây xứ Lạng Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - Ảnh 2.

Anh Đà, nông dân thôn Nà Thà, xã Kim Đồng (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) bên trong kho quế của gia đình mình tự sản xuất

Vừa tới vườn, anh Đà từ một thương nhân giỏi buôn bán "biến" mình thành một nông dân. Anh đi qua từng luống cây, đưa đôi bàn tay dày và thô ráp vờn nhẹ trên từng ngọn cây. 

Đôi mắt anh tràn đầy niềm vui khi giới thiệu và cơ sở sản xuất của gia đình: "Mỗi năm trại giống xuất bán mấy trăm vạn cây. 

Hiện trong vườn đang có mấy triệu cây con. Chúng được phân vùng theo chủng loại cây". Vùng ruộng thấp anh ươm cây quế, cây keo, phía giáp đường anh ươm giống hồi. Từng luống, từng ô được phân biệt rạch ròi.

Sự bề thế của cơ sở sản xuất giống mọc lên nơi xóm núi khiến ai đến cũng phải ngỡ ngàng. Nơi này cả ngày nhộn nhịp người ra, người vào. Người địa phương, người ở nơi xa kéo nhau đến mua giống. Trại giống hoạt động nhịp nhàng nhờ sự chỉ đạo đầy khoa học của anh Đà. 

Trong vườn hệ thống cọc đỡ lưỡi đều được làm bằng trụ tre. Dọc lối đi đường ống nước được chôn ngầm rất bài bản. Trên có mái che, dưới có hệ thống tưới lại được chăm sóc bởi đội ngũ công nhân lành nghề, nên vườn cây phát triển rất tốt. 

Trong số các loài cây giống đang ươm trong trại, anh Đà kết nhất là giống hồi ghép. Thứ cây này đang là con gà đẻ trứng vàng cho trại giống. Mỗi năm mang lại cả tỷ đồng, chứ không nhỏ.

Ghép thành công giống cây hồi quý

Lạng Sơn là xứ sở của hoa hồi. Từ bao đời này bà con người Tày, người Nùng, người Thổ đã kiếm được khoản thu nhập không nhỏ từ hoa hồi nhờ khai thác từ tự nhiên. 

Mấy thập kỉ gần đây, bà con còn chủ động trồng hồi trên đồi để khai thác. Tuy nhiên do giống hồi bản địa cho hoa không được đồng đều cả về chất lượng lẫn mẫu mã.

Anh Đà đã nhiều lần tiếp xúc với đối tác xuất khẩu hoa hồi đi châu Âu, họ đòi hỏi hoa hồi phải có từ 8 đến 12 cánh, số lượng phải đồng đều. Trong khi đó, giống hoa hồi trồng tại xứ Lạng đa số chỉ có từ 6 đến 8 cánh, loại 10 và 12 cánh rất hiếm. 

Là người làm giống, nên anh Đà đã cất công tìm hiểu sâu về giống cây hương liệu. Muốn trồng hồi phải mất cả chục năm mới cho thu hoạch. Nếu mình biết ghép cây hồi, nó sẽ rút ngắn thời gian cho thu hoạch còn 4 năm. 

Vấn đề là ở xứ Lạng chưa ai ghép thành công giống hồi. Suốt nhiều năm liền nung nấu, anh Đà tìm đủ mọi cách mà không sao ghép thành công. Anh cũng hỏi nhiều chủ vựa khác, nhưng họ cũng đều lắc đầu không làm được.

“Vua” giống cây xứ Lạng Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - Ảnh 3.

Vườn cây giống mới của nông dân xuất sắc La Văn Đà, thôn Nà Thà, xã Kim Đồng (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn)

Sau nhiều lần thất bại, anh đã cất công sang tận Trung Quốc để tìm hiểu về giống cây hồi. Khi đến vựa hồi của họ ở gần biên giới nước ta, anh bị choáng ngợp bởi quy mô trồng hồi của họ. 

