Vào những ngày sau Tết Giáp Ngọ 2014, trên các phương tiện truyền thông (trong đó có NTNN) đều đưa thông tin về người dân ở tổ 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, đã bỏ lại nhà cửa, ruộng nương, trâu bò, lợn… để chuyển đến nơi khác sinh sống, vì sợ hãi "con ma xấu” sẽ về bắt đi, vì liên tiếp những ngày trước đó trong thôn có 2 người treo cổ tự tử.
Người dân đập phá hết nhà cửa trước khi bỏ đi khỏi làng (Nguồn: Dân trí)
Cũng khoảng thời gian này, ngày 4.2.2014 (tức mồng 5 Tết Nguyên đán), tại nóc Lép Loa 1, thôn 3, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, cùng tỉnh Quảng Nam) cũng xảy ra một câu chuyện tương tự. Anh Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1972) người dân tộc Ca Dong ở nóc Lép Loa 1, vào rừng đi săn và bắt được một con khỉ mang về nhà làm mồi nhậu.
Đến 17 giờ cùng ngày, Sơn mời một số anh em trong gia đình về nhà nhậu cùng một số bạn bè. Sau khi uống hết 3 lít rượu thì tiệc tàn, mọi người ra về. Lúc này vợ chồng Sơn xảy đã ra cãi vã, xô xát. Trong lúc xô xát, Sơn đã dùng dao (loại dao dùng để đi săn) đâm vợ là chị Hồ Thị Xoa (sinh 1979) một nhát chí mạng và gây tử vong. Sau đó, Sơn đã cầm dao chạy trốn vào rừng, đến khu vực suối Nước Da thì tự treo cổ kết liễu đời mình.
Khi chúng tôi về nóc Lép Loa 1 (thôn 3) thì chỉ thấy căn nhà cháy rụi trơ khung, xung quanh không một bóng người. Già làng Hồ Văn Chung cho hay, theo phong tục của người Ca Dong, chuyện vợ chồng Sơn chết như vậy là "chết xấu". Vì vậy, sau khi chôn cất xong phải tiến hành đốt nhà cửa và tài sản.
Người Ca Dong quan niệm vợ chồng anh Sơn chết là do "con ma ám" chứ không phải say rượu. Một khi chết xấu thì không nên để lại ngôi nhà và tài sản của con ma xấu. Người đã chết thì mang theo tất cả, nếu để lại con ma sẽ làm hại dân làng".
Ý làng đã quyết như vậy nên ngay lập tức nhà cửa, vật dụng, của cải của vợ chồng anh Sơn bao nhiêu năm tích góp đều bị đốt sạch, khiến 4 đứa con của anh Sơn chị Xoa lâm vào cảnh bơ vơ, mất cha mẹ, không nhà cửa...
Hiện nay, cháu đầu Nguyễn Ngọc Nhi đang theo học Trường Dân tộc nội trú Nam Trà My và sống nhờ vào sự trợ cấp hằng tháng của Nhà nước. Bé Nguyễn Thị Nhơn (SN 2003) được các thầy, cô giáo cưu mang ăn ở, học tập tại Trường Tiểu học Trà Tập. Còn cháu Nguyễn Thị Nhép (SN 2007) và Nguyễn Thị Nhiệt (SN 2009) còn nhỏ nên được người cậu Hồ Văn Khuyên chăm sóc.
Qua những sự việc trên, gióng lên hồi chuông về những luật tục, hủ tục cũ vẫn đang tồn tại trong đời sống đồng bào DTTS các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam và gây nên những hệ lụy đau lòng. Vì vậy rất cần sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền các địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu nói trên…
Tùng Sơn (Tùng Sơn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.