Cả triệu gốc hồi mọc đều tăm tắp. Tán đều đậu hoa trăm cây như một. Hơn nữa, sản lượng mà họ trồng cao gấp nhiều lần so với cây hồi mọc tự nhiên ở ta. Lân la nhiều chuyến, anh mới tiếp cận được cách nhân giống của họ là ghép hồi trên cây thực sinh. 

Nhờ việc ghép này mà cây hồi phát triển tốt và cho mẫu mã rất đều. Suốt thời gian dài anh đi lại hai nước như con thoi. Khi anh học được cách ghép, nhưng phôi ghép anh phải mua. Mỗi mắt ghép họ bán cho anh 13.000 đồng. 

Mua được mắt, anh đưa giống hồi này về ghép tại vườn. "Nói thì đơn giản, nhưng tôi làm đi làm lại cả nghìn lần mới ghép được cây hồi. 

Và suốt 2 năm vừa qua, tôi nung nấu biến cơ sở của mình thành nơi sản xuất giống hồi ghép giúp bà con có được nguồn giống chất lượng hơn".

Sự thành công trong việc ghép cây hồi đã mở ra cơ hội làm giàu rất lớn cho anh Đà. Cây hồi ghép cũng giúp bà con rút ngắn được thời gian trồng và cho thu hoạch đều. Hiện anh Đà đang bán 50.000 đồng/cây hồi ghép. 

Theo ước tính của anh Đà, 1ha có thể trồng được 500-700 cây hồi, tùy theo địa hình. Đến năm thứ 4 cây hồi cho thu từ 15 đến 20kg hoa. Với giá bán hoa hồi từ 200 đến 260.000 đồng/kg, một cây hồi cho thu cả triệu đồng. 

Hơn nữa, cây hồi ghép cho thu hoa đều và nó chỉ diễn ra trong cùng khoảng thời gian 1 tuần. Trong khi đó giống hồi tự nhiên, thu lẻ tẻ kéo dài cả tháng. Từ khi thành công nhân giống hồi ghép, cơ sở của anh luôn được người dân tìm đến đặt mua cây giống. Nó sẽ mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân vùng cao xứ Lạng.

Đi thăm vườn và nói về cây giống là niềm đam mê của chàng trai người Tày. Gặp cây gì, nói về quy trình sản xuất hay ưu và nhược điểm của cây anh đều thuộc nằm lòng. Chẳng thế mà mỗi năm cơ sở của anh xuất bản vả mấy triệu cây giống ngon lành. 

Toàn bộ diện tích trên 5ha đã được phủ kín bởi cây giống. Ước mơ làm giàu của anh Đà chưa dừng lại ở cây giống. Gia đình anh cũng quyết tâm trồng cả chục ha hồi, quế. Hiện vườn quế đã cho thu hoạch. Vườn hồi đã bước sang năm thứ hai. 

Theo chia sẻ của anh Đà, trồng cây mình không nóng vội được. Nhưng nó là nguồn tiền bỏ ống. Cứ sau mỗi năm, sản lượng hoa hồi sẽ dần tăng. Đời cây cho thu hoạch theo đời người, nó sẽ mang lại vàng mười cho người trồng.

Ước mơ biến cả vùng biên viễn này thành xứ sở của cây hương liệu của anh Đà dang dần thành hiện thực. Bà con mua được nguồn giống chuẩn, có chất lượng, khi trồng xuống chúng sẽ phát triển tốt và cho thu hoạch đều đặn. 

Không dừng lại ở việc ươm cây giống, anh Đà còn là đại lý thu mua quế khô và hoa hồi cho bà con. Vẫn cái sự chịu thương, chịu khó, không ngừng tìm hỏi và tìm kiếm đối tác, nên anh Đà buôn bán hàng nông sản rất có duyên. Nguồn quế thu được của bà con đều được thu mua hết sạch. 

Quế đẹp mang xuất khẩu, quế vụn bán cho tư thương trên cả nước. Theo anh Đà trồng cây quế gần như không bỏ một bộ phần nào. Lá bán cho người nấu dầu, vỏ quế xuất khẩu, thân quế bán làm củi. Mấy năm gần đây cây quế đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình nơi đây. Nhờ vậy mà cơ sở sản xuất giống cây của anh Đà ngày càng trên đà phát triển.

Thuê cả cánh đồng để ươm cây quế giống, cây hồi giống

Câu chuyện làm giàu của anh Đà đưa tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Khu ươm cây giống choán hết cả một thung lũng rộng lớn. Đi mỏi chân vẫn chưa thăm hết toàn khu. 

Ấy vậy mà không ai nghĩ, cách đây khoảng hơn chục năm, anh Đà chỉ có vườn cây vô cùng khiêm tốn. Ngồi bên ngôi biệt thự 4 tầng khang trang và tràn đầy tiện nghi và bị ướp ủ bới hương hồi, hương quế, anh Đà dẫn tôi trở về những ngày đầu khởi nghiệp.

Anh sinh ra trong gia đình đông anh em ở sâu trong xóm núi. Từ bao đời nay, các cụ người Tày nơi đây toan lo nghèo khó. Họ cần mẫn một năm trồng hai vụ lúa nước. 

Hết mùa lúa lại lên rừng kiếm lâm thổ sản và chăn nuôi. Cuộc sống êm đềm đó kéo dài từ đời này sang đời khác. Trên mỗi nếp nhà chưa có sự giàu có, nhưng cũng đủ cơm ăn, áo mặc.

“Vua” giống cây xứ Lạng Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - Ảnh 4.

Công tác chăm sóc cây giống tại vườn của anh La Văn Đà để phục vụ nông dân trong vùng

Anh Đà là con cả của gia đình lại được bố mẹ cho ăn học tử tế. Các cụ thân sinh muốn anh thoát cảnh chân lấm tay bùn, theo nghiệp công chức nên động viên anh đi học. 

Tốt nghiệp PTTH, anh có may mắn được nhận về xã làm Phó công an xã Kim Đồng. Vốn là người ham học hỏi lại thông minh, nên anh từng bước được cử đi học nâng cao và chuyên ngành về công an. Họ muốn một người con của đất này trở thành cán bộ để phục vụ bà con xóm núi. 

Suốt cả chục năm, anh Đà ăn rồi đi học rồi trở về xã làm việc. Đúng như kì vọng của các cụ thân sinh, anh được để bạt làm Trưởng công an xã Kim Đồng. Như người khác coi đây là cơ hội tốt, với anh Đà khi tiếp nhận chức vụ mới anh lại thấy lấn cấn.

Ngày ngày đi làm trên con đường đất lầy lội, nhìn những quả đồi tươi tốt để mặc cho đám dây leo, tre pheo phủ đầy bên đường mà anh thấy xót của. Sống ở vùng thừa đất sản xuất, thừa tiềm năng, nhưng cuộc sống của bà con còn nghèo khó quá. 

Hơn chục năm làm công chức xã không làm anh vui mà cái máu nông dân trong anh lại nổi lên. Sống ở xứ hương liệu nên anh biết nếu khai thác tốt tiềm năng này, đời sống của bà con sẽ khá dần lên. Sau 2 năm làm Trưởng công an xã, anh đã quyết định xin nghỉ việc về nhà làm vườn ươm cây giống.

“Vua” giống cây xứ Lạng Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - Ảnh 5.

Sản phẩm quế chất lượng cao của nông dân La Văn Đà

Cái tin anh nghỉ việc, ai cũng cho anh là người hâm dở. Người ta mong muốn được đứng trong ngành không được, anh lại chạy đi. Với anh Đà lại có suy nghĩ tích cực hơn, anh tin quyết tâm của anh sẽ làm thay đổi cả vùng đất này. 

Suốt mấy năm mở vườn ươm cây giống, trong tay không có tiền, vay ngân hàng không có gì để thế chấp. Anh Đà đã mạnh dạn đi gom vốn của bà con nhân dân trong xã. Mỗi người cho vay vài triệu, có người cho vay vài chục triệu để "góp" phần giúp anh Đà thực hiện ước mơ của mình. 

Ngày tháng dần trôi, từ một cơ sở ươm giống nhỏ bé, nhờ sự năng động trong tiếp cận khách hàng, anh Đà đã làm ăn có lãi. Cứ có tiền, anh lại mở rộng dần vườn ươm.

Khi đất đai của gia đình không còn chỗ để ươm cây giống, anh đã mạnh dạn thuê 5ha ruộng 2 vụ của bà con trong xóm để làm vườn ươm. 

Để cho anh Đà thuê đất, thôn rồi xã họp lên, họp xuống nhiều lần. Người nói ra, người nói vào, có ý kiến từ chối thẳng thừng, cho anh Đà thuê đất dân chúng tôi sống bằng gì. Chân ruộng trồng được 2 vụ lúa, 1 vụ hoa màu là cứu cánh của bà con, giờ cho thuê bà con lấy gì để làm.

“Vua” giống cây xứ Lạng Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - Ảnh 6.

Anh Đà luôn trăn trở làm sao để làm được nhiều giống tốt cho nông dân quê hương mình

Công cuộc mở rộng vườn ươm của anh Đà gặp nhiều khó khăn và kéo dài trong suốt mấy năm. Muốn để bà con tin và giao đất cho anh thuê dài hạn, anh Đà đã phải làm từng bước một. Đầu tiên là anh thuê ruộng của người thân để làm vườn ươm.
Mỗi sào đất, mỗi năm anh trả 4 triệu đồng. Như vậy bà con có ruộng cho thuê, không phải làm gì cũng thu được một khoản tiền lớn. Trong khi đó, nếu bà con cần mẫn, canh tác cả năm cũng không thể thu được số tiền lớn đó. 

Từ một vài hộ cho thuê ban đầu, dần dần bà con trong xóm cũng hiểu được cách làm của anh Đà. Họ cho anh thuê đất rồi trở thành công nhân cho anh, bài toán đó lợi cả đôi đường.

Đến giờ anh Đà đã thuê được 5ha đất vốn là bờ xôi ruộng mật của bà con. Người Tày, người Nùng nhận thấy cách làm của anh Đà đã đi đúng hướng, nó còn mở ra hướng làm ăn cho bà con. 

Theo đánh giá của ông Đinh Văn Cưu, trưởng thôn Nà Thà, - cái tên xóm đã thể hiện được sự trân trọng của các cụ. Theo tiếng Tày - Nà là ruộng, Thà là sông. 

Nà Thà tức là ruộng ven sông. Nó là nơi đã góp phần nuôi sống cả xóm núi. Giờ đây anh Đà thuê lại với mức giá tương đối cao. Bà con dần cũng hiểu được việc làm tốt đẹp đó.

Clip: Toàn cảnh mô hình ươm cây quế giống, cây hồi giống với quy mô lớn của nông dân Việt Nam xuất sắc 2024  La Văn Đà, thôn Nà Thà, xã Kim Đồng (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn).

Câu chuyện làm giàu của anh nông dân xóm núi dần mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nơi đây. Đặc biệt là giống hồi ghép mà anh Đà đã kì công triển khai đã thành công. 

Giờ đây, người dân sống ở miền sơn cước, chỉ cần có đất và quyết tâm là có thể sống khỏe trên quê hương. "Cây hồi được trồng thành vùng sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu sang các nước châu Âu rất lớn. Thứ hương liệu quý là lợi thế ở đất này, bà con nên tận dụng".

Cách làm kinh tế của anh Đà giờ đã được bà con nhìn nhận là đi đúng hướng. Anh không chỉ làm giàu cho mình mà còn giúp cả vạn hộ nông dân nơi đây có được nguồn giống cây tốt và đạt chuẩn. 

Theo chia sẻ của anh Đà, làm nông nghiệp, đặc biệt là sự nghiệp trồng rừng không thể giúp anh và người nông dân giàu nhanh được. Tuy nhiên, trồng cây gây rừng là nguồn tiền bỏ ống. Cứ sau mỗi năm nguồn tiền đó sẽ được nhâng dần lên. Cây quế, cây hồi đang trở thành nguồn thu chính cho người nông dân nơi đây. 

"Tôi thấy vui khi mình đã góp chút công sức nhỏ bé của mình tạo lên vùng hương liệu quý này", anh Đà chia sẻ.

Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.

Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem